Người dân đổ xăng tại một cây xăng Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Nguyên nhân do Saudi Arabia vừa giảm giá dầu xuất khẩu đối với các khách hàng từ Mỹ trong bối cảnh dự báo cho thấy nguồn cung đang tăng.
Đồng thời, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng thêm 1,9 triệu thùng trong tuần vừa qua, lên mức 381,6 triệu thùng, cao nhất trong bốn tháng qua theo thống kê của Bloomberg.
Như vậy so với ngày 7-7, giá dầu thô thế giới đã giảm đến 25,8%, trong khi tại thị trường trong nước giá xăng A92 hiện chỉ mới giảm được 12,8%.
Với giá dầu như hiện nay, theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn, giá cơ sở đã xuống thấp hơn giá bán lẻ và doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang lãi hơn 1.000 đồng/lít xăng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết đơn vị này sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo nghị định 83/2014 và đặc biệt là theo tinh thần mà ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - đã nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3-11 của Bộ Công thương.
Theo đó, để phù hợp lợi ích của doanh nghiệp và người dân, ông Hải cho biết đã xin ý kiến bộ trưởng Bộ Công thương và các cơ quan chức năng để có thể giảm giá xăng dầu sớm hơn.
“Về lý thuyết, từ ngày 16-11 - thời điểm nghị định 83 có hiệu lực - mới điều chỉnh giá xăng dầu trong nước nhưng chúng tôi đang xin phép, vận dụng để xem xét giảm giá” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, việc doanh nghiệp xăng dầu đang lãi hơn 1.000 đồng/lít xăng mà vẫn chưa có động tĩnh giảm giá là chưa phù hợp với nguyện vọng người tiêu dùng.
“Mức lãi hơn 1.000 đồng/lít xăng là không hề nhỏ. Chi phí kinh doanh định mức cũng vừa được cho phép tăng. Các doanh nghiệp nêu chi phí là 1.100-1.500 đồng/lít, các cơ quan chức năng chưa có điều tra khảo sát cụ thể nào, chỉ dựa trên báo cáo đó để cho phép. Đây cũng là dư địa lãi lớn, khi mà định mức chi phí 860 đồng/lít trước đó cũng đã lãi lớn rồi” - ông Long nói.
Trong khi đó theo ông Long, Hiệp hội Xăng dầu hiện cũng mới chỉ nêu lên được tiếng nói của những người kinh doanh xăng dầu hơn là của người tiêu dùng mặt hàng này.
Nhiều hãng xe khách giảm giá Từ ngày 5-11, đồng loạt nhiều hãng xe chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM và ngược lại đã giảm giá vé. Theo quan sát của Tuổi Trẻ tại bến xe Vũng Tàu chiều 5-11, các hãng xe như Hoa Mai, Toàn Thắng, Thiên Phú, Kumho đã đồng loạt dán thông báo giảm giá vé từ 100.000 đồng xuống còn 95.000 đồng (suốt tuyến) và từ 95.000 đồng xuống 90.000 đồng (giữa tuyến). Ông Lê Văn Huệ, giám đốc Hãng xe Hoa Mai, cho biết do giá xăng dầu giảm liên tục nên công ty chủ động giảm giá vé để tạo sự công bằng với hành khách. Ông Huệ cũng khẳng định nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm, công ty cũng sẽ giảm theo. Hiện Hãng Hoa Mai có 100 đầu xe, chuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM. Ngoài ra, các hãng xe khác chuyên đưa đón khách từ Vũng Tàu đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng đang lên kế hoạch giảm giá. Ông Mai Văn Tú, giám đốc Công ty TNHH Phương Lâm - chuyên chở khách của các hãng hàng không Jetstar và VietJet Air, cho biết từ ngày 15-11 giá vé đưa đón khách từ Vũng Tàu lên sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại cũng giảm từ 120.000 đồng còn 110.000 đồng. Ông Dương Viết Tri, trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc giảm giá cước vận tải hành khách và hàng hóa thì không chỉ hành khách, người thuê vận chuyển hàng có lợi mà còn góp phần tạo ra sự bình ổn giá theo Nhà nước, tạo ra sự công bằng. Theo ông Tri, hiện tuyến Vũng Tàu - TP.HCM có khoảng 400 đầu xe phục vụ hành khách. Tuyến vận tải này cũng là tuyến “đường vàng” nên việc các hãng xe khách giảm giá vận tải rất quan trọng và có tác động lớn đến các mặt hàng tại Vũng Tàu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận