12/07/2015 15:51 GMT+7

Đỗ mà không phải Đỗ

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Câu chuyện chúng tôi sắp kể ra đây là một trong nhiều chuyện lạ lùng liên quan đến họ tên ở một vùng quê của đồng bằng Bắc bộ.

Làng Bối Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi có hàng ngàn người đã làm thủ tục đổi họ - Ảnh: P.X.D.
Làng Bối Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi có hàng ngàn người đã làm thủ tục đổi họ - Ảnh: P.X.D.

Nó kéo dài hàng mấy trăm năm cho đến tận ngày hôm nay và vẫn chưa chấm dứt.

Chín họ cùng Đỗ

Dọc đường về thôn Bối Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hỏi han dân địa phương về chuyện họ tộc, ai cũng cười đáp: “Ở đấy có mấy thôn chỉ mỗi họ Đỗ, không có họ gì khác. Cùng họ Đỗ nhưng con cháu lấy nhau thoải mái vì chẳng phải bà con”.

Vào UBND xã Liên Khê, một cán bộ trẻ giới thiệu: “Cứ về Bối Khê hỏi chuyện ông Đỗ Tràng Sáng, nay tên mới là Đoàn Ngọc Sáng”.

Gặp ông Đỗ Tràng Sáng người thôn Bối Khê, chúng tôi đem mấy chuyện lạ nghe được về họ Đỗ thì ông nói ngay: “Đấy, có người không hiểu về họ Đỗ ở xã Liên Khê, bảo rằng sao cùng họ, cùng làng lại thoải mái lấy nhau, nên bà con ở đây bức xúc lắm. Bởi vì họ không hiểu nên mới nói vậy”.

Vậy nên hiểu thế nào mới đúng? Ông Sáng đáp: “Ba thôn Bối Khê, Cẩm Khê và Cẩm Bối thuộc xã Liên Khê vốn trước kia cùng là một làng: làng Bối Khê. Cả làng này có chín dòng họ bắt đầu từ chữ Đỗ: Đỗ Tràng, Đỗ Trọng, Đỗ Văn, Đỗ Bá, Đỗ Quang, Đỗ Đình, Đỗ Đắc, Đỗ Khoa, Đỗ Trí. Cứ nhìn vào chữ Đỗ ai cũng tưởng cả chín dòng họ này đều chung một họ, kỳ thực không phải thế”.

Ông Sáng nói cho đến thời điểm này vẫn chưa ai đưa ra lý giải chính xác về chuyện này. Nhưng theo thần phả, thần sắc đang lưu ở đình làng Bối Khê thì vị thần được thờ vốn là một vị tướng công mang họ Đỗ.

Chính vì vậy khi các dòng họ về đây sinh cơ lập nghiệp, nhớ ơn ông nên đều lấy chữ Đỗ đứng đầu họ của mình. Ví dụ, họ Đỗ Trọng chẳng hạn thì họ gốc là Trọng, chữ Đỗ đứng đầu là lấy theo họ của vị thần.

Cho nên tuy mang chữ Đỗ đứng đầu trong họ tên nhưng các họ Đỗ này hoàn toàn không họ hàng gì với nhau, nên việc dựng vợ gả chồng giữa các “họ Đỗ” không có gì ràng buộc về mặt huyết thống. Chỉ đến khi khai sinh cho con mới phát sinh những chuyện rắc rối.

Ông Sáng nói về cái sự rắc rối ấy: “Chẳng hạn như ông bố là Đỗ Bá X, nếu sinh con trai thì đặt tên là Đỗ Bá Y, nhưng nếu sinh con gái thì phải đặt là Bá Thị Z. Bởi người ta quan niệm con trai thì vẫn giữ được họ gốc của cha, chính là chữ Bá nằm trong chữ lót. Còn con gái người ta sợ mất họ nên phải lấy chữ lót, chính là họ gốc của mình, để đặt cho khỏi mất gốc”.

Chuyện này là tập tục lâu đời bất thành văn nhưng được áp dụng nghiêm chỉnh từ xưa đến nay ở địa phương này, mọi người trong làng xã ai cũng biết nên không hề thắc mắc. Nếu mọi chuyện giấy tờ cần giải quyết ở địa phương thì không vấn đề gì. Nhưng rắc rối lại nảy sinh khi liên quan đến các cơ quan cấp trên hoặc ở địa phương khác.

Ông Sáng kể: “Cách đây hơn mười năm, tôi là cán bộ phụ trách văn hóa xã hội của xã Liên Khê. Từ công việc cụ thể của mình, tôi đã thấy những chuyện khó khăn, phức tạp về họ tên, cụ thể là chín dòng họ Đỗ của chúng tôi. Khi lên huyện hoặc tỉnh làm thủ tục giấy tờ, con gái họ Đỗ thường gặp rắc rối vì không mang họ của bố. Địa phương chúng tôi phải xác nhận đây là con đẻ hẳn hoi, khai họ như thế là vì tập tục lâu đời của làng quê nơi đây, nhưng vẫn gặp khó khăn.

Như khi cháu Quang Thị Viên là con của liệt sĩ Đỗ Quang Viễn đi làm chế độ chính sách, cán bộ cơ quan chức năng cấp trên cứ thắc mắc: “Cô Viên này là con nuôi của liệt sĩ, chứ nếu là con đẻ sao không mang họ bố?”.

Chúng tôi phải giải thích rõ ràng và xác nhận đầy đủ mới có thể đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cháu Viên. Từ những rắc rối như thế, tôi mới quyết vận động bà con phải cải chính họ theo như quy định của luật pháp để thuận tiện trong các thủ tục giấy tờ”. Tuy nhiên, ông Sáng cho hay chuyện đổi cái họ tưởng đơn giản mà rắc rối vô cùng.gia pha

Chiến dịch cải chính họ Đỗ

Sau khi dẫn chúng tôi đến thăm nhà thờ họ của mình, cho xem những giấy tờ quan trọng liên quan đến họ tên, ông Sáng tiếp tục câu chuyện. Cũng vì muốn thuận tiện lâu dài cho các gia đình và cho chính quyền nên ông vận động bà con đổi họ.

Nhiều người nghe ông phân tích nên đồng thuận, nhưng cũng có người không đồng tình. Có thể họ ngại làm thủ tục phiền hà, rắc rối hoặc không muốn đổi thay họ vì cho rằng cứ sống theo nề nếp của cha ông “xưa bày nay làm”.

Dù vậy số đông bà con ở Liên Khê được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương nên cũng làm theo ông Sáng, số lượng lên đến cả ngàn người.

Theo ông Sáng, nếu cải chính vài trường hợp đơn lẻ thì không vấn đề gì, nhưng vào thời điểm cách đây mười năm, có cả ngàn người họ Đỗ xin thay họ thì mọi chuyện thật không đơn giản. Lịch sử ngành tư pháp Việt Nam cũng chưa hề gặp một tiền lệ quy mô đến như vậy trong cải chính họ tên.

Cả tỉnh Hưng Yên như thể vào một “chiến dịch” mà nòng cốt là ngành tư pháp. “Chiến dịch” đổi họ bắt đầu từ tháng 4-2005, hồ sơ từ xã gửi lên tỉnh, Sở Tư pháp đã gửi công văn về xã hướng dẫn, đồng thời báo cáo lên Bộ Tư pháp.

Ông Sáng hào hứng kể: “Chuyện cải chính họ đã thành chuyện lớn. Thứ trưởng Bộ Tư pháp hồi ấy là đồng chí Trần Thất về tận Liên Khê nắm tình hình cụ thể. Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa lên tiếng cho rằng cải chính họ tên là quyền lợi chính đáng của người dân, yêu cầu chính quyền cần tạo điều kiện cho bà con. Cấp trên cho mời chín cụ tộc trưởng của chín họ Đỗ ở ba thôn để lắng nghe tâm tư nguyện vọng rồi tổ chức hội thảo... Một năm sau mới xong”.

Khi làm việc với chúng tôi, chị Bùi Thị Thanh Thủy, cán bộ tư pháp xã Liên Khê, đưa ra danh sách đổi họ của ba thôn Cẩm Bối, Bối Khê và Cẩm Khê. Chị cho biết riêng năm 2005, xã Liên Khê đã cải chính họ cho hơn 500 người. Công việc này đến nay vẫn tiếp tục khi bà con có nhu cầu.

Vậy sau khi cải chính họ thì có còn phát sinh những khó khăn nào nữa không? Chị Thủy cho biết: “Vẫn có những trường hợp đã cải chính họ theo quy định luật pháp nhưng vẫn bị những cơ quan, đơn vị vì lý do nào đó gây khó khăn, đòi hỏi địa phương phải xác nhận thêm về trường hợp cán bộ mình đổi họ”.

Ông Đỗ Tràng Sáng nói thêm: “Vì các bác tham gia kháng chiến thì huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen vẫn là họ cũ. Nếu thay đổi họ thì việc giải quyết chế độ chính sách hoặc bảo hiểm xã hội sẽ có những vướng mắc”.

“Xin hỏi ông Sáng, ông vốn là Đỗ Tràng Sáng, nếu đổi sang họ gốc thì là họ Tràng, sao lại là Đoàn Ngọc Sáng?”.

Ông Sáng cười to: “Anh hỏi đúng, nhưng vì họ gốc cụ tổ tôi là họ Đoàn ở Thường Tín (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), vốn là tướng nhà Lê. Khi nhà Nguyễn lên, sợ trả thù nên lánh sang đây, lấy con gái họ Đỗ, rồi cải thành họ Đỗ. Các cụ họ Đỗ ở đây cho rằng họ Đoàn có cùng gốc chữ “đoản” trong tiếng Hán là ngắn ngủi nên đổi sang họ Tràng (trường) cho có nghĩa là lâu dài. Nay tôi trở về họ gốc của mình là Đoàn”.

Ôi thôi chuyện họ tên ở đây sao mà rắc rối thế. Sẽ còn bao nhiêu đợt đổi họ nữa, để người Bối Khê mới trở lại với họ tên bình thường?

________

Kỳ tới: Pơ Loong Thị... Hàn Quốc và Đinh Nokia

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên