Phóng to |
Từ trái sang: Tống Duy Sơn, Tống Duy Trương (cha của Sơn) và Hồ Duy Hưng tại phiên tòa tháng 5-2009. Tống Duy Sơn bị tuyên án 1 năm tù. Ngày 19-4-2013, Sơn bị công an bắt quả tang phá xe và được… thả - Ảnh: Đức Minh |
“Đinh tặc” sau khi mãn hạn tù trở về “hành nghề” phá xe đó chính là Tống Duy Sơn - thợ sửa xe đã phá xe của hai người đi đường để “chặt chém” bị Công an phường Long Bình Tân bắt quả tang ngày 19-4.
Phá xe, bị bắt quả tang, và... được thả
Trưa 19-4, chị Hồ Thị Kim Trang (22 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) chạy xe trên quốc lộ 51 về TP.HCM thì bị chết máy, dắt xe vào tiệm của bà Mai Thị Thu (51 tuổi, quê Thanh Hóa). Thợ sửa xe Tống Duy Sơn (26 tuổi, quê Thanh Hóa) sau khi chọc ngoáy xe máy đã tráo cục IC hư rồi bắt chị Trang thay với giá 580.000 đồng.
Người thứ hai trở thành nạn nhân là anh Phạm Văn Ký (26 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), khi xe bị hư đèn xinhan đã vào đây. Sau vài phút phá xe, Sơn báo xe anh Ký bị bể hộp số và hư nhông sên, ra giá thay hộp số 480.000 đồng, thay nhông sên 280.000 đồng. Trong lúc anh Ký cự cãi thì Công an phường Long Bình Tân ập vào lập biên bản.
Tại cơ quan công an, Tống Duy Sơn thừa nhận việc chọc phá xe của khách để kiếm thêm tiền theo chỉ đạo của bà Mai Thị Thu. Sơn giao hết tiền cho bà Thu và được bà trả mỗi tháng 2 triệu đồng. Cũng tại cơ quan công an, bà Thu đã cung cấp giấy phép kinh doanh do Phòng tài chính - kế hoạch TP Biên Hòa cấp vào năm 2012. Tuy nhiên, Công an phường Long Bình Tân cho hay qua đánh giá mức độ thiệt hại của nạn nhân đã không đủ cơ sở để xử lý hình sự, vì vậy ra quyết định xử phạt hành chính bà Thu 1,5 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và lập hồ sơ xử lý về hành vi hủy hoại tài sản người khác, đưa bà Thu về địa phương để... giáo dục. Riêng Sơn chỉ bị xử lý hành chính vì... không đăng ký tạm trú trên địa bàn.
Điều đáng nói là vào tháng 5-2009, Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã mở phiên tòa lưu động tại trụ sở UBND xã An Hòa (nay thuộc TP Biên Hòa) tuyên án ba “đinh tặc” Hồ Duy Hưng, Tống Duy Trương, Tống Duy Sơn (cùng quê tỉnh Thanh Hóa) về tội cố ý hủy hoại tài sản công dân. Theo đó, tòa tuyên Hưng, Trương (cha của Sơn) mỗi người 2 năm tù giam. Riêng Sơn bị tuyên án 1 năm tù. Theo cáo trạng, cả ba “đinh tặc” này khi đó đã tổ chức rải đinh trên quốc lộ 51 (đoạn km 01 đến km 1,5) và lừa đảo trong quá trình sửa xe của khách để thu lợi bất chính thì bị công an bắt quả tang.
Thế nhưng Tống Duy Sơn sau khi thụ án tù đã trở về hành nghề tại tiệm sửa xe của bà Mai Thị Thu, lại làm “đinh tặc”, lại phá xe, lại bị bắt quả tang và lần này... được thả!
Phóng to |
Điểm vá xe “chặt chém” của bà Mai Thị Thu có hai “đinh tặc” bị bắt quả tang - Ảnh: Thế Thiên |
“Trăn trở nhưng vướng luật” (!)
Đại diện Công an phường Long Bình Tân giải thích: “Việc dân phản ảnh “đinh tặc”, chúng tôi đã cố gắng kiểm tra, giải quyết và đã làm mọi biện pháp để xử lý, lập hồ sơ các đối tượng tham gia rải đinh, phá xe. Nhưng khi bắt quả tang, xác định mức độ thiệt hại của nạn nhân thì chỉ ở mức xử lý hành chính. Đây cũng là cái khó của tổ chống “đinh tặc” ở phường. Riêng với điểm vá xe của bà Mai Thị Thu, công an sẽ kiến nghị rút giấy phép”. Theo công an phường, khi nhìn vào hàng chục ký đinh, vật nhọn thu nhặt được trên quốc lộ 51, công an và các lực lượng tham gia chống “đinh tặc” rất trăn trở về tính mạng của người đi đường, nhưng căn cứ theo quy định của pháp luật vẫn có chỗ vướng.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin ngày 20-4, hai trường hợp “đinh tặc” phá xe khác bị bắt quả tang ngày 19-4 đã được thả. Công an phường Long Bình Tân cho biết “đinh tặc” Đặng Văn Kỳ rải đinh, đón lõng sinh viên Nguyễn Thị Trinh để vá xe rồi chọc phá xe, yêu cầu chị Trinh thay bạc đạn với giá tổng cộng 350.000 đồng. Ông Kỳ (36 tuổi, quê Thanh Hóa) bị bắt với đầy đủ đồ nghề, có chị Trinh chứng kiến nhưng với mức thiệt hại này, công an cho hay không đủ khung để xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản, chỉ ra quyết định xử phạt hành chính ông Kỳ 1,5 triệu đồng về hành vi hủy hoại tài sản người khác và thông báo cho địa phương theo dõi, giáo dục. Còn Nguyễn Đình Chiến (17 tuổi) bị lực lượng chống rải đinh của Công an phường Long Bình Tân bắt giữ khi mang theo một số ruột xe để “hành nghề” trên quốc lộ 1 (sau đó bàn giao cho Công an phường An Bình, TP Biên Hòa do bắt giữ ở địa bàn phường này) cũng đã được thả. Lý do thả cũng tương tự.
Điệp khúc “sẽ đề nghị, sẽ giải quyết”
Theo một công an xã ở vùng giáp ranh trên quốc lộ 51, tại xã An Hòa: “Những vụ việc như vậy nếu lập chuyên án làm đến nơi đến chốn sẽ bắt được băng nhóm “đinh tặc” để xử lý hình sự”. Vị này dẫn chứng trường hợp các “đinh tặc” mà Công an phường Long Bình Tân bắt quả tang, nếu công an TP, công an tỉnh đã xác lập chuyên án sẵn sàng thì manh mối để lần ra hang ổ của “đinh tặc” không phải là điều khó. Cũng theo công an viên này, điểm sửa xe của bà Mai Thị Thu đã tồn tại khoảng 10 năm qua trên quốc lộ 51, cách đây khoảng ba năm một số người dân ở xã An Hòa từng kéo đến tiệm này đòi đập phá tiệm khi xe Attila bị xẹp lốp lại đổi cục IC.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ vì sao chính quyền chưa giải quyết triệt để tình trạng “đinh tặc” đang xảy ra tại khu vực TP Biên Hòa, ông Hồ Văn Lộc - chánh văn phòng UBND TP Biên Hòa - nói: “TP Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo phải xử lý triệt để các điểm vá xe, bắt cam kết. Đồng thời lực lượng công an cùng tham gia theo dõi, truy bắt đinh tặc”. Theo ông Lộc, do quốc lộ 51 giáp ranh với nhiều địa phương, nhiều phường xã nên việc chống “đinh tặc” của lực lượng công an ở cơ sở không thể giải quyết ngày một, ngày hai. Các vụ việc “đinh tặc” tái diễn gần đây TP chưa được nghe báo cáo đầy đủ. “Đầu tuần tới TP sẽ nghe các cơ quan chức năng báo cáo đầy đủ về tình hình “đinh tặc” xảy ra trở lại ở địa bàn. Khi đó chúng tôi sẽ đề nghị công an lập chuyên án, làm đến nơi đến chốn” - ông Lộc nói.
Luật sư Vũ Thái Hà (Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình): Có thể truy tố trách nhiệm hình sự Người thực hiện hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ (sau đây gọi là người vi phạm), tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự theo hai tội danh: - Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 Bộ luật hình sự): nếu hành vi rải đinh làm hủy hoại hoặc hư hỏng tài sản của người tham gia giao thông có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu người vi phạm thực hiện hành vi có tổ chức, tái phạm nguy hiểm hoặc gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Nếu hành vi rải đinh gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm. Nếu hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. - Tội cản trở giao thông đường bộ (điều 203 Bộ luật hình sự): nếu hành vi rải đinh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu rải đinh tại các đoạn đường đèo, dốc, đoạn đường nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 2-7 năm. Nếu người vi phạm gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận