29/05/2023 09:12 GMT+7

Doanh nghiệp công nghệ lo mất tên

Dù từng gọi vốn thành công đến hơn 1 triệu USD nhưng một start-up công nghệ tại TP.HCM nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa bởi hết tiền.

Tối ưu hóa chi phí được xem là "chìa khóa" cho các doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Tối ưu hóa chi phí được xem là "chìa khóa" cho các doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm khiến nhiều start-up, doanh nghiệp công nghệ phải tìm mọi cách để tránh bị thâu tóm, vượt qua giai đoạn sống còn để còn... có tên.

Vì sao luôn đối mặt với thiếu vốn?

Start-up từng hút được vốn 1 triệu USD ngần ngại chia sẻ tên thật nhưng công nhận: làm trong lĩnh vực công nghệ y tế, từng nhiều lần gọi vốn thành công, khi tổng số tiền gọi được lên đến hơn 1 triệu USD tưởng đã thành công nhưng không phải vậy. 

Dù với mục đích tốt đẹp là mang các dịch vụ y tế chất lượng cao đến tận tay người dùng qua ứng dụng di động, thế nhưng kinh doanh của công ty chưa hiệu quả.

N., nhà sáng lập dự án, buồn bã nói thời gian dài vừa qua phải liên tục đi tìm gặp các nhà đầu tư hòng gọi thêm vốn để duy trì công ty nhưng "tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư không dám mạo hiểm". "Nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa công ty", N. nói.

Một start-up công nghệ khác là Unikon - nền tảng tiếp thị nội dung tự động - cũng đang phải "đối mặt với khó khăn lớn nhất là bài toán đảm bảo dòng tiền để sống sót qua giai đoạn khó khăn này" - Hoàng Hường, CEO Unikon, chia sẻ.

Hường cho biết hiện khách hàng và nhà đầu tư đều "thắt chặt" chi tiêu và đầu tư. Trong khi đó, "Chúng tôi cũng như hầu hết các start-up công nghệ khác luôn đối mặt sức ép đổi mới công nghệ rất nhanh trong ngành. 

Do đó, chi phí cho nguồn lực nhân sự và đầu tư nghiên cứu phát triển khá lớn, trong khi các sản phẩm mới và công nghệ mới lại chưa tạo doanh thu...", Hường chia sẻ.

"Kỳ lân" cũng gặp khó

Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ đã "ăn nên làm ra", thậm chí đạt cấp độ "kỳ lân" (được định giá trên 1 tỉ USD) cũng gặp khó.

Lãnh đạo một doanh nghiệp "kỳ lân" (đề nghị không nêu tên) cho hay: "Doanh nghiệp công nghệ nào cũng khó khăn, không nhiều thì ít. Chúng tôi phải luôn đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ mới để bắt kịp thế giới, tạo sức cạnh tranh. Chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng hiệu quả chưa thể thấy ngay được...".

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về tình hình gọi vốn cho các doanh nghiệp start-up hiện nay, bà Hoàng Kim Dung, giám đốc quốc gia quỹ đầu tư Genesia Ventures Việt Nam, tóm gọn: "Không thể và không nên lạc quan". 

Lý do: tình hình lãi suất cao, tín dụng không dễ tiếp cận để kiềm chế lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, không riêng Việt Nam.

Mong sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước

Từ góc độ quỹ đầu tư, bà Dung cho rằng tình hình kinh tế hiện nay đã khiến "khẩu vị rủi ro" của các quỹ đầu tư mạo hiểm thay đổi. Các quỹ đầu tư mạo hiểm giờ muốn đầu tư vào các start-up giải quyết bài toán nhu cầu thật lớn và rõ ràng, dạng "Must-Have" (bắt buộc phải có).

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch FPT Retail (sở hữu các chuỗi bán lẻ FPT Shop, F.Studio By FPT và hệ thống nhà thuốc Long Châu), chia sẻ bí quyết vượt khó là doanh nghiệp phải luôn đảm bảo tính linh hoạt. Như chuỗi FPT Shop phải từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách bán thêm nhóm hàng gia dụng...

Nguyễn Vũ Anh, tổng giám đốc Cốc Cốc, cho hay công ty ông cũng như các doanh nghiệp công nghệ mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc giúp doanh nghiệp Việt phát triển thành công sản phẩm công nghệ "Make in Việt Nam" có khả năng vươn tầm thế giới.

Việc hỗ trợ đó có thể đến từ kết nối các tiềm lực trong nước và quốc tế (về nguồn vốn đầu tư, về chuyên gia tư vấn...), đồng thời tháo gỡ rào cản về cơ chế liên quan và tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp công nghệ Việt không bị "lép vế" trước các công ty, tập đoàn quy mô toàn cầu khi nghiên cứu và phát triển cũng như khi đưa sản phẩm đến với người dân.

Bán lẻ hàng công nghệ cũng phải gồng lỗ

Nhiều hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ đang phải "gồng mình gánh lỗ" bởi sức mua giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp.

Đại diện một hệ thống bán lẻ đạt chuẩn AAR (đại lý ủy quyền chính hãng Apple) tiết lộ: "Mỗi chiếc iPhone 14 bán ra bây giờ chúng tôi đều bị lỗ bởi các chi phí vận hành, nhưng vì phải đẩy hàng tồn kho để có dòng tiền cho đợt sản phẩm mới".

Đại diện một hệ thống AAR khác chia sẻ: "Tháng 4 vừa qua là đợt lỗ đỉnh điểm. Sắp tới chúng tôi phải đóng bớt các cửa hàng có chi phí cao".

Báo cáo tài chính ba tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu quý 1 của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cũng giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu hầu hết các sản phẩm điện thoại và điện máy giảm 25 - 35%, máy tính xách tay giảm 40 - 50%.

"Đối thủ" của Thế Giới Di Động là FPT Shop không khá hơn. Theo chia sẻ của đại diện FPT Retail, trong quý 1, doanh thu chung giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tạo công cụ ChatGPT được "huấn luyện" tiếng Việt

Theo ông Nguyễn Vũ Anh, tổng giám đốc Cốc Cốc, hãng đang chủ động tìm giải pháp thích ứng để biến nguy thành cơ, tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm mới, kỳ vọng tạo ra một công cụ ChatGPT được "huấn luyện" đặc biệt để xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.

Một trong những ý tưởng là giúp sinh viên làm bài tập về nhà thông qua ChatGPT. Ngoài ra, sẽ sớm ra mắt hộp trả lời trên công cụ tìm kiếm, giúp chắt lọc và hiển thị nội dung tóm tắt từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc doanh nghiệp này cũng thừa nhận AI là một lĩnh vực nghiên cứu đắt đỏ với đơn vị chi phí tính theo triệu đô. Cốc Cốc đang phải tìm lối đi riêng để phát triển...

Đua thành doanh nghiệp công nghệĐua thành doanh nghiệp công nghệ

Nhiều doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thành doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các nhà mạng. Khi thị trường viễn thông dần bão hòa, các nhà mạng đang chuyển mình theo đuổi phong trào chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên