05/08/2020 15:15 GMT+7

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 4: Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - 'Buổi ra đi mưu sinh, chú ngoảnh đầu lại quê hương, hẹn 5 năm trở về. Vậy mà giờ đã 23 năm rồi vẫn chưa biết ngày nào trở về'.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 4: Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại - Ảnh 1.

PV Thành Nhơn tâm sự với bà Đặng Thị Tuyết nhặt ve chai trên đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là chia sẻ của chú Hoàng Văn Tiêu (58 tuổi, quê Yên Lạc, Vĩnh Phúc), một trong những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại xóm trọ ve chai nơi tôi nhập vai.

Người ta nói lượm ve chai là năng nhặt chặt bị, tích tiểu thành đại. Mình phải nhặt không chừa thứ gì, miễn sao bán được, từ chai nhựa, vỏ lon, bọc nilông đến cả ống hút, nắp chai bia nhỏ xíu.

Đỗ Văn Bình

Vẫn chưa biết ngày về

"Chuyến đi năm đó đến giờ vẫn in hằn trong ký ức của chú. Năm 1997, cuộc sống ở quê khó khăn nên chú quyết vào Nam với mong muốn cuộc sống tốt hơn. Trước ngày đi, chú mời xóm làng, họ hàng một bữa cơm rượu giã biệt quê hương. Chú nhớ từng nói với mọi người rằng 5 năm sau sẽ trở về quê hương sinh sống nhưng giờ thì đã mấy chục năm mưu sinh trên đất Sài Gòn" - chú Tiêu chùng giọng.

Ngồi bên tôi, chú trải lòng về những ngày đầu vào Nam sinh sống. Ngày đó, chú làm đủ mọi nghề để kiếm tiền gửi về quê cho vợ con... Dè sẻn ăn uống, tiết kiệm chi phí điện nước, tiền trọ luôn được đặt lên hàng đầu trong suy nghĩ của người đàn ông này. 

Những nhọc nhằn, khổ cực của nghề ve chai không lay động được ý chí của chú khi nghĩ về vợ và những người con nơi quê nghèo Yên Lạc. Thấy "sống được" nơi đất Sài Gòn, năm 2000 vợ và con chú Tiêu cũng vào mưu sinh. Hiện chú đã chuyển qua nghề đấm bóp, giác hơi trong khi vợ con vẫn làm nghề ve chai.

"Tuổi mình đi xin việc cơ quan, công ty ai mà nhận, chỉ nghĩ nghề gì sáng làm thì chiều đã có cái đút vào mồm. Nghề ve chai, đêm đi, sáng đã mua được cân gạo, gói mì" - chú Tiêu trải lòng. Phía trước hẻm vào khu trọ, chú Thuần (50 tuổi, cùng quê Yên Lạc) cũng là một trong những người đầu tiên tá túc nơi đây. Chú kể vùng đấy bây giờ mọc lên xóm trọ, chứ ngày xưa chỉ toàn ruộng, người dân sống thưa thớt chứ không đông đúc như hiện tại.

Những chủ trọ như bà Sáu, ông Tư Cá, chú Thuần đều quen thân. Năm 1993, từ Vĩnh Phúc, chú theo làn sóng thanh niên rời quê vào Sài Gòn. Thời gian đầu, chú làm bên vật liệu xây dựng rồi san lấp công trình. 

Phận đời đẩy đưa xứ người, chú lại gắn bó đời mình với nghề ve chai. "Việc chọn người, chứ mấy ai muốn gắn bó với lượm ve chai này đâu. Nhưng đã quen rồi thì nó lại trở nên thân thuộc với mình, không dễ bỏ được" - chú Thuần chia sẻ.

Tôi lặng nhìn bàn tay đen đúa của chú Thuần chai cứng, gân guốc nổi rõ sau hơn chục năm gắn bó với nghề ve chai. Nhưng nụ cười luôn hiện diện trên mặt người đàn ông 50 tuổi khi tâm sự về chuyện gia đình, mưu sinh. 

Vợ chú Thuần hiện là "phụ tá" đắc lực giúp chú trong việc phân loại nhựa, rồi chở vô bãi chứa. Hai người con chú cũng đã có gia đình và cuộc sống tạm ổn từ việc ve chai của cha. "Lâu lâu, chú cũng bòn tí tiền để về quê thăm họ hàng, nhất là mỗi dịp tết. Vợ chồng, con cái đã vào đây hết nhưng vẫn không bao giờ quên quê hương" - chú Thuần nghẹn giọng nói.

Cách đây vài năm, dốc toàn bộ vốn liếng hàng chục năm dành dụm được và mượn thêm người thân, chú Thuần mua miếng đất đang ở hiện tại. "Tiền đất với sửa sang lại nhà cửa luôn là gần 1 tỉ đồng đó cháu, cả gia tài với người nhặt ve chai bọn chú" - chú Thuần nở nụ cười thật vui. Gia đình hiếm hoi vẫn đang ngày ngày nhặt ve chai mà tôi quen biết đã phần nào thay đổi được cuộc sống.

"Người Gia Lai... nhặt ve chai"

Đó là cách nói tếu táo khi nhắc đến những người quê gốc Vĩnh Phúc vào Gia Lai sinh sống, và vì một lý do nào đó họ lại trở thành cư dân xóm ve chai vùng ven Sài Gòn này.

Đối diện phòng tôi trọ là gia đình chị Trần Thị Oanh (47 tuổi, huyện Đắk Pơ), theo nghề ve chai đã ngót nghét chục năm. Từ Vĩnh Phúc, chị mang theo hai con vào Gia Lai nhờ ông bà trông hộ rồi qua tận Lào làm công nhân nông trường. Việc hằng ngày của chị là hái quả ươi. Làm được thời gian, chị quay lại Gia Lai làm đủ thứ nghề để kiếm sống. 

"Có thời gian nấu rượu, nuôi heo, buôn đậu từ Quy Nhơn lên Gia Lai bán kiếm lời hoặc chở rau củ vô các buôn làng xa xôi bán cho đồng bào dân tộc thiểu số. Làm đủ nghề hết em ơi. Có đợt nuôi heo bị lở mồm long móng, nghèo lại càng nghèo hơn" - chị Oanh bồi hồi nhớ lại.

Rồi cũng vì cái nghèo, vợ chồng chị dắt díu nhau vào Sài Gòn với mong muốn tìm kiếm cuộc sống mới khấm khá hơn. Những ngày đầu anh Bộ, chồng chị, đi phụ hồ, chị thì đi nhặt ve chai chắt chiu lo miếng ăn hằng ngày và gửi tiền về lo cho con. Sau thời gian thấy cuộc sống dần ổn định hơn, anh chị dẫn con vào Nam cho học hành nhờ đồng tiền từ gánh ve chai của mẹ. 

"Dơ bẩn, nhọc nhằn lắm, nhưng cũng nhờ nó mà lo được cho mấy đứa nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Chờ con cái ổn định, chắc vài năm nữa anh chị về quê nhà Gia Lai làm gì đó sống qua ngày vì cũng lớn tuổi rồi" - chị Oanh chia sẻ dự định.

Chú Đỗ Văn Bình (58 tuổi) và cô Nguyễn Thị Duyệt (56 tuổi, cùng huyện Đắk Pơ), những người đã "cưu mang" tôi trong tháng ngày nhập vai nơi xóm trọ, cũng từ Gia Lai vào Sài Gòn làm nghề ve chai. Hơn 20 năm sinh sống nơi Tây Nguyên nắng gió, chú gắn đời mình với những rẫy mía bạt ngàn. 

"Thấy vợ chồng chú nghèo, người ta cho một ngọn đồi toàn cây tạp, dây leo, gai tua tủa để trồng trọt. Chú phát dọn trồng bắp nhưng trời không thương, đúng lúc cây đang trổ cờ thì nắng hạn. Bắp không thụ phấn được, quả xẹp lép không có hạt" - chú Bình ngậm ngùi kể.

Túng quẫn quá, cô chú nghe theo lời em dâu vào Nam nhặt ve chai. Chú Bình kể mấy năm nay mía đường thất bát, dân ở quê bỏ đi tứ xứ cả. "Đàn ông thì phụ hồ, bán trái cây dạo, phụ nữ thì làm tạp vụ, công nhân" - chú Bình chùng giọng trải lòng.

Chú Bình có ba người con thì hai người đã vào Sài Gòn lập nghiệp vì không biết làm gì ở quê. Mảnh đất hơn một mẫu ở quê trồng bạch đàn chờ vài năm mới bán gỗ được. Cuộc sống đô thị đắt đỏ nên những người con chú phải chật vật mưu sinh, không phụ giúp được gì nhiều. Đôi vợ chồng già hằng ngày đều phải đi mua ve chai, nhặt nhạnh vỏ lon, chai nhựa để lo cho cuộc sống nơi đô thị.

Đêm dần khuya, tôi lại rời xóm trọ, lọc cọc đạp xe theo những người nhặt ve chai ra đường kiếm miếng ăn. Mưa bất ngờ rớt hạt, các cô chú vẫn lầm lũi thọc tay vào các bao rác. Ai ly hương, đầu cũng ngoảnh lại hẹn ngày về, nhưng tôi biết ước mơ ấy vẫn còn xa...

Những bữa cơm tình đồng hương

doivechaiky4_1 1(read-only)

Người xóm trọ ve chai chuẩn bị mâm cơm đãi đồng hương vào - Ảnh: THÀNH NHƠN

Thời gian tôi ở xóm trọ, những bữa cơm đón người ở quê vào không phải là chuyện hiếm. Từ sáng sớm, cả xóm trọ đã chộn rộn chuyện sơ chế thức ăn, nấu nướng. Thường mỗi nhà sẽ chuẩn bị một vài món để hùn hạp chung cho bữa cơm thêm đông vui. "Cũng gần như thông lệ rồi, hễ có người ở quê vào là cả xóm sẽ đãi cơm giúp gắn kết tình đồng hương. Và cũng là lúc anh em, họ hàng tụ tập sau những giờ kiếm miếng ăn cực nhọc" - chú Tiêu chia sẻ.

"Chỉ ăn cướp ăn trộm mới đáng khinh, chứ nhặt ve chai kiếm tiền chính đáng nên có gì phải xấu hổ. Mình còn bảo vệ môi trường"...

Kỳ tới: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 3: Tình người sau gương mặt nhem nhuốc Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 3: Tình người sau gương mặt nhem nhuốc

TTO - Có một tiệm sửa xe ôtô trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 đêm đêm hay kêu tôi lại để cho mấy món ve chai. Đó là những vỏ chai nhớt, lon nước mà khách đến sửa xe uống rồi để lại.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên