TP.HCM tích cực giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư Nhật Bản - Ảnh: H.K
Bà Cao Thị Phi Vân, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, cho biết từ khi thống nhất kế hoạch tổ chức hội nghị bàn tròn, đến tháng 9-2022, ban tổ chức đã tổng hợp được 23 nội dung kiến nghị liên quan đến bốn nhóm vấn đề gồm môi trường - đời sống, pháp luật - lao động, thuế và hải quan.
Qua bốn phiên họp trù bị, TP đã giải đáp 23 câu hỏi của JCCH, trong đó có những vấn đề được quan tâm nhiều như thanh tra thuế chuyển giá, việc đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT. Trong lĩnh vực hải quan nổi cộm là các vấn đề gia công vận tải trong kho ngoại quan, kiểm tra vận hành của máy móc, thiết bị nhập khẩu hay kiến nghị về việc nhập khẩu hóa chất...
Theo ông Nakagawa Motohisa, phó chủ tịch JCCH kiêm trưởng ban môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của chính quyền TP. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, nhiều vấn đề, nội dung mà các cộng đồng doanh nghiệp nước này kiến nghị đã được giải quyết hoàn toàn.
Tuy vậy, còn một số vấn đề đã và đang tiếp tục gỡ vướng, giải quyết từng phần hoặc kiến nghị chính quyền TP đề xuất lên trung ương để giải quyết như vấn đề liên quan đến bảo hiểm, làm thêm giờ, giấy phép lao động…
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Đào Minh Chánh cho biết trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc áp dụng các chính sách của cả nước, TP cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư lựa chọn TP là điểm đến.
Cụ thể, TP đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.
Thông tin đến nhà đầu tư Nhật Bản, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tính đến thời điểm hiện tại, TP đã đạt nhiều kết quả tích cực so với kế hoạch đề ra.
Ước năm 2022, GRDP tăng trưởng hơn 9% và vượt kế hoạch đề ra, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt 49,5 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Tình hình thu ngân sách cũng đạt kết quả khả quan, ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài thuộc tốp đầu cả nước. Từ tháng 10-2021, cùng với cả nước, TP.HCM đã chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương đã giúp kinh tế TP phục hồi sớm hơn kỳ vọng.
Ông Watanabe Nobuhiro, tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hợp tác tích cực với doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát huy thế mạnh của hai bên, trong đó nỗ lực cùng giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến nay, Nhật Bản đứng thứ 3 trên 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư các dự án còn hiệu lực trên địa bàn TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận