23/12/2021 09:37 GMT+7

Đình Pháp nuôi ước mơ làm bác sĩ

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Dù con đường đến trường lắm gập ghềnh, trắc trở nhưng Trần Đoàn Đình Pháp (18 tuổi, tân sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng) vẫn quyết không lùi bước.

Đình Pháp nuôi ước mơ làm bác sĩ - Ảnh 1.

Pháp phụ bán nước mía và tranh thủ học online - Ảnh: Đ.NHẠN

Quê Pháp ở một xã nghèo của huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nơi người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với nghề trồng lúa. Nhà có ba anh em, Pháp là con cả. Đến năm 2012, biến cố xảy đến khi ba Pháp không may qua đời. Trong khi đang gặt lúa trên đồng, ba em mất vì bị sét đánh trúng.

Vừa đi học, vừa phụ mẹ đồng áng

Cuộc sống thiếu trụ cột, ba anh em còn quá nhỏ, cộng thêm bà nội già yếu nên một tay mẹ Pháp bươn chải gồng gánh gia đình. Bà của Pháp đã lớn tuổi, lại bị bệnh tim nặng nên cứ phải nhập viện triền miên.

Những ngày sau khi ba mất, ngoài giờ học, Pháp lại theo mẹ phụ việc đồng áng. Hàng xóm của Pháp kể cứ rạng sáng hai mẹ con đã dắt trâu ra đồng cày ruộng. Đến khi mặt trời lên là em lại lật đật về thay đồ để đi học. Nhiều lúc đến lớp, Pháp lại bị bạn cười vì chân còn dính bùn. Cứ mùa gặt là từ sáng sớm đến tối mịt hai mẹ con lấm lem trên đồng, gặt nhà mình xong lại nhận gặt thuê cho nhà khác.

Năm học xong lớp 9, Pháp từng nghĩ đến việc nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi hai em và lo cho bà đau ốm. Nhưng may mắn khi em biết tin có một trung tâm ở Đà Nẵng nhận lo cho học sinh nghèo học giỏi ăn học ba năm.

Rồi Pháp nộp đơn đăng ký ra Đà Nẵng học. Mỗi lần nghỉ hè, em lại xin về quê phụ mẹ gặt lúa, thăm mẹ và hai em rồi lại trở ra. Những năm cấp III, cậu trò nghèo vẫn giữ được kết quả học sinh giỏi. Chăm chỉ, chịu khó và luôn nuôi ước mơ sẽ trở thành một bác sĩ trong tương lai.

Cuối tháng 9 vừa qua, mẹ Pháp - bà Nhung - vui mừng khi nghe tin con trai trúng tuyển Đại học Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng. Nhưng niềm vui phút chốc bị nỗi lo chen lấn.

Công việc của bà không ổn định, chi phí sinh hoạt hằng ngày chỉ dựa vào những luống rau lang mà số tiền cho con học đại học lại quá lớn. "Mấy đêm nớ tui mất ngủ. Nghĩ đến công việc hiện tại của tui chẳng có đồng dư rồi tui nghĩ đến số tiền đóng học phí nghe đâu mỗi năm hơn 15 triệu đồng, rồi chi phí cho con ăn ở" - bà Nhung tâm sự.

Đường gập ghềnh mấy cũng không bỏ cuộc

Đã nhiều ngày qua, từ khi nhận được tin đậu đại học, việc đầu tiên Pháp làm là xin một người bà con ở Đà Nẵng vào phụ việc ở cửa hàng điện nước. Công việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi tối muộn. Nhờ chủ cửa hàng là người bà con nên những buổi có tiết học online, em lại được nghỉ làm để học, có khi vừa bán hàng vừa học. Ngoài bán đồ điện nước, em "kiêm" luôn việc bán nước giải khát, nước mía sát vỉa hè bên hông cửa hàng. Thù lao của Pháp là được ăn, ở miễn phí.

Chỗ ở của em là căn gác lửng trong một phòng trọ sau hè. Căn phòng vừa là nhà kho cũng là nhà bếp của gia đình người bà con. Trong căn phòng trải vừa chiếc nệm để ngủ, Pháp kê chiếc bàn nhựa làm bàn học ngay bên cạnh. Hành trang em mang theo là mấy bộ quần áo, tập hồ sơ nhập trường cùng những tấm giấy khen từ các cuộc thi học sinh giỏi.

Pháp chia sẻ trở thành bác sĩ là ước mơ từ nhỏ của em. Cuộc sống từ nhỏ đã khó khăn và chứng kiến người thân của mình bệnh tật nên em chỉ mong sau này trở thành bác sĩ để giúp đỡ những người đau ốm. Em cũng mong muốn có thu nhập ổn định lo cho mẹ và hai em.

"Mỗi khi nghĩ về hoàn cảnh mình khó khăn hơn các bạn, em lại nhớ lời mẹ từng nói với em, giờ cuộc sống vậy rồi mình phải vươn lên cố gắng thôi. Mình phải nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần. Chỉ có học tập thật tốt mình mới có thể thoát cảnh nghèo khó, dù đường học gập ghềnh mấy em cũng đi" - Pháp nói.

"Tiếp sức đến trường" cho 29 tân sinh viên TP Đà Nẵng

Hôm nay (23-12), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức lễ tuyên dương và trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 29 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ.

Kinh phí đợt trao học bổng này hơn 300 triệu đồng, do CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ. Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng. Công ty Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên. Quỹ khuyến học Vincam (Công ty CP Vincam) tài trợ 1 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Vào đại học bằng gói xôi chia đôi Vào đại học bằng gói xôi chia đôi

TTO - "Dù biết Lành nghị lực, nhưng trong hoàn cảnh mẹ mất, bố ốm đau liên miên thì tôi lo cho em ấy quá...", dòng tin nhắn của một cô giáo dạy văn ở tỉnh Tây Ninh gửi lúc 22h đêm khiến chúng tôi trăn trở.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên