30/04/2010 11:02 GMT+7

Don North muốn làm phim về Phạm Xuân Ẩn

T.MAI chuyển ngữ
T.MAI chuyển ngữ

TTO - "Tôi luôn luôn tìm kiếm những tư liệu thú vị về Việt Nam để làm phim", ông Don North - nhà báo Mỹ, nhà sản xuất loạt phim truyền hình nổi tiếng Việt Nam - cuộc chiến mười ngàn ngày trả lời bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Vì bận công việc tại Củ Chi (TP.HCM), ông Don North đã không thể tham gia buổi giao lưu trực tuyến "30-4 và 35 năm sau" trên Tuổi Trẻ Online ngày 29-4. Ngay sau khi về từ Củ Chi, ông đã mở máy tính trả lời những câu hỏi mà bạn đọc đã gửi đến ông.

uYwguvwO.jpgPhóng to
Nhà báo Don North - Ảnh: LAN PHƯƠNG
“Chiến tranh VN định hình một thế hệ nhà báo”Xem nội dung buổi giao lưu trực tuyến 30-4 và 35 năm sauTừ 30-4, chờ đón kỳ tích kinh tế

* Ông có thể cho biết lý do vì sao ông sản xuất bộ phim Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày? (Hoa Lan, 32 tuổi)

- Nhà báo Don North: Năm 1980 ở Canada, một nhóm nhà báo có kinh nghiệm về Việt Nam đã quyết định sản xuất một bộ phim lịch sử về chiến tranh Việt Nam. Cùng với nhà báo, nhà làm phim Michael Maclear (nhà sản xuất Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày), tôi đã tham gia sản xuất một loạt phim cho đài phát thanh truyền hình Canada. Chúng tôi đã mua cảnh phim từ Hà Nội, từ những mạng lưới của Mỹ và trong quân đội Mỹ. Chúng tôi đã phỏng vấn những người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Sau đó, những thước phim đó được phát đi khắp nơi trên thế giới. Bộ phim được sản xuất để mọi người hiểu rằng vì sao cuộc chiến tại Việt Nam đã diễn ra và kéo dài quá lâu như vậy.

* Sắp tới, ông có dự định sẽ sẽ tiếp tục làm thêm những bộ phim về Việt Nam không? (caodaocao, 29 tuổi, conruoiduc@...)

- Tôi luôn luôn tìm kiếm những tư liệu thú vị về Việt Nam để làm phim. Gần đây tôi đã suy nghĩ về việc sản xuất một bộ phim tài liệu về Phạm Xuân Ẩn – nhân vật tôi từng biết cách đây nhiều năm từ khi tôi còn là một nhà báo trẻ ở Việt Nam.

* Vì sao ông chọn Việt Nam để tác nghiệp như một phóng viên tự do? Ông có thể kể về cảm nhận của ông khi lần đầu tiên đến Việt Nam để đưa tin về chiến tranh ở đây? (maidang, 1977)

- Tôi đến Việt Nam khi còn là một phóng viên 23 tuổi. Lúc đó tôi đến Việt Nam bởi vì câu chuyện cuộc chiến và có nhiều lính Mỹ trẻ đã thiệt mạng ở đây. Bây giờ sau nhiều năm trôi qua, người Mỹ nghĩ về Việt Nam như là một quốc gia chứ không mường tượng nơi đây là chiến trường xưa nữa. Thời điểm đó tôi chọn đến Việt Nam vì tôi cho rằng đó là nơi cần đến để đưa tin về những hoàn cảnh, những con người, những điều liên quan đến cuộc chiến ở đây.

Tôi cảm thấy hài lòng và biết ơn với những ngày tháng từng ở đây. Giờ đây tôi trở lại nơi này như là một người bạn và cảm thấy mừng trước những đổi thay, sự phát triển và thanh bình đang hiện diện ở đây.

* Người Mỹ nghĩ gì về bộ phim Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày do ông sản xuất? (Nguyễn Lan Anh, 50 tuổi, lananhnguyen21@...)

- Người Mỹ và mọi người khắp nơi trên thế giới khi xem Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày sẽ thấy về sự xung đột nhiều hơn thông qua những quyển sách lịch sử. Khi làm phim này, chúng tôi cố gắng thực hiện thật khách quan và công bằng những thông tin và hoạt động của cả hai phía. Những kinh nghiệm nghề nghiệp báo chí giúp chúng tôi tránh được những lỗi nghiêm trọng.

Tôi tiếc rằng nhiều người Mỹ đã không nghiền ngẫm được những bài học lịch sử vì vậy họ đã lập lại những sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi cho rằng những tư liệu báo chí hữu hiệu có thể là một phương tiện để ngăn chặn nhiều dân tộc tránh lập lại những sai lầm trong quá khứ và tránh bớt những hành xử gay cấn trong tương lai.

Tôi muốn giúp người Mỹ hiểu về sự tàn phá của chất độc da cam và đề nghị rằng chúng tôi có trách nhiệm góp phần vào việc nghiên cứu và giúp đỡ những nạn nhân phải chịu di chứng do ảnh hưởng chất độc da cam.

* Được biết ông tham gia nhiều hoạt động từ thiện ở Việt Nam trong những năm qua. Điều gì ấn tượng nhất với ông khi hoạt động từ thiện ở Việt Nam? (minhnghia, 18 tuổi)

- Tôi đã tham gia tổ chức chương trình về tour lưu diễn của ca sĩ Peter Yarrow để gây quỹ cho những nạn nhân da cam Việt Nam. Mục đích của chương trình này là giúp những nạn nhân da cam. Tôi muốn giúp người Mỹ hiểu về sự tàn phá của chất độc da cam và đề nghị rằng chúng tôi có trách nhiệm góp phần và việc nghiên cứu và giúp đỡ những nạn nhân phải chịu di chứng do ảnh hưởng chất độc da cam.

* Ông cảm thấy như thế nào khi trở lại Việt Nam sau 35 năm? Việt Nam hiện nay so với những lần ông trở lại trước đây có khác biệt gì không? (Đặng Hoàng Anh, hoanganh@...)

- Tôi rất ấn tượng khi thấy sự phát triển về kinh tế rất ấn tượng ở Việt Nam. Tôi chỉ hy vọng và mong muốn rằng những người nghèo cũng tìm được những cơ hội phát triển tốt hơn để cải thiện cuộc sống. Nhìn chung tôi khâm phục sự chăm chỉ và cố gắng của người Việt trong việc phát tiển kinh tế.

Cảm ơn Tuổi Trẻ Online vì đã cho tôi cơ hội trả lời những câu hỏi của độc giả.

T.MAI chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên