Phóng to |
Em Nguyễn Thanh Toàn (giữa) đang chế biến món ăn phục vụ khách tại khách sạn Omni |
Từ một chuyến đi Pháp
Ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, TP.HCM, cụm cơ quan do Sở Lao động - thương binh & xã hội quản lý, có ngôi trường mang tên khá đặc biệt, và cũng là ngôi trường duy nhất trong cả nước có cái tên: Trường Nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố, do chính quyền vùng Rhône-Alpes, Cộng hòa Pháp và chính quyền TP.HCM phối hợp cho ra đời cách đây không lâu. Tổ chức phi chính phủ “Tam giác thế hệ nhân đạo” (gọi tắt là TGH) được giao thực hiện đề án này.
Trẻ đường phố là tên gọi các em từ cách đây 9-10 năm. Cho đến nay người ta vẫn gọi các em như thế, dù những em chúng tôi đề cập trong bài viết này không còn... lê la trên đường phố nữa. Qua trao đổi với cô Typhaine Hoenner - đồng hiệu trưởng nhà trường (cùng ông Nguyễn Cao Thắng), chúng tôi được biết ý tưởng thành lập trường xuất phát từ một cuộc gặp gỡ ngoại giao rất tình cờ.
Đó là khoảng năm 1998, lúc bấy giờ ông Lê Thanh Hải còn là phó chủ tịch UBND TP.HCM (nay là chủ tịch) đã có chuyến đi Pháp. Tại Pháp, ông Hải không giấu giếm bức tranh xã hội TP còn nhiều mảng màu đen.
Cũng bấy giờ, hai chính phủ Việt - Pháp đã có những bước tiến ngoại giao đáng kể. Nhà nước Pháp cũng như nhiều tổ chức xã hội, nhân đạo của Pháp có nhiều dự án hỗ trợ VN. Hai bên đã gặp nhau về ý tưởng xây dựng tại trung tâm TP một ngôi trường dạy nghề cho trẻ em đường phố, và không lâu sau ngôi trường đã ra đời.
Nói chuyện vui với chúng tôi, cô Typhaine Hoenner cho biết ở Pháp trẻ em bị cưỡng bức giáo dục nên không có chuyện trẻ đường phố; nhưng lại có... người lớn đường phố. Quan điểm của cô Typhaine Hoenner là: “Chia sẻ khó khăn với họ không chỉ là nhiệm vụ của các nhà nước mà là của toàn cộng đồng, trong đó có các tổ chức phi chính phủ”.
Từ ý nghĩ đó nên khi được TGH điều động, cô Typhaine Hoenner đã tạm gác công việc xã hội của cô ở Kosovo - Nam Tư, bay về VN làm bạn với... trẻ đường phố, một công việc cô cho rằng sẽ còn gắn bó lâu dài ở VN.
Đổi đời...
Phóng to |
l Các em khóa 2 Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ đường phố TP.HCM đang thực tập nấu ăn |
Quả thật, khi ông Nguyễn Ngọc Long - cán bộ nhà trường - cho chúng tôi xem bản danh sách 27 em đã có việc làm và đọc thấy tên đơn vị nơi các em đang làm việc, chúng tôi thật sự bất ngờ. Đó là khách sạn (KS) Sofitel, Saigon Star, nhà hàng Korean, Violet, nhà nghỉ Mai-house, khu du lịch Rạch Dừa..., những địa chỉ mà không phải ai cũng dễ được nhận vào làm.
May mắn nhất trong số đó có lẽ là em Nguyễn Thanh Toàn, sinh năm 1983, hiện là “cư dân” của Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP. Sau khi thực tập tại KS Omni, Toàn đã được giám đốc KS này nhận vào làm hợp đồng phụ bếp ngay.
Nhân nói chuyện về Toàn và KS Omni, một cán bộ của trường nói nửa đùa nửa thật: “Không chừng Toàn còn có cơ hội được diện kiến với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng nên. Vì KS này chuyên phục vụ các ngài tổng thống và bộ trưởng ngoại giao...”. Chúng tôi cố tìm xem nguyên nhân vì sao “Toàn rất đẹp trai” như lời ông Long nói lại trở thành trẻ đường phố? Nhưng không có một dòng nào nói về em.
Qua lời một cán bộ nữ tên Thảo thì cô có biết mang máng về Toàn, và chỉ vỏn vẹn như thế này: Toàn là người TP, em cũng có gia đình nhưng... không nhà! Hôm gặp Toàn ở KS Omni, tôi hỏi em về điều này và được em cho biết cha em không biết đi đâu từ khi em 5 tuổi. Cho đến giờ này Toàn cũng không hiểu tại sao hai mẹ con em lúc bấy giờ lại ra thân... không nhà.
Nhưng điều em biết chắc là hơn mười năm trước gia đình em quá sức khổ ải, những nỗi khổ không tên nhiều như cơm bữa. Mẹ em sau đó được đưa vào trại dành cho người già vô gia cư do Sở Lao động - thương binh & xã hội TP quản lý, nuôi dưỡng. Còn tuổi thơ em thì phó thác cho hè phố, bụi đời.
Cùng được nhận vào Omni như Toàn còn có em Mai Mạnh Công, sinh năm 1987, quê ở Đắc Lắc. Trước khi được học nghề bếp ở trường, rồi được nhận vào làm hợp đồng thời vụ ở Omni, Công được mái ấm Tre Xanh, quận 1 nuôi dưỡng. Công bằng mà nói các em được nhận vào làm những nơi như nói trên một phần nhờ những tấm lòng nhân đạo của các ông chủ.
Tuy nhiên ông Thắng cho rằng thật ra các em có đủ phẩm chất để trở thành một lao động giỏi. Trước hết vì sự khát khao muốn vươn lên, muốn tự nuôi sống bản thân mình hơn là nương nhờ lòng thương hại. Hơn nữa, từ những năm tháng không nhà đã rèn cho các em chịu thương chịu khó cực kỳ. Nhận xét về Toàn, ông Justin - bếp trưởng Omni - cho biết Toàn tiến bộ rất nhanh, giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt, chịu học hỏi và đặc biệt là rất yêu cái nghề không phải thiên chức của cánh đàn ông này.
Khóa 1 của trường có hai lớp: phục vụ bàn và phụ bếp. Toàn chọn nghề bếp với... lý luận: lỡ mai thất nghiệp có thể mở một cơ sở nấu ăn nhỏ như quán cơm bình dân chẳng hạn, tệ lắm thì đẩy một chiếc xe... mì gõ cũng có thể nuôi thân.
“Mục đích của em bây giờ là gì?”, tôi hỏi. Toàn: “Em cố gắng tích lũy để mua một căn nhà nhỏ, đến đón mẹ em về...”. Tôi nghĩ ở chốn phù hoa phố chợ, tấc đất tấc vàng như Sài Gòn, với tiền lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng của Toàn thì ao ước ấy của em mới xa vời làm sao và cũng đẹp làm sao.
Ở Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ đường phố tôi cũng gặp em Bùi Thị Kim Đạt học lớp bếp, hiện thực tập ở KS Saigon Star. Đạt cho biết ngoài công việc ở KS, học lý thuyết ở trường, tối về mái ấm Bình Minh (cơ quan của Hội Phụ nữ từ thiện TP ở quận 4) em còn phải đi học (lớp 10) ban đêm.
Quãng đời niên thiếu của Đạt thật ảm đạm. Quê ở Ba Tri, Bến Tre nhưng em không nhớ rõ ở xã nào. Em chưa từng biết mặt cha. Năm em 12 tuổi, mẹ em đột ngột qua đời vì bệnh ung thư, em trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tâm sự với chúng tôi, Đạt nói: “Em quyết học đến đại học. Học cao có tương lai hơn. Các mẹ ở mái ấm dạy em như vậy”.
Trong mắt Đạt hôm ấy tôi thấy ánh lên một điều gì đó như là sự khát khao muốn thay đổi số phận, hay ít ra thì cũng “được như các anh chị khóa 1”. Và tôi chắc rằng không xa nữa em sẽ đạt được điều em mong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận