Bạn Kim Khánh và Thanh Trân (quận Bình Thạnh) chọn sách tại sự kiện Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất - 2022, diễn ra từ ngày 19 đến 24-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
1. Lần đầu tiên tôi bị một cuốn sách hớp hồn là vào khoảng năm 9 - 10 tuổi, khi bà ngoại tôi mua về cuốn Sống đọa thác đầy của Mạc Ngôn. Ông lúc đó còn chưa đoạt giải Nobel văn học, còn tôi lúc đó thì chẳng hiểu gì về lịch sử hay xã hội.
Nhưng lúc đó tôi đã tò mò và không thể dứt ra được câu chuyện về một địa chủ bị đầu thai thành con lừa rồi con lợn, con chó.
Cứ sau những giờ cắm cúi làm các bài tập nâng cao để đi thi học sinh giỏi, tôi lại đọc nó. Hết Sống đọa thác đày tôi lại đọc Cây tỏi nổi giận. Hết Mạc Ngôn tôi lại đọc sang Hemingway. Rồi từ văn chương, tôi lại đọc về cổ sinh và vũ trụ. Vậy là, cuối năm học, tuy đi thi chẳng mang giải gì về nhưng bù lại tôi đã nhớ hết tên các vệ tinh của sao Thổ, biết về tham vọng của lý thuyết dây, biết về một ông lão đánh cá ở tít tận Cuba không chịu thua bầy cá mập.
Có người sẽ hỏi rằng biết những thứ này để làm gì? Ngay cả tôi đôi khi cũng phải ngờ vực về ý nghĩa của việc đọc sách. Hẳn là hàng triệu người vẫn có thể sống tốt mà không cần đọc sách.
Biết về câu chuyện một cờ thủ vì mải mê trong cái đẹp mà tự tìm đến cái chết của Nabokov thì có ích gì với một nhân viên kế toán ngày ngày ngụp lặn trong hàng núi số liệu. Biết thuyết tương đối và cơ học lượng tử không thể tương thích với nhau tại tâm hố đen thì có ích gì với một nhân viên truyền thông tiếp thị. Triết học của Kant đâu thể giúp một nhân viên bán bất động sản đạt doanh số.
Vậy phải chăng Virginia Woolf đã lầm khi viết rằng những kẻ mê sách khi chết đi chẳng cần sự tưởng thưởng nào từ Thượng đế vì còn gì để cho họ nữa, họ đã có sách rồi còn gì? Bà đã không lầm.
Nhiều năm trước, khi rơi vào một vòng xoáy tuyệt vọng, thứ ánh sáng duy nhất kéo tôi lên là cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi không còn nhớ lúc đó tôi rốt cuộc đã đau khổ vì điều gì - vì công việc bán thời gian không suôn sẻ ư?, vì chuyện học hành không như ý? hay vì căn bệnh dị ứng hành hạ làn da tôi suốt một thời gian dài khi đó? hay vì tất cả?.
Tôi không nhớ, thứ duy nhất vẫn lấp lánh trong ký ức của tôi là những trang sách mà tôi không thể ngưng lật mở, về những chuyến phiêu lưu trong tâm tưởng, về một người đàn ông nói chuyện với mèo, về cơn mưa cá, về cậu thiếu niên 15 tuổi mạnh mẽ nhất thế gian.
2. Chúng ta đều từng đau khổ, hoặc đang đau khổ, hoặc sẽ. Nhưng chẳng phải sẽ an ủi lắm ư, khi trong nỗi đau khổ ấy, ta tình cờ đọc được một đoạn viết của Bill Bryson về sự phi thường trong việc có thể tồn tại một vũ trụ phù hợp tới vậy để cho con người, cho bạn, cho tôi xuất hiện.
Ông viết nếu giảm chỉ 0,01% tỉ lệ khối lượng Hydro biến thành năng lượng thì vũ trụ đã chỉ có Hydro và không gì khác, còn nếu tăng lên 0,01% thì Hydro sẽ cạn kiệt. Trong cả hai trường hợp, con người đều không hiện diện lúc này, ở đây. Vậy thì cứ đau khổ đi, nhưng chớ quên việc ta đang có mặt để đau khổ đã là điều không tưởng.
Đúng thế đấy, sách chẳng giúp được tôi không thất bại trong tình cảm đâu, nhưng nó giúp tôi biết rằng, dù bị bỏ lại, ta vẫn có thể như Scarlett O’hara, trở về nhà và sẽ bắt đầu lại đầy phẩm giá. Sách chẳng giúp tôi đình chiến với làn da nhạy cảm của mình, nhưng khi đọc một tiểu luận của John Updike về bệnh vẩy nến mà ông mô tả là "tách bạn ra khỏi bầy đàn hạnh phúc của giống người bình thường, khỏe mạnh", tôi nhận ra, ồ một trí tuệ lỗi lạc cũng đau khổ vì làn da nổi loạn. Tôi đâu cô độc.
3. Italo Calvino từng so sánh đọc với yêu. Ông bảo chúng giống nhau ở chỗ, cả khi đọc và khi yêu, thời gian và không gian mở ra, không còn khả lượng. Tôi cũng nghĩ đọc giống yêu. Nhưng có lẽ khác với Calvino một chút, tôi nghĩ chúng giống nhau ở chỗ, cả khi đọc và khi yêu, ta đều được xoa dịu phần nào. Khi ấy, ta tha thứ cho mình, tha thứ cho cả những nỗi đau của mình.
Một lần khi ra hiệu sách, tôi thấy một cậu bé con mân mê một cuốn sách của Stephen Hawking. Mẹ cậu nhìn qua rồi không đồng ý cho mua, bảo rằng cuốn này không đọc được. Chẳng biết tại sao tôi đã xen vào và bảo chị cuốn sách thật sự rất hay và chị nên mua cho con mình. Hẳn tôi đã nghĩ nếu nó không giúp cậu khám phá ra điều gì vĩ đại thì, ít nhất một lúc nào đó trong đời, tôi tin nó sẽ khiến cậu thấy cuộc đời dễ yêu hơn một chút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận