Xung quanh vấn nạn vẽ bậy trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM, nhiều bạn đọc đặt vấn đề vì sao nhiều vụ đã xác định được thủ phạm nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.
Các nước xử lý như thế nào với hành vi vẽ bậy lên công trình công cộng và tài sản của dân?
Phạt tiền lẫn phạt tù
Tại Singapore và Mỹ, người viết, vẽ bậy tại nơi công cộng hoặc các di tích sẽ bị bắt.
Đối với Singapore, mức phạt tối đa cho tội này là 2.000 SGD (gần 38 triệu đồng) hoặc phạt tù tới 3 năm, cùng với hình phạt chịu đánh 3 đến 8 roi.
Năm 2015, tòa án ở Singapore đã phạt hai du khách người Đức Andreas Von Knorre và Elton Hinz 9 tháng tù giam, kèm 3 roi vì đã vẽ bậy lên tàu điện của đảo quốc này, theo South China Morning Post.
Ở California (Mỹ), người vẽ bậy có thể vừa bị phạt tiền nặng vừa phải đi tù. Tiền phạt dựa trên mức độ thiệt hại của tài sản.
Theo Luật hình sự California, người gây thiệt hại trên 400 USD (hơn 10 triệu đồng) có thể đối mặt với hình phạt tối đa 1 năm tù và đóng phạt lên đến 10.000 USD (hơn 254,5 triệu đồng). Thiệt hại trên 10.000 USD có thể bị phạt đến 50.000 USD (trên 1,27 tỉ đồng) với tối đa 1 năm tù.
Bên cạnh hình phạt răn đe, chính quyền kêu gọi người dân làm "tai mắt", báo cáo hành vi vẽ bậy qua website, app, email hoặc số hotline.
Tại Anh, hình phạt thứ nhất cho kẻ phá hoại không gian công cộng lên tới 5.000 bảng (hơn 161 triệu đồng), tạp chí Parliament Politics cho biết. Hình phạt thứ hai là bị khép tội hình sự và có thể bị phạt tù lên tới 2 năm. Hình phạt có thể tăng lên tùy vào nội dung hình vẽ.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, người viết, vẽ lên các di tích văn hóa được bảo vệ có thể bị phạt tù tối đa 5 năm hoặc phạt tiền khoảng 300.000 yen (khoảng 49 triệu đồng) theo Luật hình sự.
Trục xuất du khách vẽ bậy
Năm 2019, hai du khách người Mỹ đã bị bắt giữ tại Pattaya (Thái Lan), kèm đóng phạt 5.000 baht (3,5 triệu đồng) sau khi phun sơn lên tường và xe bán tải ở khu Sampeng, Bangkok, báo The Thaiger đưa tin.
Không những vậy, theo quyền giám đốc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan lúc bấy giờ là trung tướng Sompong Chingduang, cặp đôi - một 28 tuổi, một 24 tuổi - phải bồi thường 10.000 baht cho bốn nạn nhân người Thái vì "tác phẩm nghệ thuật" của họ.
"Sau đó, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen vĩnh viễn không được quay lại Thái Lan" - trung tướng Sompong Chingduang nhấn mạnh thêm.
Năm 2020, cảnh sát Peru đã bắt bốn nam giới và hai phụ nữ đến từ Chile, Brazil, Pháp và Argentina sau khi nhóm du khách này cố tình qua đêm trái phép tại khu bảo tồn nổi tiếng Machu Picchu của người Inca, theo Reuters.
Nhà chức trách cho biết sẽ trục xuất năm du khách và giữ một người Argentina có vai trò lĩnh xướng ở lại để khởi tố tội "phá hoại di sản văn hóa của Peru".
Trước đó, năm 2017, ba người Argentina và một người Colombia bị bắt vì vẽ graffiti trên các bức tường cổ.
Năm 2004, hai người Chile bị kết án 6 tháng tù vì phun sơn lên tường và chỉ được thả sau khi đồng ý bồi thường thiệt hại 100.000 USD (hơn 2,5 tỉ đồng).
Cách nào để bắt tại trận?
Trước vấn nạn vẽ bậy ngày càng nhức nhối, áp dụng khoa học công nghệ là hướng đi được nhiều nước đã và đang lựa chọn.
Cơ quan chức năng Singapore phát hiện vẽ bậy và xác minh thủ phạm thông qua điều tra thực địa cùng với sự hỗ trợ của hình ảnh từ camera cảnh sát.
Còn Úc sử dụng một loại bẫy công nghệ có thể 'đánh hơi' hơi của bình xịt sơn để báo động cho cảnh sát đến ngay hiện trường, bắt tận tay day tận mặt những người vẽ bậy còn đang cầm lon sơn trên tay.
Ở Anh, Tổ chức bảo tồn công trình và di tích lịch sử Historic England đang theo đuổi một dự án tiên phong sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp trong một ứng dụng để xác định phong cách vẽ của từng tác giả vẽ bậy, xem họ dùng loại màu gì, nhãn hiệu sơn nào, tờ The Guardian cho biết. Từ đó, có thể làm việc với các nhà bán lẻ để xem xét giảm nguồn cung.
Mark Harrison, người đứng đầu bộ phận chiến lược chống tội phạm di sản tại Historic England, cho biết: "Giống như các ứng dụng xác định thực vật, cây cối và đá trên Google Play và App Store, kỹ thuật này có thể giúp chúng tôi xác định các nghệ sĩ graffiti, những người có phong cách rất đặc trưng và ưa sử dụng một số loại màu nhất định".
"Đối với mắt người, graffiti có thể trông giống nhau, nhưng đối với máy thì nó có thể khá khác biệt". Dựa trên nguyên lý đó, công cụ này giúp liên kết những tác phẩm vẽ bậy giống nhau để suy ra cùng một thủ phạm - một kỹ thuật điều tra cơ bản của cảnh sát.
Kiên trì tẩy xóa, làm nản lòng người vẽ bậy
Một quy tắc vàng mà cảnh sát bang Victoria (Canada) luôn cố gắng đảm bảo đó là tẩy các vết graffiti trong vòng 24 tiếng và không nản lòng, kiên trì tẩy tiếp nếu vết vẽ bậy mới xuất hiện ở vị trí cũ.
"Những người vẽ bậy sẽ cảm thấy nản chí, không muốn quay lại chỗ cũ để vẽ tiếp vì biết rằng "tác phẩm" của mình rồi cũng sẽ bị lau sạch và không có ai chiêm ngưỡng nếu mọi người chung tay dọn dẹp" - người đứng đầu bộ phận xử lý vẽ bậy của bang nói với trang The Graffiti Eaters.
Một cách khác mà bang Victoria áp dụng là vẽ 10 bức tranh tường đầy màu sắc ở những điểm nóng về graffiti để không còn chỗ cho những đối tượng vẽ bậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận