Phóng to |
Suốt 16 năm nay, Phong “mù” đẩy Quốc “liệt” đi bán vé số mưu sinh - Ảnh: Nguyên Linh |
Đông Hà. 7g sáng đầu tháng chạp, trời rét căm căm. Phong “mù” lóng cóng, dồn sức vào hai cánh tay đẩy xe lăn chở Quốc “liệt” băng dốc cầu Đông Hà (Quảng Trị) đi nhanh về đại lý vé số. “Hôm ni trời mưa lạnh, bọn em lấy 200 tờ thôi, bán không hết gặp mưa thì khổ” - Quốc lập cập nói với chủ đại lý vé số.
Năm 1996, Phong “đụng” Quốc khi bán báo, vé số dạo ở Huế. Họ nhận đồng hương rồi kết nghĩa anh em. Phong nói rằng ngày trước anh mưu sinh một mình rất khó khăn. Không nhìn thấy đường, Phong thường xuyên lọt hố ga, va đầu vào cột điện, người đầy vết thương, có lần bị kẻ xấu giật mất cả xấp vé số. Còn Quốc dù sáng mắt nhưng chân bị liệt, không thể tự mình đẩy xe lăn đi được nhiều nơi, không leo được vỉa hè, vì thế xấp vé số luôn ế ẩm.
Hiểu rõ tình cảnh của nhau, Phong đề nghị hợp tác “mắt anh, chân tôi” và Quốc gật đầu cái rụp. Từ đó, hai người tật nguyền nắm tay nhau “cộng sinh”. Phong chia sẻ: “Khi thấy chúng tôi kết nghĩa anh em và đi làm ăn chung, có người gièm pha rằng: “Thằng Quốc sáng mắt, làm được mấy tiền nó giấu hết, lấy chi mày sống”. Nhưng tôi tin Quốc, phải tin nhau mà sống”. Và 16 năm nay, đôi bạn này cặm cụi mưu sinh khắp nẻo đường, ngọt bùi có nhau. Sáu năm nay, khi cả hai đều có gia đình, họ kéo nhau về Đông Hà làm ăn để được gần vợ con.
Bao năm rong ruổi cùng nhau, Quốc ngồi trên xe lăn cầm trịch, còn Phong đi sau đẩy xe theo tín hiệu. Quốc tiết lộ: “Khi muốn dừng xe, tôi kêu “tốp tốp”. Lúc tiến tôi kêu “tới”, khi lùi tôi kêu “lui” và báo trước khi lên xuống dốc”. Quốc làm mắt, Phong làm chân. Cứ thế, bánh chiếc xe lăn quay đều theo năm tháng, giúp hai gia đình có miếng ăn. Quốc tâm sự bán vé số ngày càng khó khăn bởi người bán quá nhiều. Mỗi tờ vé số người bán được hưởng 1.000 đồng, ngày nào “hên” thì mỗi người kiếm được bảy tám chục ngàn đồng, có ngày ế chỉ đủ tiền cơm trưa.
“Nhờ Phong mà mình lấy được vợ”- Quốc cười hiền lành, bắt đầu kể chuyện tình của mình. Đầu năm 2000, trong một lần trú mưa, Quốc tình cờ gặp Nguyễn Thị Hồng trong một quán nước ở bến xe Đông Hà. “Thấy Hồng ngồi co ro, mình nhờ em mua giúp gói thuốc lá, rồi bắt chuyện hỏi thăm đôi ba câu cho đỡ lạnh, không ngờ sau này nên duyên vợ chồng” - Quốc nhớ lại. Cô gái tên Hồng mà Quốc gặp ở bến xe lúc đó mới 20 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế. Hồng không cha, từ nhỏ mẹ gửi vào trại trẻ mồ côi. Năm 18 tuổi, Hồng theo mẹ ra Đông Hà lượm ve chai kiếm ăn. Cuộc sống mẹ con Hồng bấp bênh, nay đây mai đó. Một sự tình cờ, mẹ của Hồng là bạn thân của Phong. Thế nên khi nghe Quốc tâm sự có tình cảm với Hồng, Phong đã đứng ra làm “ông mối” giúp bạn.
Nghe tiếng bi bô gọi ba của con Quốc, Phong cũng ước ao có một gia đình. Ngặt nỗi các cô gái đều chê anh nghèo, mù lòa, sợ vướng vào thì khổ. Một ngày đầu xuân 2006, người phụ nữ nói ngọng, hơn Phong hai tuổi, ở cùng xã đã đồng ý lấy anh trước “lời ra tiếng vào” của xóm giềng. Cưới nhau đầu năm, cuối năm hai vợ chồng chào đón bé trai kháu khỉnh.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2013, tạm xa tổ ấm của mình, đôi bạn Quốc - Phong khăn gói lên tàu vào Huế thuê trọ để mưu sinh. Phong nói: “Bán vé số ở Huế được hơn ở Đông Hà, tranh thủ những ngày cuối năm gắng kiếm thêm ít tiền để mua cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới mặc tết”. Nói rồi Phong đẩy xe lăn có Quốc ngồi trên đó, cót két tiến về chợ Đông Ba, hi vọng bán được nhiều tờ vé số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận