16/11/2018 16:55 GMT+7

Doanh nghiệp mời, có khi các thầy chẳng đến

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Đó là lời ‘phàn nàn’ của lãnh đạo một doanh nghiệp với các trường đại học, được nêu ra tại tọa đàm Tứ giác sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0, diễn ra chiều 16-11.

Doanh nghiệp mời, có khi các thầy chẳng đến - Ảnh 1.

Ông Kiều Anh Sơn - Công ty Thép Việt thẳng thắn góp ý với các trường đại học - Ảnh: MAI HOA

Chương trình do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các trường viện và lãnh đạo TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dự tọa đàm.

"Các thầy ai cũng bận hết…"

Sau phần gợi mở của Bí thư Thành ủy, các đại biểu đã phát biểu nhiều nội dung thẳng thắn, phân tích những hạn chế trong "tứ giác sáng tạo".

Ông Kiều Anh Sơn, Giám đốc Công ty Máy và sản phẩm Thép Việt nói, doanh nghiệp rất cần liên kết với các trường, các viện, nhưng chưa thực sự có kết nối, "dường như hai bên đều đang chờ lẫn nhau".

Liên tục nói "xin lỗi", ông Sơn nêu thực trạng: "Trường không giống như những nhà cung cấp bình thường. Như buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi có mời trường Đại học B. thì trường kêu bận hết không ai đi được. Chúng tôi mời Khoa Xây dựng thì cũng bận hết, thậm chí đến trưởng bộ môn cũng không đi được.

Trong khi các nhà cung cấp nước ngoài, chúng tôi mời là họ đến ngay. Họ không chỉ hướng đến một mình công ty tôi, mà hướng đến một thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và mong qua việc gặp gỡ với chúng tôi có thể kết nối thêm được với những đối tác lớn hơn", ông Sơn nói.

Nhân tọa đàm này, ông Sơn đặt hàng các trường nghiên cứu bộ nguồn cho máy cắt laser công nghiệp. Ông cho biết hiện nay đã chế tạo được máy này nhưng trái tim của nó là bộ nguồn, chiếm tới 80% giá trị chiếc máy thì phải nhập từ nước ngoài. Công ty đã bỏ tiền ra nghiên cứu một phần nhưng chưa thành công.

Doanh nghiệp mời, có khi các thầy chẳng đến - Ảnh 2.

TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: MAI HOA

Áp lực giảng dạy quá lớn, không còn thời gian nghiên cứu

TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phân tích: "Tôi thấy bên nào cũng có lỗi cả".

Ông nói mình đã nhiều lần dẫn các thầy giáo tới các doanh nghiệp, có những cái doanh nghiệp đặt hàng, các thầy có thể làm được, cũng có những cái không. Lí do là các trường thường gói gọn trong khuôn khổ nhà trường, không cho giáo viên ra ngoài.

"Và công việc giảng dạy cũng nhiều quá. Doanh số 400 tỉ của trường tôi chủ yếu vẫn thu từ sinh viên. Áp lực giảng dạy nhiều quá, các thầy không đủ thời gian nghiên cứu. Từ khi làm hiệu trưởng, tôi phân thành 4 loại giảng viên, ai giỏi nghiên cứu thì cứ để nghiên cứu không phải giảng", TS Dũng nói.

Ông cũng cho rằng phương pháp trình chiếu như trước nay đã không còn phù hợp, mà phải lập những team nghiên cứu, thầy giáo giờ không dạy nữa mà phải là người hướng dẫn sinh viên thực hiện các đặt hàng của doanh nghiệp.

Số làm được công nghệ đếm trên đầu ngón tay, chắc được hai chục. Tới đây phải có quy chế, một giảng viên 2-3 năm phải đi ra ngoài doanh nghiệp, bởi "ông thầy nắm được doanh nghiệp cần gì, quay về trường mới giảng hiệu quả được".

Góp ý về phía doanh nghiệp, TS Đỗ Văn Dũng nói, một số doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ tận dụng tiền nhà nước để làm đề tài, cần phải dẹp bỏ suy nghĩ này. "Phải bỏ tiền ra để tạo sản phẩm, làm lời cho mình, thì mới là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tầm. Tôi nói thật đó, phải dẹp tư duy thời đại cũ đó đi", TS Dũng thẳng thắn.

Ông cũng cho biết, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ về đất đai, nhân lực để nghiên cứu các đơn hàng của doanh nghiệp. Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cũng trực tiếp đặt hàng với các trường viện nhiều đề tài nghiên cứu.

Đại học Sư phạm kỹ thuật đã ký kết MOU (biên bản ghi nhớ) với Hội cơ khí điện, Công ty cơ khí Duy Khanh và công ty Thép Việt. Đây là trường đại học được nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm đánh giá là "mở lòng với doanh nghiệp".

bí thư

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu gợi mở tại tọa đàm - Ảnh: MAI HOA

Phát biểu gợi mở tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện nay, quá trình phát triển kinh tế yêu cầu doanh nghiệp phải có sản phẩm mới hoặc có sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn.

Theo ông, "tứ giác sáng tạo" là mối quan hệ giữa 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Ở nước ta hiện chưa có kết nối tốt 4 nhà.

Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cách mạng công nghiệp đa ngành với đặc điểm là đòi hỏi phải có sự liên kết, liên kết giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp với cơ quan nghiên cứu khoa học.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, doanh nghiệp không tăng đầu tư khoa học công nghệ sẽ không có năng suất cao.

Lâu nay, có doanh nghiệp chưa coi trọng đúng mức việc đổi mới công nghệ, chưa coi đây là chìa khóa phát triển lâu dài; các nhà tài chính, nhà đầu tư chưa giúp doanh nghiệp làm nội dung này.

"Phải trân trọng từng hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp và nhà trường, viện nghiên cứu với sự hỗ trợ của TP và kêu gọi các nhà đầu tư tài chính", ông Nhân nói.

TP.HCM tìm giải pháp xây dựng khu Đông thành đô thị sáng tạo TP.HCM tìm giải pháp xây dựng khu Đông thành đô thị sáng tạo

TTO - Hơn 600 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế sẽ tham gia diễn đàn Kinh tế TP.HCM với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp" ngày 23-11 tại TP.HCM.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên