09/01/2016 08:18 GMT+7

Đội ca sĩ tuổi... 70

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - 17g, khoảng sân rộng của Nhà văn hóa Thanh niên tấp nập những ông già, bà già, có người tóc đã bạc trắng gần hết mái đầu.

CLB truyền thống Thành đoàn trong một lần trình diễn  - Ảnh: Quang Định

Nhạc nổi lên. Họ dàn đội hình, từng động tác đầy khí thế, miệng ca vang. Vượt rào gai dẫu khói mù vẫn đi. Máu đã chảy sân trường càng giục ta bền chí/Tuổi trẻ ơi, giữ ước mơ! Độc lập tự do, phất cao cờ...

Giữa những tiết mục dàn dựng lớp lang của các nhóm ca, đội múa sinh viên từ các trường, các câu lạc bộ, tiết mục của các cô chú Câu lạc bộ (CLB) truyền thống Thành đoàn đơn giản nhưng lại nổi bật bởi cái hồn của bài hát và sức sống từ người biểu diễn.

Hôm nay kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và truyền thống ấy đã được chính họ viết nên. Những thước phim tư liệu chiếu quang cảnh những buổi xuống đường với băngrôn, khẩu hiệu đầy khí thế trên màn hình lớn phía sau chính là một phần cuộc đời họ...

“Các ca sĩ trẻ bây giờ nhiều bạn hát nhạc truyền thống rất hay, rất cảm xúc, còn chúng tôi là người thật việc thật. Hồi xưa, những bài hát này chúng tôi hát để truyền đi tinh thần đấu tranh, để khí thế đấu tranh thêm mạnh, bây giờ thì hát để truyền lửa, giữ lửa cùng thế hệ trẻ...

Bà Tư Liêm

Sống lại tuổi 20

Các “ca sĩ” này vẫn phải cầm giấy lên sân khấu để nhẩm theo. 60-70 tuổi rồi, ai cũng tự nhận “học trước quên sau” nhưng với những bài hát một thời máu thịt, chỉ một hai lần dượt là tất cả đã có thể hòa giọng nhịp nhàng, từ Tiếng hát những đêm không ngủ đến Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe...

Miệt mài gần hai giờ, cả đội mới chịu nghỉ mệt, ngồi ăn bánh mì, uống nước suối để tiếp tục giờ tập tiếp nối. “Sắp 70 tuổi rồi, nay học mai chẳng nhớ nổi nhưng lạ lắm, cứ lên diễn là tự nhiên nhớ bài hết” - bà Tư Khoa, nữ sinh trường Trưng Vương một thuở, vui vẻ kể chuyện giữa giờ giải lao. Bà chỉ quanh sân khấu những gương mặt máu lửa một thuở: Ba Vũ, Tư Liêm, Lê Hai, Tám Hoàng, Phan Hạnh...

Bà Tư Liêm (tức Trương Mỹ Lệ, nữ bí thư Thành đoàn của những năm 1970) giờ đã 75 tuổi. Bà đứng giữa đội hình hơn 40 người, tay nắm chặt đưa lên theo nhịp “Dậy mà đi, đồng bào ơi”... Thủ lĩnh của phong trào sinh viên học sinh mấy mươi năm trước giờ vẫn tiếp tục là thủ lĩnh tinh thần của đội văn nghệ xung kích tuổi già.

“2/3 những gương mặt ở đây là của phong trào “Hát cho dân tôi nghe” thời sinh viên tranh đấu. “Họ là cựu nữ sinh ĐH Văn khoa, trường nữ Gia Long, Đức Trí, sinh viên trường Phú Thọ, Vạn Hạnh...” - cô Tư Liêm điểm lại đội hình. Họ từng có mặt ở điểm nóng, “tam giác sắt” Văn khoa - Dược - Nông lâm súc... Những đợt biểu tình đòi hòa bình, chống quân sự hóa học đường mà cảnh sát dùng đến phi tiễn cũng không dẹp được. Những đêm diễn văn nghệ bị cúp điện, đuốc đốt thay đèn, tiếng hát từ sân khấu vọng xuống đám đông rồi từ đơn ca biến thành đồng ca vẫn tiếp tục vang vọng ra tới đường lộ...

Tinh thần xung kích của tuổi 20 đến hôm nay vẫn tràn đầy trong đội đồng ca U-70, U-80. Lịch diễn của CLB cũng dày kín mỗi mùa 9-1, 26-3, 30-4, 2-9...

Người được con cháu đưa rước, người tự đi xe máy, xe ôm, xe buýt, cứ đúng giờ tập, giờ diễn là các cô chú có mặt ở khắp mọi sân khấu lớn nhỏ, từ thành phố đến tận quận, huyện, xã, phường. Càng xuống xã, phường càng vui, càng đi các tỉnh càng háo hức.

Những chuyến hành trình ngang dọc khắp miền Trung, sang tận Lào kéo dài nửa tháng trời chẳng thua kém bất cứ đội văn nghệ trẻ nào...

Bài hát nào cũng kéo về trọn vẹn những cảm xúc tuổi 20 trong trải nghiệm của cả một đời cống hiến.

Bài ca của người nữ tù

Bà Út Nhật (Đặng Hồng Nhật) nay gần 80 tuổi nhưng đã 15 năm nay hầu như chiều nào cũng tự chạy xe máy 50 phân khối đi tập, đi diễn văn nghệ.

“Sáng nay đội mới đi diễn ở quận 10, chiều tối lại tập cho đêm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Các cô diễn bằng sự nhiệt tình chứ đâu có ai chuyên nghiệp, nhưng mà không đụng hàng đâu nghe” - cô Út Nhật vui vẻ kể chuyện.

Người nữ tù từng “ra vô Côn Đảo 3-4 chập” tóc đã bạc đầu nhưng vẫn nhanh nhẹn, kể chuyện dí dỏm: “Ở trong tù cứ 30-40 người ráp vô tập hát, nhóm nào cũng phải có một tiết mục văn nghệ. Lính đứng ở cửa hăm dọa vẫn hát, chừng nào chúng nhào vô đánh đập mới ngưng. Trong tù thiếu thốn đủ thứ nhưng mọi người vẫn nghĩ đủ cách để làm ra một chương trình văn nghệ: lượm giấy bạc, vỏ kẹo cắt ra trang trí quần áo, xin nhà bếp bột màu làm son môi, cạo xoong nồi lấy lọ nghẹ làm chì vẽ chân mày, vẽ râu... Không chỉ hát, có những tiết mục dài tới 15 phút như vở kịch Lá thư miền Nam cảm động lắm”.

Tuổi đã lớn, nhiều thứ nhớ nhớ quên quên nhưng cựu nữ tù Chín Mai - Trần Thị Ngọc không bao giờ quên được những ngày tuổi trẻ gian lao và sôi sục. Bà bảo: “Trong nhà tù hát chuyên nghiệp luôn, ra tù vẫn hát, đến bây giờ lại hát tiếp. Mình già rồi, nhưng mấy bạn tới đâu mình cũng ráng tới đó”. Đến bây giờ đã ở tuổi 70, bà không chạy được xe máy nhưng “đi đủ kiểu, lúc xe buýt, lúc xe ôm” để tham gia các buổi tập, diễn văn nghệ.

“Các ca sĩ trẻ bây giờ nhiều bạn hát nhạc truyền thống rất hay, rất cảm xúc, còn chúng tôi là người thật việc thật. Hồi xưa, những bài hát này chúng tôi hát để truyền đi tinh thần đấu tranh, để khí thế đấu tranh thêm mạnh, bây giờ thì hát để truyền lửa, giữ lửa cùng thế hệ trẻ...” - bà Tư Liêm khẳng định mục tiêu hoạt động clb của mình.

Các thành viên CLB truyền thống Thành đoàn lúc nào cũng cười tươi, cũng bận rộn và hừng hực lửa như thế. Tà áo dài trắng trên sân khấu vẫn thướt tha, điệu bộ di chuyển vẫn mềm mại, duyên dáng, tiếng hát vẫn cảm xúc, hào hùng... Tuổi 20 vẫn sống mãi với họ như thế và họ giữ tuổi 20 cho các em cháu đi sau như thế.

Truyền lửa - đền ơn

CLB truyền thống Thành đoàn biểu diễn tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quang Định
CLB truyền thống Thành đoàn biểu diễn tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quang Định

Và không chỉ có các chương trình văn nghệ. Những hoạt động truyền thống, đền ơn đáp nghĩa mà CLB truyền thống Thành đoàn TP.HCM tổ chức khiến mọi người bận rộn suốt năm. Viết sách lịch sử Thành đoàn, truyền thống sinh viên - học sinh; thăm hỏi, giúp đỡ các ba, má phong trào từng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ; nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ; thăm các căn cứ cũ...

“Từ giờ tới tết là đi miết, ít có ngày ở nhà. Các căn cứ Củ Chi, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bà Rịa... chỗ nào cũng đi. Tụi này về bà con vẫn quý như ngày xưa. Tặng các gia đình tấm lịch có chữ CLB truyền thống Thành đoàn TP.HCM, mọi người đều giữ lại, lịch năm sau treo nối tiếp năm trước đỏ cả bức vách...” - bà Tư Liêm kể.

Mỗi lần đi căn cứ về, mọi người lại họp CLB và mang ra bàn những trường hợp mình ghi nhận được: kiến nghị giải quyết chính sách cho một bà má; tìm nguồn xây nhà tình nghĩa, tình thương cho một gia đình sống trong nhà xiêu cửa yếu; cấp học bổng cho học sinh nghèo; tìm nơi đào tạo, việc làm cho thanh niên...

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên