30/04/2010 06:12 GMT+7

Từ 30-4, chờ đón kỳ tích kinh tế

T.MAI ghi
T.MAI ghi

TT - Tại cuộc giao lưu trực tuyến chủ đề “30-4 và 35 năm sau” trên Tuổi Trẻ Online sáng 29-4, bạn đọc đã cùng các khách mời nhìn lại thời điểm lịch sử 30-4 và nhất là hướng đến những kỳ tích ở tương lai.

Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến

F9WhNuQ3.jpgPhóng to

Ngày 29-4, tại di tích lịch sử bờ Hiền Lương, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức khai mạc liên hoan thông tin lưu động với chủ đề “Thống nhất non sông” chào mừng 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (ảnh). Liên hoan quy tụ gần 500 diễn viên quần chúng. Liên hoan nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc trên mảnh đất lửa Quảng Trị - Ảnh: TTXVN

Trăn trở nhưng vẫn lạc quan vào tương lai

Nhớ lại những gì đã trải qua, KTS Nguyễn Hữu Thái - người dẫn chương trình, tham gia tổ chức chương trình phát thanh đặc biệt trưa 30-4-1975 ở Đài phát thanh Sài Gòn - tâm sự: “Trong ngày 30-4-1975, điều làm tôi xúc động nhất là bắt đầu từ đây chúng ta đã thật sự làm chủ đất nước của mình. Bây giờ nói ra, chúng ta không mường tượng hết cái quý giá của giây phút nhìn những máy bay trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước ta và đoàn quân giải phóng vào Sài Gòn. Và nhất là nhìn thấy nỗi vui mừng của nhân dân khắp thành phố. Chính những phóng viên nước ngoài, trong đó có không ít người Mỹ, đã thật sự kinh ngạc khi không có đổ máu, đàn áp mà chỉ có những giọt nước mắt vui mừng, những nụ cười rạng rỡ của đa số người dân”.

Ông Thái nói: “Đối với tôi và những người ở Sài Gòn vào lúc đó, 30-4-1975 là một sự giải phóng cho chính bản thân mình và một niềm hi vọng vô biên vào tương lai đất nước độc lập, có công bằng xã hội”.

Điều ông trăn trở nhất hiện nay là làm sao thế hệ trẻ bắt kịp và vượt được người để xây dựng đất nước. Ông tâm sự: “Chúng tôi luôn thao thức về sự tụt hậu của đất nước, đặc biệt là so sánh ngay với những nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Càng đi nhiều ra nước ngoài càng thấy trăn trở hơn. Nhưng tôi đã nhìn thấy một thế hệ trẻ của ta ở trong nước cũng như ngoài nước khá giỏi, không thua kém người. Tôi trăn trở nhưng vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai của đất nước”.

Cần mở lòng hơn với quê hương

“Chiến tranh đã qua đi. Tiếng súng cuối cùng đã chấm dứt từ 35 năm trước và nỗi đau của dân tộc không còn là cảnh chết chóc, đau thương mà chính là sự đói nghèo và lạc hậu. Mọi người VN, dù ở đâu, làm gì cũng đều mong mỏi về một dân tộc Việt ấm no và tiến bộ. Thế hệ chúng tôi dẫu hứng chịu ít nhiều hậu quả của những năm sau 1975 nhưng cũng không vì thế mà quên đi mục tiêu chung của cả dân tộc. Nhà nước cần rộng mở hơn nữa để mời gọi mọi tầng lớp người Việt tham gia kiến tạo đất nước. Người Việt chúng ta cũng cần mở lòng hơn nữa với quê hương, đồng bào” - đó là chia sẻ của anh Lê Nguyễn Minh Quang, đại biểu HĐND TP.HCM, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

Với anh Quang, cảm giác thua thiệt vẫn còn trong anh mỗi khi anh nghĩ đến và phải đối mặt với thực trạng về sự tụt hậu của VN so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này anh cảm nhận rõ trong những ngày tháng học tập tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) và đó chính là điều thôi thúc ý nghĩ làm sao để mỗi người Việt, dân tộc Việt mình có thể ngày nào đó tự hào về kỳ tích kinh tế như ta đã từng tự hào về kỳ tích chiến thắng ngoại xâm trước đây.

Có cha là sĩ quan chế độ cũ, theo độc giả Phạm Phú Thịnh, điều này là rất khó để trở thành đại biểu HĐND, nhưng không hiểu sao anh Quang lại làm được. Trả lời câu hỏi này, anh Quang chia sẻ việc trở thành đại biểu HĐND thật sự là sự cởi mở của thể chế. Ngoài ra, đó còn thể hiện sự lựa chọn của cử tri, thể hiện quyền lực dân chủ của người dân qua lá phiếu. “Chính vì lẽ đó, cũng như các đại biểu khác, tôi cố gắng làm tốt vai trò đại biểu của mình để đáp lại sự tin tưởng của cử tri, của những người đã tin tưởng tôi” - anh Quang cho biết.

Ở lại không băn khoăn

Bạn đọc Nguyễn Thành Nhơn gửi tới bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, câu hỏi: “Vào thời điểm sau năm 1975, nhiều người dân của TP.HCM tìm đủ mọi cách để rời khỏi VN. Cô thì không. Sau này có lúc nào cô trăn trở vì quyết định đó hay không khi đất nước đang ở vào giai đoạn khó khăn chồng chất?”.

Bác sĩ Phượng chia sẻ bà chưa lúc nào trăn trở vì quyết định ở lại VN, chỉ trăn trở vì chưa đóng góp nhiều cho đất nước. Rất cởi mở và chân tình, bà tâm sự về cuộc đời mình. Chồng bà là bác sĩ sang Pháp học từ năm 1974. Bà và các con không đi theo sự bảo lãnh của chồng lúc đó vì bà cho rằng các con ở lại VN có tương lai tốt hơn, trong một xã hội công bằng hơn và tôn trọng giá trị thực của con người hơn.

Bà cho biết đã gắn bó với bệnh nhân Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1969. “Đa số bệnh nhân rất nghèo, họ cần sự chăm sóc của bác sĩ. Họ cần mình, làm sao có thể bỏ rơi họ được” - bà Phượng nói.

T.MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên