20/02/2021 13:17 GMT+7

Đổi mới giáo dục: phải tạo động lực cho giáo viên

VĨNH HÀ  thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Nhìn nhận về quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang thực hiện, GS.TS Lê Anh Vinh (phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng có những việc được rút ra từ thực tiễn cần điều chỉnh để đi tiếp.

Đổi mới giáo dục: phải tạo động lực cho giáo viên - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Trong quá trình tập huấn cần phải cho giáo viên hiểu họ được những quyền gì, họ có các cơ hội như thế nào khi là chủ thể trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

GS Lê Anh Vinh

Ông Vinh nói:

- Từ thực tế tập huấn cho giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, tôi nhận thấy phần lớn giáo viên chỉ muốn xem sách giáo khoa mới có gì, những nội dung nào mới so với sách đã sử dụng trước đó.

Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng đầu tiên cần làm rõ là câu hỏi "Vì sao phải đổi mới?" để tạo động lực cho giáo viên. Nhu cầu cần thay đổi phải đến từ phía giáo viên, để từ đó chính họ là người chủ động học hỏi, tìm kiếm và trau dồi chuyên môn để tạo nên thay đổi trong trải nghiệm của học sinh. Chỉ có như vậy mới tạo nên những hiệu quả thực chất trong dạy và học. 

Ngược lại, nếu giáo viên tiếp cận chương trình mới theo hướng thụ động mà thiếu đi động lực nội tại thì sẽ rất khó khăn để đạt được mục đích chung.

Để giáo viên hiểu "tại sao phải đổi mới?"

* Có nghĩa "điểm yếu" trong cuộc đổi mới này nằm ở giáo viên? Có những ý kiến cho rằng vẫn cần phải "cầm tay chỉ việc" thì giáo viên mới làm được đúng mục đích của chương trình?

- Tôi nghĩ phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay có khả năng đáp ứng yêu cầu mới, có nhiều giáo viên rất sáng tạo. Vấn đề không phải do giáo viên mà do cách tập huấn giáo viên chưa giúp giáo viên thay đổi tư duy. Việc tập huấn để giáo viên "làm như thế nào" không khó, nhưng để họ hiểu được "vì sao phải làm" mới quan trọng. Khi đã tự trả lời được câu hỏi "tại sao" thì những việc tiếp theo sẽ đơn giản hơn.

Ngược lại, nếu ngay từ đầu không làm rõ về mục tiêu, kể cả cố gắng "cầm tay chỉ việc", tôi nghĩ vẫn rất khó để triển khai đúng được tinh thần của chương trình. Theo tôi, trình tự phải là giúp giáo viên hiểu được "tại sao phải đổi mới?" rồi mới đến "làm thế nào để đổi mới?" và cung cấp cho họ một bộ công cụ để chủ động, linh hoạt áp dụng khi thực hiện.

* Vậy theo ông, tại sao phải thực hiện một cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?

- Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất. Những điều này khi tập huấn, giáo viên cũng được nghe. Nhưng điều này thực chất nghĩa là gì? Nếu mục tiêu của việc dạy học, theo như trước đây, là truyền thụ kiến thức thì yêu cầu cần đạt sau giờ học sẽ là học sinh nhớ được bài mới, làm được bài tập yêu cầu vận dụng những kiến thức mới được học.

Tuy nhiên phát triển năng lực là câu chuyện phức tạp hơn. Mục tiêu của việc dạy học giờ đây là học sinh trong quá trình tìm hiểu kiến thức mới sẽ phát triển và củng cố những năng lực, phẩm chất nhất định. 

Ví dụ về năng lực tư duy, khi giáo viên giới thiệu kiến thức mới, điều quan trọng là học sinh có thể liên hệ, so sánh, đối chiếu được với những thứ các em đã biết để từ đó mở rộng cách hiểu toàn diện của các em đối với một vấn đề. Như vậy việc "ghi nhớ" một đơn vị kiến thức hay bài học một cách đơn lẻ không còn là mục tiêu cần đạt nữa. Điều quan trọng là góc nhìn, cách tư duy và suy nghĩ của học sinh đã thay đổi như thế nào sau khi được học.

Tất cả những điều này liên quan mật thiết đến sự chủ động, linh hoạt và tính sáng tạo của giáo viên. Nếu như kiến thức là sự công nhận chung, ở đâu cũng vậy thì năng lực, phẩm chất của học sinh lại có sự phân hóa và tính đa dạng rất cao. Nếu chỉ rập khuôn một chương trình chi tiết, một bộ sách giáo khoa cố định thì mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh trên toàn đất nước Việt Nam sẽ là không thực tế.

Trong khi đó, giáo viên sẽ là người hiểu rõ nhất khả năng và nhu cầu học tập của học sinh. Sự quyết định của giáo viên đối với tài liệu giảng dạy, thời lượng kiến thức và các hoạt động dạy học cụ thể dựa trên những thông tin thực tế về học sinh của mình sẽ là phù hợp nhất cho người học. 

Do đó, chương trình mới chủ trương tháo bỏ sự áp đặt cứng nhắc, cho phép giáo viên được chủ động, được tự do sáng tạo. Chương trình thiết kế mở và có nhiều bộ sách giáo khoa cũng thể hiện việc trao quyền chủ động cho giáo viên.

Vì thế trong quá trình tập huấn cần phải cho giáo viên hiểu được những quyền gì, họ có các cơ hội như thế nào khi là chủ thể trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đổi mới giáo dục: phải tạo động lực cho giáo viên - Ảnh 3.

GS.TS Lê Anh Vinh

Cơ hội thay đổi

* Ông có thể chia sẻ thêm về những cơ hội của giáo viên trong cuộc đổi mới này?

- Đó là cơ hội thay đổi, được chủ động áp dụng linh hoạt các cách thức tổ chức, phương pháp dạy học. Giáo viên không cần cứng nhắc dạy đúng nội dung cuốn sách giáo khoa được chọn mà có thể thoát ly sách giáo khoa để thiết kế bài dạy mà mình thấy tốt nhất, phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Các tài liệu dạy và học, trong đó có sách giáo khoa, chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu cần đạt của chương trình.

* Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 từng bị dư luận kêu là nặng, khiến trẻ quá tải. Ông nghĩ thế nào về việc này?

- Muốn việc đổi mới giáo dục triển khai tốt cần phải đồng bộ hóa các thành phần trong giáo dục từ nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học đến phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nếu hiểu đúng tinh thần về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo như đã giải thích ở trên thì không có chương trình "nặng" hay "nhẹ" mà chỉ có những bài giảng phù hợp dựa trên năng lực học sinh.

Thời gian qua Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện những văn bản quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo đúng tinh thần của chương trình mới. Tuy nhiên, để đưa những quy định, hướng dẫn đó vào được lớp học lại là vấn đề đáng nói.

Nếu hiệu trưởng tạo cho giáo viên sự tự tin, cho họ được chủ động, sáng tạo thực sự thì họ mới không chịu áp lực. Sự ủng hộ này cũng cần được cụ thể hóa và thể hiện trong các tiêu chí đánh giá đối với giáo viên. Giáo viên không phải chịu áp lực sẽ không khiến học sinh bị áp lực. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng cách tập huấn, chỉ đạo theo chiều dọc từ trên xuống sẽ chỉ đạt hiệu quả ở mức độ nào đó. Cần có sự lan tỏa ngang giữa giáo viên với giáo viên, trường với trường, địa phương này với địa phương khác để nhân rộng các điển hình tốt.

* Từ những vấn đề khó khăn của thực hiện chương trình lớp 1, theo ông, điều gì nên quan tâm trong việc tập huấn giáo viên để có thể thực hiện tốt hơn chương trình mới ở các lớp tiếp theo?

- Việc tập huấn cho giáo viên thực hiện chương trình mới ở lớp 1 mới chỉ là cách làm chuẩn bị. Việc tập huấn cần làm trước, trong và cả sau khi triển khai. Vì nhiều thứ chỉ khi thực hiện mới nảy sinh, khi đó giáo viên cần được tổ thức thảo luận, thống nhất, được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sau một học kỳ thực hiện chương trình mới, mỗi nhà trường, các địa phương và Bộ GD-ĐT cũng cần có đánh giá hiệu quả thực hiện, còn những khó khăn, bất cập như thế nào. Phân tích kết quả thực hiện để rút ra bài học, căn chỉnh cách thực hiện thì mới có thể làm tốt hơn.

Năm học tới khi sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 được đưa vào sử dụng, chúng ta càng cần duy trì sự tập trung và đầu tư để cải thiện chất lượng đối với lớp 1. Thậm chí có thể nói đây mới là thời điểm thuận lợi để có những thay đổi, điều chỉnh cần thiết sau một năm học nhìn lại. Lớp 1 dạy xong không phải là xong luôn mà phải đánh giá, điều chỉnh để thực hiện tốt hơn nữa lớp 1 năm sau và cũng là nền tảng để tiếp tục thực hiện tốt các lớp trên.

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

GS.TS Lê Anh Vinh tốt nghiệp thủ khoa toán - tin học tại ĐH New South Wales (Úc) và lấy bằng tiến sĩ toán học tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ). Khi trở về nước, ông công tác tại ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), được bổ nhiệm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục, hiệu trưởng Trường THPT Khoa học giáo dục.

Năm 2017, ông được bổ nhiệm phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và năm 2020 phụ trách viện.

Năm 2013, ông là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh phó giáo sư khi mới tròn 30 tuổi. Năm 2020, ông tiếp tục là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh giáo sư ở tuổi 37.

Cơ hội đổi mới giáo dục: Học và thi ở các nước phát triển Cơ hội đổi mới giáo dục: Học và thi ở các nước phát triển

TTO - Để kết lại tuyến bài 'Cơ hội đổi mới giáo dục', Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục trong nước và thế giới, từ đó có những tham chiếu cho quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên