Cho đến nay, nhiều cơ quan vẫn duy trì lối làm việc cũ, có phần máy móc, khi tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực không quá 6 tháng.
Đến UBND phường xã, rất dễ bắt gặp cảnh đông người chờ đợi để được sao y bản chính nhiều giấy tờ, bằng cấp đủ loại; cán bộ chứng thực hàng chục, hàng trăm bản chính mỗi ngày.
Nhưng người dân vẫn có tâm lý giấy tờ gì cũng phải chứng thực hết cho chắc ăn và ai cũng chứng thực dư nhiều bản so với nhu cầu một lần làm hồ sơ.
Lâu nay, nhiều cơ quan đã không yêu cầu bản sao có công chứng hoặc chứng thực. Thay vào đó, cán bộ nhận hồ sơ sẽ đối chiếu bản photo với bản chính. Nhiều thủ tục hồ sơ điện, nước... đã đơn giản hơn khi không cần dùng nhiều bản sao công chứng kèm theo.
Người thân của tôi vừa xin việc vào một tập đoàn của Nhật Bản. Hồ sơ dự tuyển rất đơn giản, không cần công chứng. Đến lúc được tuyển dụng, doanh nghiệp này mới thông báo mang theo bản chính bằng tốt nghiệp và CCCD để đối chiếu, hồ sơ rất gọn nhẹ.
Đơn vị tuyển dụng đâu cần giữ quá nhiều bản sao trong hồ sơ của tất cả ứng viên không trúng tuyển!
Điều này khác với cách làm rất cũ khi nhiều nơi tuyển dụng vẫn yêu cầu ứng viên nộp các loại bản sao có công chứng không quá 6 tháng và thông báo không hoàn trả hồ sơ không trúng tuyển.
Mớ hồ sơ này sau đó cũng phải hủy đi, vậy yêu cầu bản sao công chứng làm gì cho thêm phiền?
Mọi sự rườm rà không cần thiết cần được sửa sai sớm trước thời điểm 1-7 năm nay, khi mọi dịch vụ công đều thực hiện trên duy nhất ứng dụng VNeID. Những cách làm khoa học, tiết kiệm phải được "lên ngôi", thay thế cho những việc lạc hậu, lỗi thời.
Sắp đến thời điểm phụ huynh nộp hồ sơ cho con em vào lớp 1. Với những người chưa kịp làm bản sao giấy khai sinh cho con, chỉ cần photo và mang bản chính đến đối chiếu là xem như hợp lệ. Đừng quên rằng cán bộ trực tiếp cầm trên tay bản chính để đối chiếu sẽ yên tâm hơn cả bản sao có công chứng.
Mệt mỏi khi đi chứng thực
Mỗi lần đi làm thủ tục, giấy tờ, một trong những việc khiến tôi ngán nhất là khâu sao y, chứng thực giấy tờ. Tôi đi dạy thỉnh giảng, trường yêu cầu sao y chứng thực đủ các loại bằng cấp. Lạ ở chỗ, có những loại giấy tờ như bằng cấp đại học, chứng chỉ các loại... có giá trị suốt đời họ vẫn yêu cầu bản sao công chứng không quá 6 tháng? Thắc mắc thì được trả lời: quy định của trường lâu nay là vậy, mong thông cảm!
Quy trình chứng thực ở UBND phường xã hay phòng công chứng thường khoảng 30 phút là xong. Nhưng thỉnh thoảng cũng ngồi gần hết buổi vì lãnh đạo bận họp, nhiều người phải nghỉ làm cả buổi đi chứng thực giấy tờ, chưa kể thời gian chuẩn bị trước đó.
Bạn đọc T.H.
Theo một lãnh đạo UBND phường ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ không có quy định về thời hạn sử dụng bản sao được chứng thực từ bản chính.
Tuy nhiên lâu nay nhiều cơ quan và tổ chức, kể cả cơ quan nhà nước, vẫn yêu cầu bản sao không quá 6 tháng kể từ ngày được chứng thực, gây ra một số bất tiện đồng thời tạo áp lực nhất định cho cơ quan chứng thực.
Hiện nay ngoài chứng thực trực tiếp thì người dân còn có thể chứng thực "online" thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. Với hình thức này, người dân có thể in tài liệu đã được chứng thực trên hệ thống ra và đi nộp nhưng rất ít đơn vị chấp nhận bản sao y "online" nên rất hiếm người dân sử dụng.
* Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM):
Thêm phiền vì việc không cần thiết
Căn cứ theo nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch thay cho bản chính đã dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, pháp luật chỉ quy định về mục đích sử dụng mà không quy định giới hạn thời hạn sử dụng bản sao được chứng thực từ bản chính. Quy định này phù hợp với Luật Công chứng 2014.
Đối với một số thông tin như tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, quyền sử dụng đất… hay một số chứng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định.
Hiện nay, căn cước công dân gắn chip đã tích hợp dữ liệu dân cư, dữ liệu công dân đầy đủ, thay vì có giải pháp được tiếp cận, sử dụng thông tin trong giới hạn phù hợp, đảm bảo việc bảo mật, nhiều cơ quan lại đẩy cái khó cho người dân, phải tốn thêm nhiều thời gian vì những việc không cần thiết.
Với bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe không có thời hạn, việc yêu cầu sử dụng bản sao được chứng thực không quá 6 tháng là không có ý nghĩa bởi nội dung trên các tài liệu này là cố định không thay đổi được và có giá trị sử dụng vô thời hạn.
Việc ấn định thời gian 6 tháng đối với các bản sao có chứng thực từ bản chính cũng chưa đảm bảo chặt chẽ cho việc kiểm tra tính chính xác của tài liệu.
Giải pháp là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần xúc tiến để được tiếp cận dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú, công dân từ căn cước công dân có gắn chip.
Đồng thời có thể yêu cầu người dân cung cấp bản chính để đối chiếu, không cần thiết phải đòi hỏi bản sao y được chứng thực không quá 6 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận