18/06/2024 11:27 GMT+7

Doanh nghiệp rời thị trường, nhìn từ ngành vàng và xăng dầu

Nhà có cây xăng, tiệm vàng được xem là thước đo của sự thành công, giàu có. Kinh doanh xăng dầu, tiệm vàng từng được xem là con gà đẻ trứng vàng khiến nhiều người rót vốn.

Từ đầu năm đến nay đã có 16 thương nhân phân phối xăng dầu

Từ đầu năm đến nay đã có 16 thương nhân phân phối xăng dầu "trả lại giấy phép" và dự báo làn sóng này chưa dừng lại.- Ảnh: Q.ĐỊNH

Thế nhưng thông tin khiến nhiều người "giật mình": từ đầu năm đến nay đã có 16 thương nhân phân phối xăng dầu "trả lại giấy phép" và có dự báo làn sóng này chưa dừng lại. Nhiều doanh nghiệp vàng sau những ngày đóng cửa cũng hé lộ sẽ nghỉ luôn. Có gì bất thường?

Trả lại giấy phép, rút khỏi thị trường có là bất thường hay không cần phải nhìn lại quá khứ. 

Như với xăng dầu, khi vụ án Trịnh Sướng sản xuất, buôn bán hơn 200 triệu lít xăng giả được đưa vào xét xử từ năm 2021 đến 2022, gần một năm sau đó, hàng loạt vụ án và kết luận thanh tra liên quan đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị phanh phui ở cả miền Nam và miền Bắc như Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty Hải Hà, Công ty Thiên Minh Đức, Công ty Trung Linh Phát... với hàng loạt vi phạm về gian lận thuế, nợ thuế, chiếm dụng quỹ bình ổn...

Sai phạm phải được chấn chỉnh, tất cả phải chuyển sang làm ăn bài bản, những kiểu kinh doanh khuất tất không còn đất sống. Các cuộc thanh lọc diễn ra, hàng loạt doanh nghiệp phải rời thị trường, bỏ cuộc chơi.

Người không đủ sức cạnh tranh thì thanh lý, bán cửa hàng; kẻ mạnh thì thôn tính, mua lại hệ thống để mở rộng mạng lưới.

Cuộc chơi trên thị trường xăng dầu từng vốn được xem là mảnh đất màu mỡ, ngon ăn, mang lại nhiều lợi nhuận, giờ lại trở thành miếng đắng cho không ít người đã rót vốn hàng chục tỉ đồng.

Đi sâu hơn, có nhiều lý giải cho việc doanh nghiệp rời thị trường. Có thể do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ sau giai đoạn biến động nên bị đào thải. Đó có thể là "sân sau" của những ông lớn bị rút phép nên phải dừng hoạt động.

Nhưng đáng chú ý là lý do trước đây quản lý kinh doanh xăng dầu có phần lỏng lẻo, doanh nghiệp làm liều khi trốn thuế, nợ thuế, trà trộn xăng lậu, thậm chí là buôn cả xăng giả... nên nay bị siết lại đã không còn đường sống.

Giờ đây, cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử, đầu vào - đầu ra rõ ràng, khó trốn né được thuế, cũng không thể buôn bán xăng dầu không có nguồn gốc, những khoản siêu lợi nhuận không còn nữa.

Vì vậy khi nghe doanh nghiệp bỏ cuộc chơi, có cảm giác lo lo. Nhưng nếu doanh nghiệp nghỉ vì lý do vừa nêu thì đó lại là điều đáng mừng. Bởi bớt đi những doanh nghiệp này là có lợi cho người tiêu dùng, Nhà nước và cả doanh nghiệp cùng ngành làm ăn chân chính.

Nhìn vào hướng phát triển của ngành xăng dầu, hàng loạt quy định đang được soạn thảo theo hướng sửa đổi toàn bộ các chính sách về quản lý kinh doanh xăng dầu. Theo hướng này, kiểu kinh doanh khuất tất càng không còn đất sống.

Câu chuyện của ngành xăng dầu rồi cũng sẽ diễn ra với ngành kinh doanh vàng khi nhiều quy định vốn đã có nhưng chưa được thực thi, nay triển khai sẽ là "quá khó" với nhiều tiệm vàng.

Như phải xuất hóa đơn điện tử, hàng có nguồn gốc, nữ trang phải đúng thương hiệu và độ tuổi, tiệm vàng không được mua bán ngoại tệ - vàng miếng nếu không có phép...

Thực trạng của ngành xăng dầu và vàng cho thấy chính sách và công tác quản lý với hai ngành này chưa phải là "kiến tạo phát triển", vẫn mở ra "cơ hội" cho những doanh nghiệp "bốc, hốt" rồi đóng cửa.

Đấy là bài học lớn để xây dựng chính sách quản lý mới, trước là cho ngành xăng dầu, vàng và sau này là nhiều ngành kinh doanh khác.

Doanh nghiệp xăng dầu Doanh nghiệp xăng dầu 'bỏ nghề' sẽ còn tăng?

Không chỉ 16 thương nhân phân phối xăng dầu trả giấy phép, dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu đang bị lo có thể khiến hàng loạt thương nhân rời bỏ thị trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên