Video: Lau nước mắt, tìm việc làm để có tiền đi học
Trần Thị Diệu Em thành thạo với công việc phụ bán tại nhà thuốc tây để được đi học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
"Ngày nhập học cận kề, khoản học phí tạm thu học kỳ 1 hơn 15 triệu đồng là áp lực lớn nhất, cũng là nỗi lo trĩu nặng trong lòng vì dù có cố gắng làm thêm nhiều hơn nữa vẫn không thể kiếm đủ số tiền đó", Diệu Em sụt sùi nói.
Đến trường bằng sề bánh của mẹ
Kết quả ba năm học phổ thông luôn đạt loại giỏi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bạn đạt 48,5 điểm cho sáu môn. Với kết quả đó, Trần Thị Diệu Em đủ điều kiện để được xét tuyển khối C00 với tổng điểm là 26,98 để vào Trường đại học Luật TP.HCM.
Niềm vui sướng, tự hào ngập tràn trên gương mặt người mẹ gầy còm, khắc khổ. 46 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Ngân (mẹ Diệu Em) nhìn rắn rỏi, già dặn hơn nhiều so với tuổi. Hơn chục năm gồng gánh nuôi con ăn học, đã từng có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Bà kể nhiều đêm nằm nhìn đứa con thơ dại ngủ say, chỉ biết cố nuốt nước mắt vào trong.
Cô con gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn là cả gia tài với bà. Thế nên mỗi ngày dù có phải thức khuya dậy sớm, vất vả làm đủ loại bánh ngọt như: bánh bò, bánh chuối, bánh đúc, bánh canh... với bà nào có hề gì.
Mỗi ngày, bà lại làm luân phiên một loại bánh khác nhau, chất đầy sề sau yên xe đạp, rồi rảo đi khắp xóm, bán hết cũng kiếm được 80.000 - 100.000 đồng để lo cho con.
Nhưng sề bánh cũng không kham nổi chi phí sinh hoạt ngày một nhiều khi con lên cấp III, bà thôi không làm bánh nữa, mà xin một chân rửa chén thuê, phụ việc tại quán ăn, tiền công 150.000 đồng/ngày, có khá hơn bán bánh chút đỉnh. Bà mừng thầm vì cô con gái hiểu chuyện, học giỏi, ngoan ngoãn, cứ luôn đòi đi làm thêm phụ mẹ.
"Khổ gì khổ chứ tôi cũng phải cho con học, một mình cũng phải ráng gượng, chớ cho con nghỉ ngang vầy uổng lắm. Tối tối hai mẹ con nằm cạnh, tôi cũng dạy con bắt chước theo những tấm gương học hành đàng hoàng, có công việc tốt, đỡ tấm thân. Mình cũng chỉ mong cho con học thành tài, nó sẽ không cực khổ làm thuê mướn nữa, mà tui cũng tròn trách nhiệm", bà Ngân tâm sự.
Nghị lực cô học trò "lực điền"
Năm học lớp 12, Diệu Em xin đi làm thêm ở một nhà sách trong thị trấn nhưng bà chủ thấy chưa đủ tuổi, sợ ảnh hưởng việc học nên từ chối, hẹn năm sau. Vừa thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong lúc chờ kết quả, bạn liền xin đi làm cho một nhà thuốc tây. Cũng ngót nghét hai tháng, em kiếm được hơn 4 triệu đồng.
Cô học trò nhỏ nhiều lần rơi nước mắt khi kể về gia cảnh nhà mình. Thế nhưng khi xắn tay vào công việc, Diệu Em gần như trở thành người khác, một cô gái "lực điền", làm một cách hăng say và thành thạo.
Tiền công trả theo giờ, mỗi giờ 16.000 đồng. Hôm nào việc ít thì làm chừng năm giờ, gặp ngày nhập hàng hay có nhiều đơn phải đi, cô sẽ làm tới 11, 12 tiếng trong ngày.
Có những ngày thấy con đi làm đến tối mịt mới về đến nhà, bà Ngân xót xa vô cùng. "Với em, khó khăn nhất lúc này là thời gian, em ước mình có đủ thời gian để đi làm, giá có thể nhập học lùi lại trễ hai tháng, lúc đó em sẽ kiếm được khoảng 10 triệu đồng, cộng với tiền lương của mẹ thì may ra...", Diệu Em bỏ lửng câu nói.
Hôm phải đặt cọc gần 2 triệu đồng tiền nhà trọ tại TP.HCM, biết hoàn cảnh của Diệu Em, phụ huynh của hai bạn ở ghép cùng phòng đã cho bạn mượn tiền đóng trước. Các vật dụng cơ bản cũng được hai phụ huynh kia mua sẵn, dặn ba đứa đi học chăm sóc lẫn nhau.
Bà Ngân dự tính trước mắt cứ vay mượn tạm để lo cho con gái kịp nhập học và ổn định trên thành phố đã, rồi sau này tìm hiểu điều kiện vay ngân hàng chính sách trả lại. Còn cô gái quê An Giang ấy có niềm tin chỉ cần vượt qua được học kỳ đầu tiên, mọi chuyện sẽ khá hơn. "Quen với môi trường học mới, mình sẽ tìm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt" - Diệu Em nói chắc nịch.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thầy Phạm Nam Điền, bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Châu Thành, An Giang), nói hoàn cảnh của Diệu Em khá đặc biệt, hai mẹ con không có nhà phải ở nhờ nhà bà ngoại, mẹ lại không có công việc ổn định nên khó càng thêm khó.
Dẫu vậy, cô học trò ấy lại rất nỗ lực, tự ý thức vươn lên và luôn đạt thành tích xuất sắc. "Bạn có đi làm phụ giúp mẹ, các thầy cô ở trường cũng rất quan tâm, thương yêu cô học trò ngoan hiền, học giỏi nhưng khó lòng giúp được chuyện đi học đường dài phía trước", thầy Điền nói.
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận