03/08/2020 14:25 GMT+7

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 2: Ve chai "học việc"

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Tôi như "dân ngoại đạo" trước muôn màu muôn vẻ của thế giới ve chai. Chỉ riêng việc xác định cái gì nhặt được, cái gì không đã khiến thằng học việc với kinh nghiệm số 0 tròn trĩnh như tôi ngao ngán.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 2: Ve chai học việc - Ảnh 1.

Chú Đỗ Văn Bình thân tình sửa giúp tôi xe đạp đi nhặt ve chai - Ảnh: THÀNH NHƠN

Ngó nó vậy mà được ghê. Trai tráng còng lưng đạp xe, lượm lặt ve chai, không thấy mắc cỡ, ngại ngùng gì hết.

Mấy bác xóm trọ nhận xét tôi lúc mới đi nhặt ve chai.

"Ma trận" ve chai

Những ngày đầu nhập vai về ở xóm trọ nghèo trong hẻm Hoa Sữa, đường Phạm Hùng nối dài (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), tôi lân la kết thân với những người xung quanh. Người nhặt ve chai đầu tiên tôi bắt chuyện là anh Yên (42 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Sáng hôm tôi vào ở trọ, anh đang phân loại ve chai bên chiếc xe đạp lỉnh kỉnh những bao đồ phế thải cũ kỹ, nhăn nhúm.

Có thể dễ dàng nhận biết chiếc xe đạp của dân ve chai. Để hành nghề, họ chế phần chỗ ngồi ở yên sau với những thanh gỗ dài xếp ngang, xếp dọc cùng nhiều đinh đóng phía trên để có thể mang theo càng nhiều bao đựng ve chai càng tốt. Chân chống chiếc xe cũng được chế lại từ một đoạn tre dài. Người ta chỉ việc dựng xe vững chãi mỗi lần đi xung quanh nhặt ve chai.

Trên chiếc xe của anh Yên có khoảng 7, 8 chiếc bao như thế. Mỗi bao lại đựng một thứ khác nhau như nilông, chai nhựa, ly nhựa, giấy, sắt, lon nhôm... Tôi quan sát kỹ cách anh phân loại để có thể học việc một cách dễ dàng. Nhìn mấy ly nhựa, chén nhựa mà ngay lúc còn mới cũng có giá rất rẻ, tôi tò mò hỏi: "Ủa, mấy cái này nhặt bán cũng được hả anh?". "Bán được hết, chỉ ít tiền thôi chứ vẫn bán được" - anh Yên trả lời.

Cạnh đó, chú Sơn (50 tuổi) cũng đang phân loại ve chai sau một đêm làm việc vất vả. Chú bỏ các loại nilông vào từng túi nhỏ. Nghe chú Sơn giải thích tôi mới hiểu rằng nilông có đến vài loại như nilông màu, nilông trắng, nilông dẻo và mỗi loại lại có giá bán cho vựa rất khác nhau. 

"Đắt nhất là nilông dẻo khoảng 10.000 đồng/kg, tiếp theo là nilông trắng và rẻ nhất là nilông màu chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng" - chú Sơn chia sẻ.

Đến một vựa ve chai đầu xóm, tôi bắt chuyện với chú Thuần (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Cùng là nhựa nhưng chú phân ra quá nhiều loại khiến tôi chóng hết cả mặt. 

"Nhìn na ná nhau vậy chứ thật ra nhiều loại. Em không biết được liền đâu, chỉ dân trong nghề mới biết mà phân loại" - chú Thuần giải thích.

Rồi dân ve chai bao gồm cả những người chuyên mua đồ món. Hằng ngày họ đi mua lại tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, máy bơm, tivi cũ... để đem về bán lại cho điểm thu mua. Với những món đồ hư hỏng quá nặng không thể sửa chữa, họ rã ra làm đồ phế liệu bán ve chai.

Một số dân ve chai có mối riêng ở những chung cư, quán ăn, công trình xây dựng... Nhưng nhiều người đạp xe rảo các con đường đêm, lục lọi thùng rác, bao rác để mót nhặt những gì bán được, bởi họ không có vốn thu mua. 

Đó là lúc nhiều nhà mới bỏ rác ra ngoài trong khi những người đi nhặt ve chai ngày đã trở về nghỉ ngơi. Dân nhặt ve chai đêm nhọc nhằn nhất, thường chỉ trở về lúc quá nửa đêm đến trời hừng sáng, và họ có thể đối diện với những hiểm nguy khó lường.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 2: Ve chai học việc - Ảnh 3.

Phóng viên Thành Nhơn đi nhặt ve chai - Ảnh: TỰ TRUNG

Những đêm còng lưng đầu tiên

Những ngày đầu ở xóm trọ, tôi kết thân với mọi người bằng những bó rau, mớ trái cây mà tôi mua được ở những xe bán rau ven đường hoặc ông bán trái cây dạo thỉnh thoảng chạy vào xóm trọ. Sau thời gian quen thân, tôi ngỏ ý muốn đi làm cùng với chú Bình, một gia đình sống bằng nghề ve chai ở cuối xóm trọ. 

"Thanh niên trai tráng làm gì không làm, đi nhặt ve chai được mấy đồng đâu mà đi. Khùng hả mày?" - chú Đỗ Văn Bình (58 tuổi, ngụ Gia Lai) thẳng thừng nói.

Tôi ấp úng lý do: "Mần việc này thoải mái, hổng phải dưới ông bà chủ nào". Hơn một tuần "vô công rỗi nghề" la cà làm quen xóm trọ, tôi có chuyến nhặt ve chai đầu tiên trong đời. Chú chạy trước trên chiếc Cub 50 tả tơi, đen đúa để tôi theo sau "học việc". Điểm đến của chúng tôi là đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 50, cùng các khu dân cư như Gia Hòa (xã Phong Phú), Dương Hồng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)... và chủ yếu là lượm xốp, chai nhựa, lon nhôm. "Hằng ngày cô đi cân ve chai, còn chú thì đi lượm nhặt" - chú Bình thổ lộ.

Theo chú Bình được vài ngày thì tôi muốn "tự lập" để xin đi riêng. Tôi mượn chiếc xe đạp hư hỏng, dựng không bên hiên phòng trọ của chú để hành nghề. Đem xe đến một điểm sửa xe đạp cũ trên đường Phạm Hùng để nhờ sửa lại, tôi nhận câu xanh rờn từ thợ sửa xe: "Xe hư nát rồi. Thay lại toàn bộ sên dĩa và bánh sau. Dĩa này chỗ tui không có, đi qua bên chợ Phạm Thế Hiển hỏi mấy chỗ bán phụ tùng coi người ta còn bán không?".

"Giờ ai còn xài dĩa lớn cổ lỗ này nữa" - tôi mướt mồ hôi khi hỏi liên tục mấy chỗ nhưng đều nhận câu trả lời như nhau. Hết cách, tưởng như bỏ cuộc thì tôi được bác xe ôm bên đường chỉ con hẻm nhỏ gần chợ. "Chú hên, còn đúng một cái" - người đàn ông khuyết tật chủ tiệm sửa xe trả lời tôi. Đem dĩa xe về cho thợ ráp lại, chế thêm vài thanh tre để móc bao ve chai phía sau và chân chống, thế là chiếc xe móc bọc "chuyên dụng" của tôi ra đời.

Những ngày đầu, tôi chỉ chạy dọc theo các tuyến đường Phạm Hùng và quốc lộ 50 để tìm nhặt ve chai. Đêm xuống, tôi rảo quanh mấy tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ để làm quen đường sá và "trải nghiệm" nghề từ từ. Một buổi đạp xe 3-4 tiếng, một thằng nghiệp dư như tôi chỉ nhặt được một bao nhỏ chai nhựa và lon nhôm. 

Đã quen đi xe máy, những ngày đầu hì hục đạp xe trên các con đường đầy khói bụi và nắng nóng khiến tôi hụt hơi. Nghĩ lại mà thương phận đời nhặt ve chai, có nhiều cụ già và những đứa bé lẽ ra đang đi học yên ấm. 

Dù cố gắng, nhưng tiền nhặt ve chai mỗi đêm của tôi chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng. Nhiều đêm khát nước, tôi ghé vào lề đường mua một ly nước mía và thấy "đau lòng" vì chẳng còn bao nhiêu!

Những ngày đầu, tôi trở về phòng trọ mà ê ẩm khắp người. Nhiều khi chỉ muốn ngả lưng nằm đại xuống nền gạch đầy lũ gián, chuột chạy ngang chạy dọc và mặc kệ cơ thể hôi hám vì mùi khói bụi, rác rưởi. Nhiều đêm về đến phòng trọ lúc 2-3 giờ sáng, tôi chỉ cố nuốt vội vài muỗng cơm rồi leo lên gác ngả lưng.

Trước khi lim dim vào giấc ngủ mệt mỏi, tôi nhớ ngoài đường còn nhiều "đồng nghiệp" vẫn đang cần mẫn đạp xe, còng lưng nhặt nhạnh ve chai đến tận hừng sáng. Tôi cứ bị lặp đi lặp lại giấc mơ thọc tay vào thùng rác, đụng mớ cơm thiu chảy nước và những xác chuột chết hôi thối...

"Ê, đống đó của bà già"

Đó là kỷ niệm khó quên trong những ngày đầu tôi "học việc". Nhìn thấy đống giấy và chai nhựa đặt bên đường, tôi cứ tưởng người ta vứt bỏ nên vô tư nhặt.

"Ê, đống đó của bà già nhặt ve chai gần đây đó. Đừng có nhặt, tội bả" - người bán nước bên đường thốt lên. Líu ríu xin lỗi, tôi ngượng ngùng quay đi mà ấm lòng vì thấy có những người quan tâm, thương phận đời nghèo khó đang ngày ngày mót tìm thức ăn từ thứ người ta đổ bỏ.

Đêm đêm đi nhặt ve chai, tôi bắt gặp những cô gái "bán hoa" ven đường, rồi người đàn ông tật nguyền ăn xin và các bé bán vé số. Rồi một đêm bỗng có người vỗ vai phía sau: "Cho em nè". Anh ta chạy theo tôi để cho thùng vỏ lon bia...

Kỳ tới: Tình người sau những gương mặt nhem nhuốc

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 1: Gia nhập xóm ve chai Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 1: Gia nhập xóm ve chai

TTO - Suốt hai tháng ròng rã, phóng viên Tuổi Trẻ đã trực tiếp đi lượm rác và sống cùng xóm trọ nghèo với những mảnh đời ve chai đang ngày ngày còng lưng nhặt mót miếng ăn từ những thứ người ta đổ bỏ.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên