07/06/2015 16:30 GMT+7

Đọc sách để mơ mộng, tại sao không?!

QUANG KHUÊ
QUANG KHUÊ

TTO - Sách dạy làm người, dạy làm giàu (self help) hữu ích hay vô bổ. đọc sách self-help cần lưu ý chuyện gì? Tuổi Trẻ Online xin tiếp tục trích đăng những ý kiến xoay quanh bài Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú” của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Đừng quá khắt khe

Để bắt đầu nói về sách self-help, tôi xin kể một câu chuyện thế này. Tôi có hai người bạn. Một người đam mê kiếm tiền, đọc những cuốn self-help như cơm bữa. Dù đi đâu, chủ đề chính của cậu ta khi nói chuyện cũng chỉ là kiếm tiền, làm giàu, tự do tài chính…

Một người khác thì ngược lại, thích đọc sách văn học, đơn giản là chẳng quan tâm mấy tới những cuốn đại loại như “Đắc nhân tâm”, cho chúng là vô bổ.

Song cả hai đều… bỏ dở đại học để theo những con đường của riêng mình. Rõ ràng chuyện có đọc hay không cả chồng sách self-help cũng không ngăn cản hai bạn tôi có chung một niềm tin rằng họ không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học.

Như thế, tôi thấy đôi khi không phải cứ đọc gì là ảnh hưởng nấy. Nếu không thể ảnh hưởng tốt (bằng không thì ai cũng thành tỉ phú cả rồi) thì cũng không dễ dàng ảnh hưởng xấu. 

Nói gì thì nói, đọc sách dường như chưa phải là một thú vui, càng không phải là thói quen của số đông, ít nhất là tại Việt Nam. Đọc sách, theo nghĩa là một nhu cầu thiết yếu chỉ mới dừng lại ở một số rất ít người trẻ. 

Không nên quá xem trọng  đến mức khắt khe một sở thích, lại là một sở thích của số ít. Sách vở chỉ dừng lại ở mức một văn hóa phẩm như bao văn hóa phẩm khác như phim ảnh, âm nhạc, tạp chí…

Phải rất lạc quan mới tin rằng sách vở hiện nay có thể cải biến hay thay đổi một điều gì đó lớn lao cho biết bao người trẻ ngoài kia. Ngược lại, cũng hơi bi quan khi cho rằng sách vở (ở đây muốn nói đến thể loại self-help) gây nên những ảo tưởng về lâu về dài cho cả một thế hệ.

Một cái cây sẽ lớn dần, chịu nhiều thứ thời tiết, dịch hại, sâu bệnh. Nhưng không thể hư hỏng hoàn toàn chỉ vì duy nhất một hai cơn nắng bất thường. Còn nếu quả là thế thật, thì đổ lỗi cho riêng thời tiết chẳng phải cũng là quá khắt khe hay sao.

Sách dạy xừ lý những đổ vỡ

Môi trường sống càng nhiều khó khăn, thử thách càng là mảnh đất màu mỡ để người ta rao bán những giấc mơ thông qua những cuốn sách. Tất cả đều được cho lên sạp hàng: từ cách được lòng sếp, đồng nghiệp, cách sống có mục đích, cách tư duy để trở thành triệu phú trong tương lai gần… Nhưng  thế còn hơn giậm chân tại chỗ mà không mơ mộng.

Niềm tin sống đẹp không hoàn toàn bắt đầu từ một cuốn sách và dĩ nhiên cũng không  dễ dàng ra đi theo một cuốn sách.

Có chăng, những ảo tưởng nhất thời về một cuộc đời thành công dễ dàng sẽ nhanh chóng biến mất, nhất là khi xã hội có quá nhiều thay đổi nhanh chóng.

Song những cuốn sách self-help chỉ là bước khởi đầu, sẽ còn một quá trình dài để người trẻ trải nghiệm và lựa chọn điều gì là có ích cho họ. Và như một bước khởi đầu, sách self-help không phải là một đầu tư quá tệ, chí ít là cho ước vọng tìm kiếm con đường phía trước.

Sẽ có rất nhiều người đọc chọn sách self-help như một món ăn tinh thần kéo dài. Nó gây nghiện? Tất nhiên, nhưng không nhiều hơn nghiện truyện tranh, phim ảnh, tiểu thuyết… Đó là sự lựa chọn thuần túy cá nhân, cũng như biết bao người lựa chọn không đọc gì, hoặc đọc liên tù tì từ cuốn này sang cuốn khác. Những lựa chọn cá nhân ấy có thực sự đáng để chúng ta quan tâm?

Trong một số nhỏ đọc sách thường xuyên, phần đông tìm thấy niềm an ủi, sự thích thú trong những cuốn sách self-help, thậm chí truyện ngôn tình, truyện tranh… Hầu hết những thể loại đó đều dễ đọc, dễ tiếp thu và áp dụng song ích lợi tới đâu thì rất khó nói. Tuy nhiên trong một xã hội mà mặt bằng mức sống còn hạn chế, có lẽ những cuốn sách là thú tiêu khiển lành mạnh rẻ tiền bậc nhất. Đó là so với những cuộc ăn uống, vé xem phim, xem kịch, đi du lịch…

Những cuốn sách, đặc biệt là sách self-help có thể được xem như một thứ giải trí mang màu sắc của sự tò mò và mơ mộng nhiều hơn là kim chỉ nam cho cuộc sống. Như thế cũng chẳng hại đến ai. Mọi người đều làm việc, mọi người đều tìm một cuốn sách để đọc. Không ai chỉ vì đọc sách sách self-help mà trở thành một kẻ ích kỷ và hoang tưởng trong cả phần đời còn lại. Cuộc sống ngoài kia rộng mở hơn gấp nhiều lần so với những trang sách.

“Hakuna matata” - Không phải lo lắng

“Hakuna matata” - không phải lo lắng, đó cụm từ hài hước mà nhân vật Timon và Pumbaa đã nói để an ủi về những sầu não của sư tử Simba (trong bộ phim Vua sư tử). Đó có lẽ là cụm từ được nhớ nhiều nhất trong suốt cả bộ phim.

Chẳng có gì phải lo lắng, có thật vậy không, đó có thể chỉ là thông điệp lạc quan trong một cuốn sách self-help bất kỳ. Thật khó phân biệt rõ ràng lời khuyên nào là thông thái, lời khuyên nào là không. Nhưng chẳng ai là không cảm thấy phấn khích khi nghĩ rằng thật sự cuộc sống chẳng có gì đáng để lo lắng như Timon và Pumbaa đã nói.

Một thông điệp như “Hakuna matata” đã lan truyền như thế, nhờ vào niềm hi vọng và tin tưởng của khán giả. Những cuốn self-help cũng kết nối thông điệp lên tâm trí người đọc theo kiểu thế. Điều đó không có gì là nguy hiểm cả.

Tất cả chỉ trở nên nguy hiểm khi độc giả tin tưởng mọi điều trong từng cuốn self-help mình đọc là hoàn toàn đúng. Nhưng thậm chí như thế, tôi nghĩ hậu quả của nó cũng giống như xem mọi điều trong một cuốn tiểu thuyết tử tế là hoàn toàn giả dối.

Hãy tin tưởng ở người đọc, niềm tin của độc giả không dễ dàng gì bị mắc lừa như thế.

Hay nói đúng hơn, không một người đọc tử tế nào dễ dàng biến mọi thứ của đời mình thành một trang sách self-help bất kỳ.

[poll width="400px" height="230px"]149[/poll]

* Mời bạn tiếp tục trao đổi ý kiến, quan điểm của mình về câu chuyện này qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

QUANG KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên