26/05/2024 06:03 GMT+7

Đòi sao y chứng thực: Có nạn lạm dụng, có thói quan liêu

Thời đại số hóa sao cứ đòi tất cả giấy tờ đều phải có mộc đỏ? Các cơ quan đơn vị vẫn yêu cầu bản sao y có chứng thực, từ làm hồ sơ xin việc, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh...? Làm sao để bỏ thói quen này?

Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP.HCM) đối chiếu hồ sơ, chứng thực bản sao cho người dân - Ảnh: K.YÊN

Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP.HCM) đối chiếu hồ sơ, chứng thực bản sao cho người dân - Ảnh: K.YÊN

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của bạn đọc, chuyên gia và cơ quan chức năng.

* Ông THI VĂN NGỌC TUẤN (phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM):

Mỗi tháng chứng thực gần 10.000 bản sao

Ông Thi Văn Ngọc Tuấn (phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM)

Ông Thi Văn Ngọc Tuấn (phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM)

Mỗi ngày, UBND phường Hiệp Bình Chánh tiếp nhận, giải quyết gần 100 hồ sơ chứng thực bản sao với hơn 360 bản giấy tờ các loại. 

Tháng gần nhất phường chứng thực gần 10.000 bản sao, giấy tờ chứng thực gồm: các loại bằng cấp, giấy đăng ký xe, các quyết định về lương thưởng, giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng mua bán căn hộ, báo cáo tài chính của công ty...

Hiện UBND phường có hai công chức Tư pháp - Hộ tịch phụ trách tiếp nhận, chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND phường trực ký hồ sơ chứng thực để trả kết quả ngay. Các công việc còn lại nhiều khi phải làm ngoài giờ hành chính.

Phường đã quán triệt cán bộ, công chức tuyệt đối không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ, thủ tục hành chính phải nộp bản sao giấy tờ tài liệu liên quan. 

Người dân chỉ cần xuất trình bản chính hoặc nộp bản photo kèm theo bản chính để công chức tiếp nhận hồ sơ để đối chiếu. Sau đó cán bộ đóng dấu vào hồ sơ "đã đối chiếu đúng với bản chính", ký tên để các bộ phận tiếp nhận hồ sơ yên tâm, thụ lý.

Có người chứng thực 10 bản sao giấy chủ quyền nhà để làm hợp đồng vay vốn ngân hàng, sau khi vay vốn thì giấy chủ quyền nhà được cập nhật nhà đang thế chấp. Khi đó các bản sao giấy chủ quyền không còn đúng với bản chính, cũng như không còn giá trị sử dụng.

Nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, người dân, doanh nghiệp chỉ nên chứng thực bản sao khi thật cần thiết và cũng không cần sao y nhiều bản để dành vì rất lãng phí. 

Một số giấy tờ có thời hạn sử dụng ngắn hoặc hay biến động, chỉ nên chứng thực vừa đủ dùng vì khi bản chính hết hạn hoặc biến động thì bản chứng thực sẽ không còn hiệu lực.

* ThS LƯU ĐỨC QUANG (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Sợ sai, sợ trách nhiệm

ThS Lưu Đức Quang (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)

ThS Lưu Đức Quang (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Việc yêu cầu người dân phải nộp bản sao có chứng thực phản ánh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cả cán bộ tiếp nhận hồ sơ. 

Việc đặt ra thêm nghĩa vụ cung cấp bản sao có chứng thực cũng đồng nghĩa với việc hạn chế quyền của người dân trong rất nhiều trường hợp một cách thiếu chính đáng.

Chính phủ đã triển khai toàn dân dùng ứng dụng VNeID, ứng dụng định danh điện tử, có giá trị sử dụng thay các loại giấy tờ tùy thân. Vậy nên, cơ quan chức năng cần sớm tích hợp những loại giấy tờ liên quan đến một cá nhân vào ứng dụng này để người dân xuất trình khi cần thiết.

Ứng dụng do cơ quan công an quản lý này chính là bảo chứng để xác định đúng sai, là con dấu quan trọng nhất mỗi người cần mang theo bên mình. 

Phát triển và sử dụng ứng dụng này thành thạo thì mới dần bỏ được tâm lý "nghiện" sao y giấy tờ của người dân và khiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận hồ sơ có trách nhiệm hơn trong việc đối chiếu bản sao với bản chính, tự chịu trách nhiệm, tự tìm thông tin để xác thực những hồ sơ do người dân nộp đến.

* Bạn đọc ĐOÀN THỊ BÍCH HẠNH

Doanh nghiệp tư nhân không nặng nề chứng thực

Tôi từng làm chuyên viên nhân sự phụ trách tuyển dụng cho một doanh nghiệp nhà nước. Mỗi đợt tuyển dụng, chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển. 

Và việc yêu cầu ứng viên phải nộp hồ sơ có chứng thực được xem như là bước sàng lọc những rủi ro liên quan đến trách nhiệm pháp lý mà có thể ứng viên cố tình giấu đơn vị tuyển dụng.

Có không ít trường hợp ứng viên giả mạo bằng cấp, vì thế không thể không yêu cầu văn bằng phải được sao y công chứng khi bằng gian bằng giả ngày càng tinh vi. Với những vị trí quản lý cấp cao, khi tuyển dụng rồi chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian để xác minh văn bằng.

Không ít lần, chúng tôi không nhận được sự phối hợp từ phía đơn vị đào tạo, cấp bằng. Ngoài ra, việc lập hồ sơ nhân sự có đầy đủ giấy tờ được chứng thực nhằm phục vụ cho các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Khi làm quản lý nhân sự cho công ty dịch vụ tư nhân, tôi thấy quy định về hồ sơ ứng tuyển cho ứng viên nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần ứng viên gửi hồ sơ qua email, chúng tôi lọc chọn và hẹn phỏng vấn. 

Nếu ứng viên trúng tuyển và qua giai đoạn thử việc, lúc đó chúng tôi mới lập hồ sơ nhân sự điện tử. Chỉ cần người lao động mang theo bản chính để phòng nhân sự kiểm tra, sau đó tải lên hệ thống, và chúng tôi nhấn mạnh vào cam kết trung thực của nhân sự về những giấy tờ, bằng cấp này.

Để không lạm dụng hồ sơ sao y chứng thực, chính bản thân các công ty phải thay đổi quy trình phỏng vấn, tuyển dụng. Người lao động được tuyển dụng chính thức mới lập hồ sơ nhân sự điện tử, người lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của hồ sơ.

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực

Ngày 24-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết hiện nay, pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính.

Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực với giấy tờ văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hằng năm, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn cho các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các quy định pháp luật về chứng thực, đồng thời chấn chỉnh các địa phương về việc hạn chế lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Năm 2024, Bộ Tư pháp dự kiến tiếp tục tổ chức hai lớp tập huấn tại Đà Nẵng và Bình Phước cho khoảng 300 công chức trực tiếp quản lý, thực hiện công tác chứng thực thuộc 10 tỉnh, thành phố.

Trước đó Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có văn bản triển khai các quy định của nghị định số 23/2015/NĐ-CP, trong đó nhấn mạnh nội dung liên quan đến hạn chế tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực.

Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực triển khai công tác này trong phạm vi của bộ để nhằm đôn đốc thực hiện các giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

* Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM:

Không có quy định thời hạn sử dụng của bản sao

Theo quy định tại khoản 2 điều 3 nghị định số 23 năm 2015 có quy định: "Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật quy định khác".

Pháp luật về chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng của bản sao được chứng thực từ bản chính. Việc các yêu cầu người dân nộp bản sao có chứng thực từ bản chính trong thời hạn là ba tháng hay sáu tháng là không phù hợp.

Khoản 1 điều 6 nghị định nêu trên: "Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính".

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

UBND TP.HCM cũng ban hành công văn số 4887 ngày 23-9-2014 triển khai thực hiện chỉ thị trên và chỉ thị số 30 ngày 25-12-2014 chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có chấn chỉnh việc yêu cầu người dân phải nộp bản sao có chứng thực.

Thời gian tới, Sở Tư pháp TP.HCM sẽ nhắc nhở, đề nghị các cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính (trừ trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao có chứng thực).

Yêu cầu bản sao chứng thực không quá 6 tháng: Việc lạc hậu nên bỏ điYêu cầu bản sao chứng thực không quá 6 tháng: Việc lạc hậu nên bỏ đi

Câu chuyện của bạn đọc trong bài viết "Sao lại đòi bản sao có chứng thực trong 6 tháng?" (Tuổi Trẻ 21-5) một lần nữa nhắc lại nghị định số 23-NĐ/CP/2015, có hiệu lực cách đây gần 10 năm, vẫn chưa thực thi thống nhất trên thực tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên