06/11/2015 08:12 GMT+7

Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị chậm hoàn thuế

ÁNH HỒNG (anhhongnt@tuoitre.com.vn)
ÁNH HỒNG (anhhongnt@tuoitre.com.vn)

TT - Tình trạng chậm hoàn thuế tại TP.HCM đã đến mức báo động. Nhiều doanh nghiệp (DN) hiện đang kiệt quệ do bị nợ tiền hoàn thuế, có nguy cơ đóng cửa...

Bà Vũ Thị Hoài Sơn (giám đốc Công ty Tân Nhất Hương) trình bày tình cảnh với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn về chuyện bị chậm hoàn thuế - Ảnh: Quang Định

Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty TNHH thương mại Tân Nhất Hương, đã thốt lên như vậy tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan sáng 5-11. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định “không có chuyện thiếu tiền” để hoàn thuế.

Tôi sẽ làm việc với Cục Thuế TP.HCM và sẽ yêu cầu xử lý hoàn thuế ngay trong ngày 6-11 cho DN đã được ký lệnh hoàn thuế, không phải kiểm tra lại nữa

Thứ trưởng ĐỖ HOÀNG AN TUẤN

Lệnh đã ký, tiền không trả

Đến bàn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn để trình ra các quyết định hoàn thuế đã được ký hai tháng qua, bà Sơn cho biết DN đang bị nợ tiền hoàn thuế hơn 20 tỉ đồng, dù Chi cục Thuế Q.3 đã ra quyết định hoàn thuế.

Theo bà Sơn, dù đã nhiều lần lên gặp lãnh đạo ngành thuế nhưng chỉ nhận được phản hồi là “ngân sách năm nay thiếu vì giá dầu giảm. Bộ Tài chính sắp rót cho TP.HCM 1.700 tỉ đồng để hoàn thuế nhưng những hồ sơ xin hoàn thuế đang treo đã là 1.800 tỉ đồng rồi”.

Đặc biệt, ngành thuế “chỉ ưu tiên hoàn thuế cho những công trình trọng điểm quốc gia và những DN 100% sản xuất xuất khẩu. Còn Công ty Tân Nhất Hương vừa sản xuất xuất khẩu vừa làm thương mại thì không được ưu tiên”.

“Tôi không biết công trình trọng điểm quốc gia là công trình nào... nhưng nếu DN phải ngừng hoạt động vì không có tiền do chưa được hoàn thuế, hơn 200 lao động của DN sẽ thất nghiệp” - bà Hoài Sơn bức xúc nói.

Cũng theo bà Sơn, trong các buổi đối thoại trước đây do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, việc bị ngâm tiền hoàn thuế cũng được phản ánh. Khi đó, bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế TP.HCM, trả lời là sau cuộc họp sẽ gọi DN lên và hoàn thuế ngay nhưng rồi sau đó chẳng thấy tăm hơi.

“DN đến hoài, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.3 nhìn chúng tôi cũng sợ lắm, thậm chí muốn trốn luôn” - bà Sơn cho biết.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Đức Hậu, phó giám đốc Công ty Uniexport (đường Trần Cao Vân, Q.3), cho biết tháng 5-2015, công ty nộp hồ sơ lần đầu xin hoàn số tiền hơn 11 tỉ đồng.

Hiện nay số dư lên đến hơn 20 tỉ đồng, cơ quan thuế đã gửi biên bản xác minh xuống các đối tác ở các tỉnh nhưng đến nay không thấy “hồi âm, hồi dương gì”.

Ông Cao Anh Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan 2015 sáng 5-11 - Ảnh: Quang Định
Ông Cao Anh Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan 2015 sáng 5-11 - Ảnh: Quang Định

Một cửa nhưng nhiều... khóa

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội Các khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng hệ thống thuế thời gian qua có cải cách nhưng chưa rõ ràng và nhất quán, nên vẫn còn rất nhiều rủi ro cho DN. Chẳng hạn, cơ quan thuế tạo điều kiện kê khai qua mạng nhưng thuế phức tạp quá, khai thế nào cho đúng, cho đủ thì DN không biết hết được.

“Cơ quan thuế cũng bị DN kiện và thua kiện. Như vậy, ngay cả cơ quan thuế cũng chưa hiểu đúng chính sách. Vậy mà yêu cầu DN tự khai thì chúng tôi phải làm thế nào? Khai sai, chậm nộp chúng tôi bị phạt 0,05%/ngày, 10 năm sau thanh tra lại vẫn bị truy thu.

Ngay lúc này, chúng tôi ngồi đây và Quốc hội đang biểu quyết thông qua một số luật thuế sửa đổi. Tình cảnh chúng tôi như xe đang chạy mà vẫn phải bước lên vậy”, ông Bé ví von.

Cũng theo ông Bé, một vướng mắc khác đó là chuyện liên thông, hiện đại hóa, áp dụng cơ chế một cửa nhưng lại “đẻ” ra rất nhiều giấy phép con, núp dưới danh nghĩa các giấy xác nhận, có thể nói là đã phá vỡ cơ chế một cửa.

“Lâu nay nhà đầu tư nộp hồ sơ có gì chúng tôi giải quyết hết nhưng hiện nay với cơ chế mới họ phải đi vòng vòng các sở, có cái phải chạy ra ngoài bộ. Chúng tôi hay nói đùa là một cửa nhưng nhiều ổ khóa quá nên DN phải đi xin chìa khóa ở khắp nơi”, ông Bé nói.

Không có chuyện thiếu tiền

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định không có chuyện ngân sách thiếu tiền nên chậm hoàn thuế cho DN mà vì lý do khác.

“Vừa qua DN kêu chuyện hoàn thuế rất nhiều, do vậy Bộ Tài chính đã cử một đoàn cán bộ vào làm việc, rà soát toàn bộ những hồ sơ DN đã gửi cho cơ quan thuế, các quyết định đã ký nhưng DN chưa được chi tiền.

Chúng tôi một lần nữa khẳng định đến sáng 5-11, quỹ hoàn thuế ở Cục Thuế TP vẫn còn dư trên 900 tỉ đồng chứ không phải hết tiền”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, với cơ chế như hiện nay, giữa người quyết định hoàn thuế và người kiểm tra rất khó xác định trách nhiệm. Do vậy, đã đến lúc cần phải xây dựng và cải cách lại, giao do cục trưởng chịu trách nhiệm chuyện hoàn thuế.

“Hiện nay, khi DN thấy lâu quá chưa được hoàn thuế nên đến hỏi và được chi cục thuế trả lời “đã chuyển hồ sơ lên trên rồi” nhưng chắc gì đã chuyển lên. Rồi Cục Thuế ký hoàn trên cơ sở kết luận kiểm tra của chi cục nhưng chắc gì cục đã tin chi cục mà ký”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra theo ông Tuấn, tới đây Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thuế, dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu năm 2016. Khi đó, sau khi gửi hồ sơ hoàn thuế, DN sẽ biết được hồ sơ đang nằm ở đâu, vướng mắc chỗ nào, DN nào cùng hoàn với mình mà được giải quyết trước.

Bộ Tài chính cũng trực tiếp giám sát chứ hiện nay cứ nghe DN kêu nhưng không thể đi kiểm tra được 63 cục thuế và 700 chi cục.

“Dữ liệu này cũng sẽ hạn chế được chuyện ưu tiên hay không ưu tiên, chẳng hạn DN tạm nhập tái xuất mặt hàng bia rượu và khoáng sản thì được hoàn rất nhanh trong khi DN sản xuất, xuất khẩu lại rất khó khăn” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tình trạng giấy phép con hiện rất nhiều. Do vậy tới đây phải rà soát, sửa đổi tình trạng này, đặc biệt là sẽ phải sửa 8 nghị định liên quan đến vấn đề kiểm tra vì hiện nay kiểm tra quá nhiều.

“Cán bộ thuế sợ trách nhiệm thì nghỉ đi”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận nếu chính sách không rõ sẽ khó tránh khỏi “thế này thế kia”. Do đó, giải pháp căn cơ là phải công khai minh bạch, công khai trên mạng để mọi người đều có thể đọc được, tránh chuyện lập lờ như hiện nay.

“Còn với cán bộ thuế, theo tôi, nếu sợ trách nhiệm thì đừng làm nữa, vì mình đã ăn lương nhà nước, nắm trong tay sinh mạng của cả DN chứ có phải chuyện đùa đâu”.

ÁNH HỒNG (anhhongnt@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên