21/09/2017 15:49 GMT+7

3 điều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm khi vào Việt Nam

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Chi phí sản xuất, môi trường đầu tư và khả năng phát triển dự án là ba điều mà các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm khi muốn đầu tư ở Việt Nam.

3 điều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm khi vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hội nghị sáng 21-9 - Ảnh: Như Bình

Ông Satoshi Okuda, phát biểu tại buổi Đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 2 được tổ chức ở TP.HCM ngày 21-9, rằng với tiềm lực sẵn có, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản khi đi ra bên ngoài đã nhận diện những rủi ro, thách thức như chi phí, thủ tục đầu tư... và quan trọng không kém là vấn đề nguồn nhân lực. 

Thứ nhất là khả năng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn cân nhắc xem việc đầu tư vào một quốc gia mới có giúp họ giảm chi phí sản xuất như thế nào như chi phí hạ tầng, xây dựng, chi phí nhân công...

Thứ hai là xem xét yếu tố đầu tư có thuận tiện hay không. Yếu tố này liên quan đến thủ tục hành chính, sự minh bạch của chính sách, pháp luật, rào cản ngôn ngữ, đạo đức kinh doanh, đối tác... làm việc có tầm nhìn dài hạn.

Thứ ba là khả năng mở rộng triển khai, phát triển dự án trong quá trình đầu tư, yếu tố này cho thấy cam kết đầu tư lâu dài, gắn bó của nhà đầu tư tại quốc gia đó. 

Nhà đầu tư luôn mong muốn được địa phương hỗ trợ để hoạt động hiệu quả, phát triển, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường. 

"Nhiều năm trước khi mới đến Việt Nam, chúng tôi không biết tiếng Việt, nhưng thông qua những cuộc tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy đây là môi trường đầu tư có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản phát triển vì phẩm chất ở nhân lực Việt Nam", ông Satoshi Okuda nói.

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch - Đầu tư, tính đến nay, Nhật Bản đã đầu tư hơn 45,9 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn FDI của Việt Nam, 

Riêng 8 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký 5,74 tỉ USD, chiếm 24,58% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. 

Trong năm 2017 tiếp tục ghi nhận những dự án lớn từ Nhật Bản như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỉ USD với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

Một dự án khác là dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ USD với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang.

"Cơ cấu đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế. Đặc biệt là thời gian gần đây, các lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản đa dạng hơn, ngoài lĩnh vực hạ tầng giao thông còn chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của bất động sản từ dòng vốn Nhật Bản", ông Quang nói. 

Hội nghị Đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai được hình thành dựa trên nhu cầu trao đổi thông tin, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, thiết lập một nơi đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Kansai. 

Năm nay, hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 60 thành viên doanh nghiệp hai nước.

Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai là vùng kinh tế lớn thứ hai của Nhật Bản, sau vùng Kanto (Tokyo) có phạm vi bao gồm 10 tỉnh, thành phố, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn là Osaka, Kobe, Kyoto.

Đây là khu vực có thế mạnh là ngành công nghiệp chế tạo, là nơi đặt trụ sở chính của nhiều Tập đoàn công nghiệp chế tạo và dịch vụ nổi tiếng như Panasonic, Sharp, Sanyo, Kawasaki……

Khu vực này đóng góp khoảng 25% vào tổng kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản - Việt Nam.

Từ năm 2003 Liên đoàn kinh tế Kansai đã đặt bàn làm việc Business Kansai trong Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giữ vai trò là cửa sổ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Kansai một cách hiệu quả.


N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên