25/04/2020 10:38 GMT+7

Dỡ bỏ cách ly: vui thôi, đừng vui quá!

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Người người thở phào vì lệnh dỡ bỏ cách ly từ 0 giờ ngày 23-4-2020. Vui đó, nhưng không đến mức như 'ăn mừng' hay chủ quan nghĩ rằng dịch đã qua mà tung tăng như trước nay thì nguy!

Dỡ bỏ cách ly: vui thôi, đừng vui quá! - Ảnh 1.

Một quán nhậu ở quận Phú Nhuận, TP.HCM tối 23-4 - Ảnh: T.T.D.

Ngày 23-4, đâu đâu cũng nghe những lời hẹn hò rôm rả, với ngày giờ, địa chỉ cụ thể. Nhìn đường sá, hàng quán nơi nào cũng đông, tôi thầm mong đây chỉ là một cú xả hơi sau nhiều ngày dồn nén...

Dịch bệnh còn đó

Đã ba tháng kể từ ca Covid-19 đầu tiên, Việt Nam vẫn không có ca tử vong. Một tuần qua không có ca bệnh mới. 

Đây hẳn là thành quả to lớn được tạo nên từ chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của cơ quan nhà nước và một cộng đồng chấp hành kỷ luật cao. 

Việc học bị gián đoạn. Lợi ích kinh tế hầu hết các ngành nghề cùng sụt giảm, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài. Dù khó khăn, người Việt vừa tuân thủ việc kiểm soát dịch vừa nhường cơm sẻ áo cho nhau.

Chúng ta đã dốc sức chống dịch với nỗ lực không giới hạn. Thế nhưng, sự thật là virus corona chủng mới này biến ảo khôn lường, người đã chữa khỏi thì chưa chắc sẽ miễn nhiễm hoàn toàn và người trông khỏe mạnh, không triệu chứng chưa hẳn không chứa mầm bệnh.

Nghĩ về những điều đã qua trong ba tháng không phải để vui mừng quá mức. Bài toán được đặt ra cho những ngày trước mắt là làm sao kiểm soát được tình hình dịch bệnh cho đến khi vắcxin được phổ cập đại trà? 

Nếu dịch bệnh còn dài, đâu là giải pháp "trường kỳ kháng chiến" để chúng ta có thể yên tâm sống, làm việc, học tập?

Giữa đại dịch, nhiều quốc gia biến thành một "ốc đảo", nhiều địa phương phong thành, đóng cửa về lâu về dài đối với sự phát triển của một xã hội ở thế kỷ XXI là vô cùng to lớn. 

Làm sao để biến hi vọng về một đất nước "sạch bong" mầm dịch bệnh khi toàn bộ quả bệnh dịch toàn cầu đang còn đó? 

Giờ đến lúc mở cửa, tiếp tục giao thương trở lại, nguy cơ không vì thế tự giảm đi. Ngược lại, thực tế yêu cầu từng người tiếp tục phòng dịch với tâm thế mới, ý thức mới.

Dỡ bỏ cách ly: vui thôi, đừng vui quá! - Ảnh 2.

Một quán ăn trên đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM không nhận phục vụ quá 10 người cùng lúc (ảnh chụp chiều 23-4) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cùng giữ thành quả

Trong mấy tuần cách ly xã hội, hầu như ai cũng mang tâm lý "gắng đi, chịu thêm chút". Và nay, đây đó bắt đầu có biểu hiện "xõa" cho đỡ khát khao với nhịp sống vốn quen thuộc bao năm. 

Nhưng xin hãy vui thôi, đừng vui quá! Dịch vẫn chưa bị đẩy lùi. Chỉ cần một ca bệnh mới (hoặc có thể là ca tái nhiễm) cũng có thể có một ổ dịch lại bùng lên. 

Bài học lớn nhãn tiền một lần nữa lại đến từ Trung Quốc, khi thành phố Thiên Tân với 11 triệu dân trở thành ổ dịch mới chỉ sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cách ly.

Sự vui mừng, thả lỏng quá mức hiện tại của nhiều người chính là tâm lý chủ quan nghĩ mình khỏe, mình không đi đâu trong thời gian qua nên cứ thế thoải mái như trước thời Covid-19.

Thời gian qua, không ít bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam được cứu sống, không ít ca nguy kịch được điều trị và "vượt qua cửa tử". 

Thành quả đó rất đáng tự hào, nhưng cũng xin mọi người vì niềm tự hào ấy mà cùng gìn giữ nó. Đừng nghĩ mình khỏe thì được đi lung tung, đừng thấy xung quanh không có ca nhiễm thì thoải mái tụ tập.

Dỡ bỏ cách ly là điều vui. Nhưng vui mừng phải đúng mức vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn.

Tin những cảnh báo và cùng cảnh giác

Sau ngày 22-4, hết cách ly xã hội, các báo đồng loạt đăng tải hình ảnh người dân đổ ra đường gặp gỡ, ăn sáng, uống cà phê...

Ra đường, người xe đông đúc, hàng quán rộn rã nói cười. Nhìn những hình ảnh rất đời thường này, vui đó nhưng vẫn cảm nhận nỗi lo về dịch bệnh đang rình rập đâu đó.

Vui vì tuần qua, cả nước không có thêm ca nhiễm bệnh mới, chúng ta bắt đầu trở về cuộc sống thường nhật, đi làm, buôn bán...

Nhưng lo vì cái cảm giác "trong phúc có họa" vẫn ẩn giấu đâu đó. Nhiều người đổ ra đường không đeo khẩu trang, quán nhậu, quán cà phê đông đúc như chưa hề có dịch.

Nhìn ra thế giới số ca nhiễm vẫn liên tục tăng, trong khi vắcxin, thuốc đặc trị chưa có. Và thực tế chúng ta là một phần của thế giới, một phần của toàn cầu hóa.

Rõ ràng đây chưa phải là thời kỳ "hậu covid-19". Chuyển sang trạng thái "bình thường mới", chúng ta chấp nhận sống chung với dịch bệnh bằng sự tuân thủ, hợp tác, giữ lại những thói quen tốt như chúng ta từng làm trong thời gian qua.

Đó là việc rửa tay thường xuyên, là đi ra nơi công cộng phải đeo khẩu trang, là hết cách ly nhưng cần hạn chế tụ tập (đi ăn sáng, uống cà phê, gặp mặt...) ít nhất có thể.

"Bình thường mới" là chúng ta chấp nhận thực tế dịch bệnh còn đó và nguy cơ còn đó. Điều này là cảnh báo từ các nhà khoa học, báo chí, các tổ chức y tế.

Do vậy, điều chúng ta cần lúc này là tin vào những lời cảnh báo, để biết cảnh giác nhiều hơn chủ quan trong vui mừng.

Vẫn còn lâu để có một loại vắcxin mới ngừa Covid-19. Sự cẩn trọng cần xuất phát từ mỗi cá nhân, điều này không bao giờ thừa trong bối cảnh đang phòng dịch hiện tại.

KHÁNH HƯNG

Gỡ bỏ giãn cách, dịch COVID-19 có thể vào giai đoạn 3, TP.HCM sẽ làm gì? Gỡ bỏ giãn cách, dịch COVID-19 có thể vào giai đoạn 3, TP.HCM sẽ làm gì?

TTO - Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiềm ẩn. Thành công trước mắt là tín hiệu đáng mừng, nhưng cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn nhiều gian nan.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên