24/03/2017 09:08 GMT+7

Đoàn phải lao vào thực tế để tìm giải pháp

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Sáu mô hình, chương trình được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn dịp 26-3 năm nay có điểm chung là tìm câu trả lời cho những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

6 giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2017

Liên hoan sắc màu nhạc cụ Q.3 tạo cảm hứng đam mê nhạc cụ dân tộc cho nhiều bạn nhỏ TP.HCM - Ảnh: Q.NG.
Liên hoan sắc màu nhạc cụ Q.3 tạo cảm hứng đam mê nhạc cụ dân tộc cho nhiều bạn nhỏ TP.HCM - Ảnh: Q.NG.

* Chương trình talk show “Nghề của bạn” (Hội LHTN VN TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm TN TP.HCM).

* Mô hình “Căn phòng mơ ước” cho TNCN có hoàn cảnh khó khăn (Trung tâm Hỗ trợ TNCN TP.HCM).

* Hội trại “Học từ thiên nhiên” (Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM).

* Chương trình “Nước cho vùng hạn, mặn” (báo Tuổi Trẻ).

* Liên hoan sắc màu nhạc cụ Q.3 (Nhà Thiếu nhi Q.3).

* Đường chạy nghị lực VNU will run (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM).

Mỗi năm có hàng trăm cách làm, giải pháp, mô hình mà qua thực tiễn hoạt động, phong trào Đoàn được các cơ sở đúc kết nhưng chỉ một ít được vinh danh với giải thưởng này.

Mở rộng sân chơi cho trẻ

Ngay lần đầu tiên tổ chức, các thí sinh tuổi nhỏ đã làm những người thiết kế Liên hoan sắc màu nhạc cụ của Q.3 (TP.HCM) bối rối khi dự thi với những nhạc cụ khá lạ. Giám đốc Nhà Thiếu nhi Q.3 Lê Thị Thu nói lý do lớn nhất là muốn tạo một sân chơi vì ca hát thì nhiều, thậm chí rất nhiều trò chơi truyền hình thực tế nhưng sân chơi về nhạc cụ cho thiếu nhi rất hiếm, thậm chí cuộc thi đàn organ thiếu nhi cũng đã dừng từ nhiều năm qua.

Sau ba lần tổ chức, Nhà Thiếu nhi TP.HCM đã nhân rộng liên hoan thành sân chơi toàn TP, được tổ chức lần đầu tiên năm 2016. “Chúng tôi chọn hai năm tổ chức một lần để các em có thời gian học, tập luyện các nhạc cụ tốt hơn” - chị Thu bày tỏ.

Còn hội trại “Học từ thiên nhiên” sau năm lần diễn ra đã minh chứng rằng các bạn nhỏ rất quan tâm những vấn đề liên quan tới môi trường. Chọn Cần Giờ làm đất trại, các bạn nhỏ có dịp hiểu hơn về môi trường sống của nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh của TP.HCM”, đến với làng nghề làm muối, nuôi nghêu. Đặc biệt nhất phải kể đến hành trình thám hiểm rừng ngập mặn và cùng trồng rừng.

Từ những bài học về thiên nhiên, các bạn đã biết tận dụng những vật bỏ đi để làm những vật hữu ích như chiếc đèn bàn học, ghế ngồi... , đồng thời chia sẻ suy nghĩ về việc bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường. “Các em đã biết đem dụng cụ học tập, áo quần chia sẻ lại cho các bạn học sinh nghèo mà tôi nghĩ đó là những bài học đáng quý” - giám đốc Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP Nguyễn Đăng Phúc nói.

Bước cùng nhịp sống giới trẻ

Ba năm qua, nhìn nụ cười hạnh phúc của 31 gia đình trẻ trong những “Căn phòng mơ ước” cũng làm cho anh em Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (TNCN) TP.HCM vui lây. Với những gia đình cộng cả thu nhập của vợ và chồng khoảng 5 triệu đồng, căn phòng mơ ước được sơn sửa mới mà suốt một năm sau đó họ không phải lo trả tiền thuê trọ hằng tháng quả là món quà lớn.

Ngoài tiền phòng, có gia đình còn được tặng một vài vật dụng cần thiết nên niềm vui nhân đôi. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ TNCN Dương Ngọc Tuấn cho biết khá vất vả khi tìm kinh phí nuôi dưỡng chương trình, nhưng trung tâm cố xoay trở để chia sớt phần nào khó khăn của công nhân. Đã có ba gia đình được tặng món quà này năm thứ hai dù kế hoạch chỉ tặng một năm duy nhất.

Cũng là chia sẻ với chặng đường vào đời của các bạn trẻ, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM đã ra đời chương trình “Nghề của bạn”. 11 nghề (giáo viên mầm non, tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên du lịch...) lần lượt được phát sóng trên truyền hình, chia sẻ thông tin để các bạn trước ngưỡng cửa vào đời có thêm lựa chọn.

Mỗi chương trình ngoài tổng quan về nghề sẽ kết nối nhà tuyển dụng, người thành danh với nghề để tăng tính tương tác với người xem. Các cuộc điện thoại gọi về sau khi chương trình lên sóng, số học viên tìm đến học nghề đã là niềm khích lệ để những người thực hiện nỗ lực làm mới và xây dựng chương trình định kỳ hơn.

Trong khi đó, chia sẻ thông điệp “Ở đâu có nghị lực, ở đó có một lối đi”, đường chạy nghị lực VNU will run do Đoàn Trường ĐH Quốc tế khởi xướng nay đã trở thành hoạt động cấp ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong lần chạy cuối năm 2016, có 42 sinh viên các trường, cả ở miền Bắc và miền Trung có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận học bổng nghị lực (5 triệu đồng/suất).

Hoàn tất 5km đường chạy cùng cả ngàn sinh viên, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ: “Đường chạy không chỉ thúc đẩy hoạt động thể thao, thói quen rèn luyện sức khỏe mà quan trọng hơn đã phát hiện và lan tỏa những tấm gương nghị lực trong sinh viên”.

“Nước cho vùng hạn, mặn” nhận giải thưởng

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục được vinh danh với giải thưởng Hồ Hảo Hớn ở năm thứ 15 này với chương trình “Nước cho vùng hạn, mặn”. Đây là chương trình kéo dài từ tháng 4-2016 đến gần cuối tháng 1-2017 với khoảng 150 tác phẩm báo chí nhiều thể loại trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ, cùng hoạt động sau mặt báo dành cho đồng bào vùng chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long và ảnh hưởng của hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây nguyên.

Đã có hơn 14 tỉ đồng thu được từ đêm nhạc gây quỹ cùng hơn 870 triệu đồng từ tin nhắn của bạn đọc gửi về ủng hộ chương trình. Tổng số kinh phí này đã được Tuổi Trẻ thay bạn đọc chuyển đến bà con những nơi cần trợ giúp qua nhiều chương trình.

Đó là ba công trình bể chứa, đường ống dẫn nước cho dân tại các huyện: Trần Đề (Sóc Trăng), Kon Rẫy (Kon Tum) và Thuận Nam (Ninh Thuận); tặng gần 2.000 thùng, bồn chứa nước cùng các chuyến xe chở nước sạch đến với bà con; cứu trợ thực phẩm và tiền cho 1.600 hộ dân; trao 3.200 phần quà tết cho học sinh nghèo...

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên