13/04/2025 08:59 GMT+7

Doanh nghiệp các nước ứng phó thuế trả đũa qua lại của Trung Quốc và Mỹ

Giới kinh doanh ở nhiều nước đang tìm cách ứng phó với thuế trả đũa qua lại của Trung Quốc và Mỹ bằng cách trước hết là chuyển phần chi phí tăng thêm cho khách hàng, trong khi xem xét chuyển dịch sản xuất.

thuế quan - Ảnh 1.

Một người tiêu dùng mua sắm tại thành phố Bayonne, bang New Jersey (Mỹ) - Ảnh: AFP

Loạt thuế Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, nhất là Trung Quốc, đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải tìm cách "hấp thụ" hoặc lý tưởng nhất, là tránh được các khoản chi phí tăng thêm ăn vào lợi nhuận.

Chuyển thuế lên người tiêu dùng

Chính quyền ông Trump đến nay đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên tổng cộng 145%.

Trong động thái đáp trả, Trung Quốc cũng tăng thuế đối với hàng nhập khẩu lên đến 125% chỉ trong hai tuần.

Theo ghi nhận của Đài CBS, nhiều doanh nghiệp Mỹ, từ các doanh nghiệp nhỏ cho đến các thương hiệu có tiếng trong nước, đã ra thông báo tăng giá sản phẩm hoặc cảnh báo người tiêu dùng rằng giá sắp tới sẽ tăng, lấy lý do thuế của Tổng thống Trump.

Phản ánh xu hướng này, một cuộc khảo sát gần đây của Công ty nghiên cứu Zilliant đối với 400 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho thấy 44% trong số họ có kế hoạch chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng.

Trả lời Đài CNBC, CEO Amazon Andy Jassy dự kiến thuế sẽ khiến một loạt mặt hàng tiêu dùng có giá cao hơn, khi nhiều nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử này có khả năng cao sẽ tăng giá để bù đắp phần phí chênh lệch từ thuế nhập khẩu.

Không chỉ các bên bán lẻ, một số nhà sản xuất lớn cũng thẳng thắn nói rằng họ sẽ không chịu phần phí tăng. Hồi tháng trước, một giám đốc điều hành cấp cao của hãng sản xuất chip Micron dự kiến một số sản phẩm của hãng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn mà Mỹ áp lên Trung Quốc, Canada và Mexico và vì vậy Micron có kế hoạch sẽ "chuyển những chi phí đó lên khách hàng của mình".

Ngay từ đầu tháng 3, Honeywell Building Automation, công ty chuyên thiết kế hệ thống an toàn và hiệu quả cho các tòa nhà, đã bắt đầu áp dụng khoản "phụ phí thuế" 6,4% cho các hệ thống quản lý cao ốc của hãng. Honeywell nói rằng động thái này là cần thiết "để giảm thiểu tác động của thuế" và trấn an họ sẽ loại bỏ mức phí đó "ngay khi các mức thuế không còn hiệu lực".

Người tiêu dùng công nghệ tại Mỹ có khả năng cao sẽ "hứng đòn" nặng nhất vì hậu quả của thuế, khi smartphone là loại hàng hóa mà Mỹ nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, theo sau là máy tính xách tay.

Tổ chức The Consumer Technology Association ước tính mức thuế từ 60-100% đối với tất cả hàng nhập từ Trung Quốc có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm từ 46-68% chi phí với máy tính xách tay và máy tính bảng.

Cùng với đó, giá các thiết bị như máy chơi game có thể tăng từ 40-58% và giá điện thoại thông minh có thể tăng từ 26-37%.

Chuyển nhà máy ư, mất nhiều năm!

Tác giả Aditya Jain, trong một bài đăng trên trang web của Viện Quản lý cung ứng (Mỹ), gợi ý cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát" có vẻ hợp lý cho các doanh nghiệp trong thời điểm bất ổn hiện nay.

Ông Jain khuyên rằng các công ty có thể xem cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay là lý do để rà soát lại chuỗi cung ứng, hình thành các liên minh nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ.

Trong bối cảnh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao, CEO Tony Post của Công ty giày Topo Athletic (trụ sở tại Mỹ) nêu rằng ông đang có kế hoạch hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp đặt tại Việt Nam, song song với các nhà cung cấp hiện tại ở Trung Quốc.

Tuy vậy vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng được cho là rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Như trong trường hợp của Apple, chuỗi cung ứng của hãng smartphone hàng đầu này tại Trung Quốc đã quá lớn và quá phức tạp. 

Theo một nguồn thạo tin của CNBC, Apple đang nghiên cứu cách chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Mỹ nhưng việc này có thể sẽ mất nhiều năm.

"Các khoản đầu tư vào nhà máy một khi đã được thực hiện thì không thể dễ dàng hoặc ngay lập tức đảo ngược... Việc di chuyển các nhà máy đó đến một địa điểm khác sẽ mất vài năm" - ông Arthur Dong, giáo sư mảng kinh tế và chiến lược tại Đại học Georgetown, nhận định.

Ông Trump đã tạm hoãn thuế đối ứng với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, điều này phần nào mang lại sự nhẹ nhõm nhưng vẫn còn đó các lo ngại cho những doanh nghiệp như Công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International có trụ sở tại Illinois (Mỹ).

"Việc tạm dừng cho phép chúng tôi tiếp tục kinh doanh như thường lệ bên ngoài Trung Quốc nhưng chúng tôi không thể lập bất kỳ kế hoạch dài hạn nào. Thật khó để biết cách xoay trục vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong 90 ngày nữa", CEO Steve Greenspon chia sẻ.

Ngoài các công ty Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc cũng lo ngại họ có thể bị cuốn vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này tại Trung Quốc cũng có phần lớn được xuất khẩu đến Mỹ.

Theo đó, Tập đoàn ô tô Đức Volkswagen tại Trung Quốc trong thông cáo ngày 10-4 nhấn mạnh họ đang thực hiện chiến lược nhất quán "Tại Trung Quốc, vì Trung Quốc". Volkswagen tại Trung Quốc theo đó sẽ tăng cường năng lực phát triển tại địa phương trong nhiều lĩnh vực.

Động thái của Tesla

Theo báo SCMP, Tesla do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đã ra quyết định ngừng nhận đơn đặt hàng vận chuyển xe điện Model S và Model X (EV) đến Trung Quốc.

Dẫn các nguồn tin, SCMP cho biết Tesla đã ngừng nhận đơn đặt hàng đối với các mẫu xe của hãng được sản xuất tại Mỹ, thay vào đó là thuyết phục khách hàng cân nhắc mua các mẫu xe Model Y và Model 3 xuất xưởng từ nhà máy Gigafactory gần Thượng Hải.

Doanh nghiệp các nước ứng phó thuế quan - Ảnh 2.Ai là người sẽ trả những chi phí cao ngất ngưởng từ thuế quan của ông Trump?

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ khiến người Mỹ chi trả nhiều hơn, và việc tính toán nộp thuế của các doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên