26/09/2018 14:33 GMT+7

Dinh I và những thông tin sai lệch

MAI VINH - THANH ÁI
MAI VINH - THANH ÁI

TTO - Nhiều thông tin lịch sử quan trọng dùng thuyết minh cho du khách về Dinh I được xác định là sai sự thật, đến gần đây mới được gỡ bỏ.

Dinh I và những thông tin sai lệch - Ảnh 1.

Biệt thự trung tâm của khu Dinh I, đây là nơi làm việc của Văn Võ phòng quốc trưởng Bảo Đại. Bên trong biệt thự này, chủ đầu tư đặt tên một phòng là “Phòng nghỉ bà Từ Cung”, trong khi thực tế không có căn phòng này - Ảnh: M.VINH

Dinh I (đường Trần Quang Diệu, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là một trong ba dinh thự có kiến trúc độc đáo gắn với lịch sử hình thành và những thay đổi trong gần 125 năm qua của Đà Lạt.

Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của người Pháp tại Đà Lạt và gắn liền với thời gian ngắn ngủi Bảo Đại làm quốc trưởng.

Từ Domain Bourgerie đến Dinh I

Năm 2014, Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt tiếp nhận Dinh I với hiện trạng xuống cấp nặng nề. Đơn vị này đã trùng tu, chỉnh trang để kinh doanh tham quan và nghỉ dưỡng. 

Bên trong Dinh I (còn có tên là King Palace, theo cách gọi của Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt) có nhiều bảng thuyết minh và trên trang web chính thức của Dinh I (dinhbaodai.com) do Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thực hiện có ghi mốc thời gian xây dựng dinh là "năm 1929". 

Đồng thời xác định "nơi đây từng là tổng hành dinh và làm việc của Bảo Đại trong thời gian ông làm quốc trưởng (1949-1955)". 

Hai thông tin này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định là sai. Ông Xuân cho rằng có lẽ công ty đã nhầm lẫn khi xác định mốc thời gian hình thành các dinh thự lớn tại Đà Lạt. 

Trong bộ ba dinh thự, Dinh II (Dinh Toàn quyền) được xây dựng sớm nhất, khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1937. Tiếp theo là Dinh III (Dinh Bảo Đại), có tên ban đầu Palais Impérial, xây năm 1934, hoàn thành năm 1938. 

Công trình này dùng làm nơi ở và tiếp khách của Bảo Đại khi làm vua, về sau là quốc trưởng.

Ông Nguyễn Đắc Xuân đưa ra những tư liệu về Đà Lạt ông đã sử dụng cho các tác phẩm của mình trước đây và xác định Dinh I được xây dựng vào năm 1940 bởi một triệu phú, viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery. 

Công trình nằm trong rừng thông rộng 40-50ha ở độ cao 1.550m (so với mực nước biển), ở phía đông Đà Lạt. Quần thể công trình này gồm một dinh thự lớn và hai biệt thự nhỏ hơn, tên ban đầu của khu dinh thự lớn này là Domain Bourgerie. 

Năm 1949, Bảo Đại được Pháp đưa về Việt Nam. Ngày 1-7-1949, Bảo Đại được Pháp cho lập chính phủ và làm quốc trưởng "Quốc gia Việt Nam". 

Khoảng cuối năm 1951, "Quốc trưởng Bảo Đại" đã mua lại Domain Bourgerie để dành cho các cơ quan phục vụ "quốc trưởng" mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú). 

Từ đó, Domain Bourgerie đổi thành Văn Võ phòng quốc trưởng. Về sau, khu dinh thự được chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm nơi nghỉ mát. Sau năm 1975, khu Văn Võ phòng quốc trưởng (Domain Bourgerie) được gọi là Dinh I.

Bà Từ Cung, hoàng hậu Nam Phương có ở trong Dinh I?

Dinh I hiện nay, sau khi được khai thác du lịch, hai căn biệt thự vốn không có tên được đặt "Biệt thự Nam Phương" và "Biệt thự Bảo Đại". Ngoài ra, trong khu dinh thự chính có diện tích lớn nhất, một căn phòng được gắn bảng thuyết minh "Phòng nghỉ bà Từ Cung".

Dựa vào các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) cũng như những tư liệu do chính mình sưu tầm, nhà văn Trần Trọng Văn (nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng) khẳng định những thuyết minh ấy sai. 

Ông Trần Trọng Văn cho rằng cái sai này khiến du khách nhầm lẫn về những mốc thời gian có liên quan đến các nhân vật Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu và thái hậu Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại). 

Ông Nguyễn Đắc Xuân cũng khẳng định sự xuất hiện của "Biệt thự Nam Phương" và "Phòng nghỉ bà Từ Cung" trong Dinh I là không chính xác.

Về "Biệt thự Bảo Đại" nằm bên trong khu Dinh I, ông Trần Trọng Văn dẫn các ghi chép và phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hòa (lúc ông còn sống). 

Ông Hòa được xem là "lão bộc qua các triều đại", theo hầu vua Bảo Đại từ năm 13 tuổi và được tin cẩn giao quản lý toàn bộ gia sản của gia đình tại Đà Lạt. 

Theo ông Hòa, vua Bảo Đại chỉ đến Dinh I làm việc và cũng ở đấy rất ít. Ông thường đi săn bắn để nói chuyện công việc và nghỉ ngơi tại Dinh III. 

Ông Văn khẳng định "Biệt thự Bảo Đại" và "Biệt thự Nam Phương" bên trong Dinh I thực chất là hai khu nhà ở của những người giúp việc cho nhà triệu phú, viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery - người chủ ban đầu của khu dinh thự rộng lớn. 

Về sau, đó là nơi làm việc của những viên chức Văn Võ phòng quốc trưởng. Chức năng của cả khu dinh thự thời cựu hoàng Bảo Đại làm chủ là nơi làm việc, không có chức năng ở hay nghỉ dưỡng.

Nhận sai và điều chỉnh

mv_dinh 1_002 3(read-only)

Bảng thuyết minh “Biệt thự Bảo Đại” đã được chủ đầu tư Dinh I tháo xuống - Ảnh: M.VINH

Ông Trần Quốc Hùng, đại diện Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt, thừa nhận về những nội dung không đúng, một số chi tiết sai lệch.

Ngay sau khi trao đổi với Tuổi Trẻ, công ty này đã tháo gỡ các nội dung được xác định sai trước khi điều chỉnh theo các cứ liệu sử học từ tư vấn của chuyên gia.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, công ty đã không đăng ký với cơ quan chức năng khi bổ sung thông tin.

"Dinh I không phải là di tích, nhưng sai nội dung thuyết minh là sai sót nghiêm trọng. Sở sẽ làm việc với Dinh I để điều chỉnh nội dung, tránh để du khách tiếp nhận thông tin lịch sử sai" - bà Nguyên nói và cho biết các nội dung thuyết minh tại các khu du lịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đà Lạt: tôn tạo dinh Bảo Đại thành khu chơi bài điện tử Đà Lạt: tôn tạo dinh Bảo Đại thành khu chơi bài điện tử

TT (Lâm Đồng) - Một khu chơi bài điện tử đầu tiên ở VN dành cho người nước ngoài vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho Công ty KGIM của Hàn Quốc đầu tư xây dựng tại khu dinh 1 Bảo đại, TP Đà Lạt.

MAI VINH - THANH ÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên