Các biểu tượng được lắp ghép từ dưới lên trên dựa vào một trục xoay đồng tâm ở chính giữa, tạo thành mô hình động với các khối tự xoay có đường kính ngang tổng cộng 4m, chiều cao tổng 4m, không quá nhỏ đủ để tạo điểm nhấn giữa thành phố, cũng không quá to ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.
Điểm nhấn giữa trung tâm mô hình là cụm biểu tượng chim lạc và chim bồ câu tạo hình từ những đường cong lồng ghép trên dưới hòa hợp với nhau, tượng trưng cho quan điểm hữu nghị của Việt Nam: giữ vững chủ quyền và truyền thống dân tộc nhưng cũng luôn chung tay gìn giữ hòa bình với toàn thế giới.
Hai khối biểu tượng dùng chất liệu khung sắt bọc inox sơn bóng xanh dương, màu sắc tượng trưng cho hòa bình và hy vọng.
Tùy vào từng thời điểm trong ngày, có lúc hai cánh chim sẽ xoay qua hai hướng đối xứng như cùng nhau gánh vác hòa bình 2 đầu thế giới, có lúc 2 cánh chim cùng xoay nhìn về hướng thống nhất, như đồng tâm hiệp lực cùng nhìn về một thế giới ổn định.
Trên lưng 2 cánh chim là biểu tượng quả địa cầu được ghép từ 5 vòng tròn kim loại, tượng trưng cho 5 châu lục.
Vòng tròn trong cùng có bề mặt làm bằng kính siêu bền trong suốt, tượng trưng cho tình hữu nghị trong sáng, thuần khiết.
Mỗi vòng tròn từ ngoài vào trong được bố trí trục quay cách nhau đều đặn 1 góc 90o, khi 5 vòng xoay ngẫu nhiên sẽ luôn tạo thành hình khối cầu chuyển động, tượng trưng cho thế giới luôn biến động nhưng vẫn vững vàng.
Vào thời điểm nhất định trong ngày sẽ có lúc 5 vòng tròn xoay hợp nhất lại đồng tâm, có thể nhìn thông suốt phía sau qua mặt kính.
Phần đế đặt mô hình tạo hình từ biểu tượng hoa sen cách điệu, chính là quốc hoa của Việt Nam đại diện cho vẻ đẹp cũng như sự thuần khiết.
Phần đế có lõi phía trong là 1 hình khối dạng tháp ngũ giác, phía ngoài được bao bọc bởi 10 cánh hoa sen kim loại - 5 cánh xanh dương đặt phía trong, 5 cánh trắng bạc bao bọc phía ngoài xen kẽ nhau - tượng trưng cho ngũ hành tương sinh, hòa hợp cùng nhau phát triển ổn định.
Phần đế cũng là nơi chứa động cơ vận hành chuyển động xoay cho các mô hình phía trên và luôn đứng cố định chứ không xoay theo các mô hình khác, tượng trưng cho lập trường về hòa bình khoan dung nhưng vẫn rất vững vàng của Việt Nam.
Cuộc thi ý tưởng thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM đã kết thúc
Tổng giải thưởng cuộc thi là 100 triệu đồng. Báo Tuổi Trẻ tiếp tục đăng tải các ý tưởng dự thi gửi đến hết ngày 27-12.
Để quảng bá và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP.HCM với các thành phố bạn bè trên thế giới, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, bắt kịp xu hướng trong việc tạo điểm nhấn về đối ngoại, giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa cũng như chia sẻ về những vấn đề có tính toàn cầu.
Được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Công ty xi măng INSEE đồng hành, tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM.
Cuộc thi là cơ hội để mọi người tham gia đề xuất, nêu ý tưởng, đóng góp sáng kiến, thậm chí phác thảo thiết kế một công trình mang tính biểu tượng "TP.HCM - thành phố hữu nghị toàn cầu".
Đó là biểu tượng mở vì thành phố sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.
Công trình biểu tượng này kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM, dự kiến được xây dựng tại công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi trước nhà hát TP.HCM.
■ Cuộc thi có các giải thưởng:
- 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng.
- 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng;
- 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.
Báo TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận