06/08/2020 12:14 GMT+7

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 5: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Với những phận đời còng lưng nhặt ve chai để mưu sinh, việc ngày ngày bới móc bãi rác hôi thối đầy ruồi nhặng, chuột chết, mảnh chai, sắt gỉ là chuyện thường.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 5: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng - Ảnh 1.

PV Thành Nhơn và chị Dương cân bán ve chai sau một ngày đi nhặt - Ảnh TỰ TRUNG

Mấy củ khoai sùng này cô nhặt được từ xe bán hàng rong rơi rớt bên đường. Tối cô gọt lại, bỏ hấp cơm để sáng mai ăn đi làm.

Cô Nguyễn Thị Duyệt

Tôi nhập vai không là gì so với nỗi nhọc nhằn phải kiếm "chén cơm, manh áo" của họ, nhưng cũng nhiều trải nghiệm...

Ống hút, nắp chai bia cũng là miếng cơm

4h sáng, cô Duyệt đã lục đục thức dậy chuẩn bị đồ ăn cho mấy đứa cháu, rồi vội vã đạp xe đi làm. Cô hay loanh quanh mấy khu dân cư, nhặt ve chai từ các thùng rác, bãi rác. Công việc cô làm suốt gần 5 năm qua từ ngày rời Gia Lai vào TP.HCM.

Thời điểm tôi nhập vai, người em dâu cô Duyệt có việc ở quê nên "nhường mối" cho cô mấy tòa chung cư. Sau khi đảo quanh các tuyến đường, khoảng gần 6h cô bắt đầu đến chung cư để "nhận hàng". Rác chung cư được công nhân vệ sinh chuyển xuống dưới, cô phân loại, đóng vào bao và gọi chú Bình đến chở đi.

Nhận điện thoại từ cô, chú Bình tức tốc chạy đến chung cư. "Rác là tiền" - câu nói thiệt đúng với những gì tôi chứng kiến. Những thứ dân chung cư vứt bỏ như chai nước, giấy, đồ nhựa được quy ra tiền khi đã phân loại xong. Tùy từng thứ mà có giá khác nhau, từ vài trăm đồng, vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/kg.

"Dịch ảnh hưởng dữ lắm cháu, giá ve chai vựa thu mua thấp xuống nên chẳng được bao nhiêu. Cô chú làm quần quật vậy chứ cũng chỉ đủ đóng tiền phòng, mua đồ ăn hằng ngày" - cô Duyệt trải lòng.

Sau khi đã phân loại, chú Bình chất các bao ve chai lên chiếc Cub 50 cà tàng rồi chở thẳng ra vựa bán trong khi cô Duyệt đến những block chung cư khác gần đó và tiếp tục công việc đến chập tối. Nhiều hôm quá bận bịu hay mệt mỏi không muốn ăn, tôi thấy gói xôi, bịch khoai trước giỏ xe của cô chú vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi hiểu được nỗi nhọc nhằn của nghề ve chai bởi hầu như cái gì cũng có thể nhặt bán từ chén nhựa, ly nhựa đựng trà sữa, thức ăn nhanh đến bọc nilông, cục xốp, ống hút, nắp chai bia lăn lóc bên đường. Thậm chí, có người còn nhặt nhạnh cả dây truyền dịch bệnh nhân, thứ ai cũng tránh xa. 

Những ngày nhập vai, tôi hầu như chỉ nhặt chai nước, vỏ lon bia và thùng giấy bởi chúng dễ thấy và có giá bán tương đối khá. Lần đầu tiên tôi chở ra vựa bán mớ ve chai nhặt được 24.000 đồng. Những hôm khá khẩm hơn cũng chưa khi nào quá 50.000 đồng. Nghĩ mà thương các cụ già, em nhỏ còn yếu sức hơn tôi!

Đằng sau gánh ve chai là rất nhiều nỗi niềm. Tôi làm quen chị Nguyễn Thị Dương (45 tuổi, quê Yên Lạc, Vĩnh Phúc) trong một lần cùng cân bán ve chai cho vựa. Chị Dương trải lòng đã cùng chồng vào Nam hơn 10 năm nay, hằng ngày đi nhặt, mua ve chai rồi bán lại cho vựa. Công việc dãi nắng dầm mưa, anh chị dè sẻn gói ghém gửi tiền về quê cho cha mẹ và 3 đứa con. 

"Chỉ ăn cướp ăn trộm mới đáng khinh, chứ nghề ve chai này kiếm tiền lương thiện nên có gì phải xấu hổ. Mình còn bảo vệ môi trường" - chị Dương trải lòng.

Ngoài dơ bẩn, độc hại, nghề ve chai cũng hay gặp tai nạn như bị mảnh chai, thanh sắt gỉ cứa đứt tay. "Mấy lần còn bị các anh cảnh sát giao thông nhắc nhở chở đồ cồng kềnh, nhưng thấy chị nghèo nên mấy ảnh chỉ kêu dỡ bớt đồ xuống chứ không xử phạt. Công việc này có ai không chở cồng kềnh đâu" - chị Dương tâm sự.

Xóm trọ tôi về ở, những người làm nghề ve chai như gia đình chú Bình, chị Dương rất nhiều. Đó là cô Hoa, chị Oanh, anh Yên, rồi vợ chồng anh Tấn, anh Sơn... Bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, họ Nam tiến với ước vọng cuộc sống sẽ đỡ cơ cực hơn. Người trước vào thấy làm ăn được, lại rủ người sau vào theo. Người có chút điều kiện, vốn liếng và quen biết mối lái thì thu mua ve chai để bán lại. Người không có vốn thì suốt ngày đêm còng lưng nhặt ve chai, gọi là "sức làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu".

"Cố gắng dành dụm tí vốn nhỏ và làm quen mối lái, gần đây tôi chỉ đi thu mua ban ngày. Các công trường, chung cư, trường học, quán ăn... hay gọi mình đến lấy đồ phế thải. Việc mình là mang xe đến phân loại, trả tiền và chở đi bán lại kiếm lời, có bữa lời chỉ vài chục ngàn đồng nhưng cũng có bữa được gần cả triệu" - chị Dương thổ lộ.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 5: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng - Ảnh 3.

Bà cụ Nguyễn Thị Ảo nhặt mít từ thùng rác - Ảnh: T.NHƠN

Quay quắt tiết kiệm

Những tháng dịch COVID-19 ập tới, xóm ve chai đìu hiu hẳn. Đầu hẻm, vựa thu mua của chú Thuần cũng đang đình đốn vì dịch. Hàng ùn ứ nhiều do công ty tái chế tiêu thụ chậm nên hằng ngày chú tranh thủ đập gỡ, phân loại nhựa trong kho. "Chán lắm, sau tết đến giờ gặp khó. Đồ này chủ yếu tái chế, mà thị trường giờ ít có nhu cầu nên công ty chỉ thu mua lác đác" - chú Thuần tâm sự.

Cạnh đó, vựa của anh Trần Anh Tuấn (32 tuổi, quê huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng tiêu thụ chậm hơn trước. Anh vốn thu mua máy giặt, tủ lạnh, tivi cũ của những người đi mua đồ món ve chai. Với tay nghề sửa chữa cơ bản, anh tìm cách "tân trang" lại những đồ chỉ hư hỏng nhẹ, rồi bán giá rẻ cho những người có nhu cầu mà ít tiền. Cái nào hư hỏng quá nặng, anh rã ra thành từng loại như nhựa, sắt, đồng... cân bán ve chai. 

"Dịch ập tới, người ta ít mua lại, giờ chỉ mong đủ tiền trọ, tiền cơm nước mỗi ngày thôi" - anh Tuấn chặc lưỡi nhìn đống đồ ngổn ngang.

Những ngày đạp xe tìm nhặt ve chai trên các tuyến đường quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, tôi gặp rất nhiều người đồng cảnh. Trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), tôi gặp bà cụ Nguyễn Thị Ảo, tuổi 80, vẫn lục lọi thùng rác lẫn lộn mớ mít tố nữ và trái bơ thối hư mà người bán hàng rong bỏ lại. 

Nhìn cảnh cụ bà xẻ trái mít, tay run run bỏ từng múi vào miệng mà tôi nghẹn lòng. Ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng hằng ngày cụ phải đi nhặt mót ve chai kiếm miếng ăn. "Có ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng, tự mình lo cho mình thôi cháu ơi" - bà Ảo ngậm ngùi

Dịch giã, bữa cơm của nhiều gia đình trong xóm trọ vốn đơn giản lại càng đạm bạc hơn. Nhiều người tiết kiệm bằng cách tranh thủ giăng lưới cá ở mấy con rạch, ao tù xung quanh, hoặc đi chợ chiều dành cho người lao động nghèo để phù hợp túi tiền. Thịt heo đắt đỏ, bữa cơm của họ thường chỉ có rau, đậu hủ và chén cà muối...

Lao động cực nhọc và ăn uống kém, chị Oanh ở đối diện phòng tôi trọ hay bị bệnh đau bao tử, nhức đầu hành hạ, trong khi cô Duyệt cũng thường đau cột sống lưng. "Ngày nào cũng tốn tiền thuốc, hết đau cái này lại đau cái khác. Mình đã nghèo lại càng khó hơn" - chị Oanh trải lòng.

Tôi cay mắt, không thể trả lời. Xóm trọ nghèo bên ao tù hôi thối, đầy chuột bọ, muỗi mòng, rồi ngày ngày phải thọc tay vào thùng rác bẩn thỉu để mưu sinh thì làm sao những phận người này không đổ bệnh!

Tính từng đồng lẻ

Những ngày đi nhặt rác, tôi bất ngờ là trước hẻm trọ có nhiều vựa ve chai nhưng hầu hết đều bán cho những vựa xa hơn. Chỉ cần được hơn 100 đến 200 đồng/kg, vựa đó tất nhiên được dân ve chai tìm đến dù có phải còng lưng đạp xe thêm đường. "Được đồng nào hay đồng đó cháu ơi. Vài chục ký chai nhựa, vỏ lon tính ra mình cũng kiếm thêm được gần 10.000 đồng. Có tiền mua thêm quả trứng, bó rau" - cô Duyệt tâm sự.

Kỳ tới: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn

Đi nhặt ve chai đêm là những người nghèo khổ, chịu vất vả nhất. Họ tranh thủ đi nhặt mót miếng ăn từ những thứ người ta đổ bỏ trong lúc mọi người đã yên ấm giấc ngủ...

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 4: Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 4: Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại

TTO - 'Buổi ra đi mưu sinh, chú ngoảnh đầu lại quê hương, hẹn 5 năm trở về. Vậy mà giờ đã 23 năm rồi vẫn chưa biết ngày nào trở về'.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên