20/05/2014 03:25 GMT+7

Dồn sức hỗ trợ nhà đầu tư

ĐÌNH DÂN - BÁ SƠN - HÀ MI - NGUYÊN HƯNG
ĐÌNH DÂN - BÁ SƠN - HÀ MI - NGUYÊN HƯNG

TT - Những cánh cổng được chính tay công nhân sửa sang, các bảng tên công ty được gắn lại ngay ngắn. Tại các khu công nghiệp - khu chế xuất ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, công nhân và chủ doanh nghiệp đang chung tay đưa công ty trở lại hoạt động.

m5t4tRJU.jpgPhóng to
Công nhân Công ty Kaiser tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 làm việc sáng 19-5 - Ảnh: Bá Sơn

Nhiều giải pháp tích cực đang được các ngành chức năng Bình Dương, Đồng Nai... khẩn trương thực hiện để tạo dựng lại môi trường đầu tư sau một số sự cố vừa qua.

Yên tâm sản xuất

Ngày 19-5 là ngày làm việc đầu tiên sau gần một tuần xảy ra tình trạng một số phần tử lợi dụng biểu tình đập phá các công ty, xí nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Theo ghi nhận, tình hình tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã trở lại ổn định, nhiều công ty đã trở lại hoạt động bình thường.

"Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực gấp 5-10 lần để lấy lại niềm tin của mọi người. Bình Dương cam kết và sẽ làm tốt như chúng tôi đã từng làm trước đây"

Ông Trần Văn Nam (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Có mặt tại Công ty cổ phần Kaiser (chuyên chế biến gỗ, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, Bình Dương) vào sáng 19-5, chúng tôi ghi nhận cảnh lao động tấp nập tại đây. Rất nhiều quản lý người Đài Loan đã có mặt để điều hành sản xuất. Trong khuôn viên rộng khoảng 30ha của công ty, tất cả nhà máy đều có công nhân làm việc.

Ông Luo Qiang Jun - phó giám đốc sản xuất Công ty Kaiser - cho biết sau một số sự cố vừa qua, công ty đã nhanh chóng khắc phục và chăm lo các quyền lợi chính đáng cho người lao động để họ yên tâm sản xuất. Theo thống kê của công ty, có tới 3.900 trong tổng số 4.300 công nhân của công ty đã trở lại làm việc. Hiện mỗi ngày công ty này đang xuất đi 30-40 container hàng. Theo ông Luo Qiang Jun, hiện lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ an ninh, hỗ trợ công ty... nên công ty yên tâm trở lại hoạt động bình thường.

Tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), nhiều nhà máy cũng đã hoạt động trở lại, một số công ty bị đốt cháy đang khôi phục nhà xưởng và máy móc. Công ty giày Đông Hưng ngày 19-5 đã có 1.700 công nhân trở lại làm việc tại nhà máy số 1, các nhà máy còn lại như nhà máy số 2 công nhân vẫn đang dọn dẹp, sửa chữa máy móc để hoạt động trở lại trong ba ngày tới. Ông Ngô Trường Bửu, phó tổng giám đốc Công ty Đông Hưng, nói: “Sau sự cố này nhiều hồ sơ, dữ liệu của công ty bị thất lạc nên gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục xuất khẩu và kể cả kê khai thuế cũng bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, chúng tôi kiến nghị Nhà nước về ngắn hạn có cơ chế riêng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở các thủ tục hải quan, kê khai thuế. Còn về lâu dài Nhà nước xem xét hỗ trợ về thuế suất, tiền thuê đất...”.

Viết thư chia sẻ với công nhân

Còn tại TP.HCM trưa 19-5, ông Tian Hai Long - giám đốc người Trung Quốc - và nhóm chuyên gia cùng quốc tịch thuộc Công ty He Chang Webbing đã quay trở lại nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân). Tại đây, các công nhân người Việt cũng đã có mặt 100% từ sáng sớm, họ dựng lại cổng công ty bị đổ ngã, dọn dẹp nhà máy và nhanh chóng sản xuất.

Ở khu nhà xưởng của Công ty He Chang Webbing, ông Long vừa bận rộn hướng dẫn công nhân sắp xếp lại công việc trong dây chuyền sản xuất vừa kể bằng tiếng Việt: “Vụ lộn xộn là do một nhóm nhỏ kích động để phá phách, đây là điều mà không ai mong muốn. Chúng tôi qua đây làm kinh tế chỉ mong được ổn định an ninh để sản xuất, kinh doanh”.

Cạnh đó Công ty liên doanh Riken VN (liên doanh giữa Trung Quốc, Nhật, VN) cũng đã hoạt động trở lại, 100% công nhân đã trở lại nhà xưởng trong ngày 19-5. Đại diện công ty cho biết hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, ngay trong ngày công ty đã quyết định tăng ca để kịp giao đơn hàng cho đối tác. Tổng giám đốc người Trung Quốc Yu Ren Min đã viết thư gửi đến tận các công nhân để động viên họ quay lại làm việc. Trong thư ông Yu Ren Min khẳng định: tập thể lãnh đạo, chuyên gia và công nhân trong công ty vẫn chuyên tâm sản xuất. Bản thân ông và các chuyên gia người Trung Quốc rất bất ngờ trước sự việc nhưng vẫn giữ hình ảnh tốt về môi trường đầu tư của VN...

Tại hai Khu chế xuất Linh Trung, hầu hết các công ty đã quay trở lại sản xuất bình thường. Ông Chí Còng Mấn, giám đốc nhân sự Công ty may mặc Kim Hồng (100% vốn Đài Loan), cho biết ngày 15-5 công ty đã mở cửa trở lại với 20% công nhân nhưng đến ngày 19-5 thì tất cả 1.350 công nhân đã trở lại làm việc. “Hàng xuất đi Mỹ và châu Âu của chúng tôi bị trễ nhưng không đáng kể. Bốn lãnh đạo chủ chốt của chúng tôi từ Đài Loan sẽ trở lại làm việc trong vài ngày tới” - ông Mấn cho biết.

Bảo đảm tuyệt đối an ninh

Theo Tổng công ty Becamex IDC (chủ đầu tư các khu công nghiệp VSIP 1, 2, Mỹ Phước...) cho biết tổng công ty đã tăng cường lực lượng bảo vệ tại các khu công nghiệp để đảm bảo an ninh, cử nhân viên tiếp thị để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Công ty VSIP, tới nay đã có 166 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP 1 hoạt động trở lại, tại VSIP 2 là 103 doanh nghiệp, chiếm 83% tổng số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp này.

Tại các khu công nghiệp khác, ông Trần Văn Liễu - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - cho biết có tới trên 80% số nhà máy trở lại hoạt động. Các nhà máy còn ngưng hoạt động chủ yếu là do bị đốt. Lực lượng chức năng đã triển khai bảo vệ các nhà máy mà chủ đầu tư tạm thời vắng mặt, chưa trở lại VN. Đối với những doanh nghiệp bị cháy, mất giấy tờ... ban quản lý các khu công nghiệp cũng đã làm việc với Cục Hải quan, Cục Thuế để thống kê danh sách, giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này xuất nhập khẩu hàng hóa kịp thời. Dự kiến tới cuối tuần này, Ban quản lý các khu công nghiệp sẽ thống kê xong các doanh nghiệp thiệt hại và tiến hành hỗ trợ ngay.

Ông Nguyễn Phùng Trung, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Dương, cho biết qua thống kê có hơn 25.000 công nhân Bình Dương phải tạm ngưng việc. Để giải quyết quyền lợi cho công nhân, Bình Dương đang nhanh chóng triển khai thủ tục chi trả bảo hiểm xã hội, thất nghiệp. Dự kiến Bình Dương sẽ chi khoảng 750 tỉ đồng để chi trả ba tháng bảo hiểm thất nghiệp và một số trợ cấp khác cho công nhân bị ngưng việc.

Theo ông Trần Văn Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để xảy ra sự việc như vừa rồi là rất đáng tiếc, gây thiệt hại lớn nhưng tỉnh sẽ nhanh chóng khắc phục để tạo dựng lại hình ảnh và thương hiệu của Bình Dương. “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các nhà đầu tư và người lao động. Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực gấp 5-10 lần để lấy lại niềm tin của mọi người. Bình Dương cam kết và sẽ làm tốt như chúng tôi đã từng làm trước đây” - ông Nam khẳng định.

Còn tại Đồng Nai, đề cập việc các doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất trên địa bàn, ông Huỳnh Tấn Kiệt - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - cho hay: “Đã có trên 150.000 công nhân ở gần 200 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất trước đó trên địa bàn đi làm việc trong ngày đầu tuần. Hiện chỉ còn mười doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa, và bảy doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch bị đập phá chưa hoạt động trở lại”. Theo ông Kiệt, trong số 17 doanh nghiệp trên có hơn 3.000 công nhân đang nghỉ việc. Do vậy, liên đoàn đang tính toán phương án hỗ trợ thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét nhu cầu làm việc cho những công nhân này.

Sau đêm xảy ra vụ xô xát ở dự án Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận gần 100 bệnh nhân, trong đó có một số lao động Trung Quốc. Ông Nguyễn Viết Đồng, giám đốc bệnh viện, cho biết ngay sau khi các bệnh nhân Trung Quốc nhập viện, hầu hết bác sĩ, y tá được huy động tham gia công tác cứu chữa. “Mọi kinh phí điều trị cho bệnh nhân người Trung Quốc được miễn phí hoàn toàn” - ông Đồng nói.

Theo ông Lê Ngọc Châu - giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, đến ngày 19-5, toàn bộ lao động người Trung Quốc điều trị tại các bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh đã bình phục và xuất viện. “Khi ổn định sức khỏe, những bệnh nhân Trung Quốc mới được xuất viện. Trước khi ra về, họ viết thư bày tỏ sự cảm kích trước sự chăm sóc của các bác sĩ, tình nguyện viên trong những ngày họ nằm điều trị” - ông Châu nói.

VĂN ĐỊNH

wOpK0aEx.jpgPhóng to
Ngày 19-5 tại Công ty may mặc Kim Hồng (100% vốn Đài Loan), tất cả 1.350 công nhân đã trở lại làm việc - Ảnh: Đ.Dân

Sớm đánh giá và xác định mức độ thiệt hại

Ngày 19-5, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản gửi hai tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh về việc cử đoàn công tác vào làm việc tại hai địa phương này. Mục đích của đoàn công tác của Bộ Tài chính nhằm đánh giá và xác định phạm vi, mức độ thiệt hại thuộc trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của các doanh nghiệp vừa bị tổn thất. Trên cơ sở đó, bộ chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường theo hợp đồng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó trong công điện vừa mới phát đi, bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

L.THANH

ĐÌNH DÂN - BÁ SƠN - HÀ MI - NGUYÊN HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên