19/10/2017 18:47 GMT+7

Dinh dưỡng mẹ cải thiện tầm vóc con

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ phải được ăn uống đầy đủ trước và trong khi có thai để có một lượng các chất dinh dưỡng dự trữ và tạo điều kiện cho bào thai phát triển.

Dinh dưỡng mẹ cải thiện tầm vóc con - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy những bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng kém, thấp bé thường có nguy cơ sinh ra những đứa trẻ nhẹ cân, thấp còi. Những trẻ này khi nhỏ tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn trẻ bình thường và khi lớn lên sẽ dễ bị thừa cân, béo phì và dễ có nguy cơ sinh con có cân nặng thấp.

Do đó, để cải thiện vòng xoáy suy dinh dưỡng này thì trước, trong và sau khi sinh phụ nữ phải được ăn uống đầy đủ. Bào thai trong bụng mẹ và trẻ sau khi sinh phải được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Người phụ nữ có thai phải được ăn thêm để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cả mẹ và con.

Phụ nữ mang thai không được ăn đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân, vừa khó nuôi lại vừa dễ bị đau ốm. Trong cả thời kỳ mang thai, người phụ nữ phải tăng trung bình được 10-12kg. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan thuận chiều giữa mức tăng cân của người mẹ với cân nặng trẻ sơ sinh. Đối vối phụ nữ trong thời kỳ có thai, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là thời kỳ thai 3 tháng cuối.

Theo mức nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về năng lượng hàng ngày cho phụ nữ như sau:

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho phụ nữ tuổi sinh đẻ là 2200Kcal/ngày.

Phụ nữ có thai 3 tháng cuối: để đáp ứng nhu cầu cần thêm 450 Kcal tương đương với thêm 1 bát cơm đầy và thức ăn kèm theo mỗi ngày. Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau có màu xanh đậm. Các loại đậu, đỗ là những thức ăn giá rẻ hơn thịt, có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Chất đạm động vật đáng chú ý là từ các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc... và có điều kiện nên có thêm thịt, trứng, sữa...

Vai trò của các vi chất dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng đối với sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa các khoáng chất sắt, axit folic, canxi, vitamin D của người mẹ với cân nặng, chiều dài và sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.

Nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai tăng cao, đặc biệt là ở nửa sau thai kỳ. Nhu cầu sắt khuyến nghị cho phụ nữ có thai là khoảng 60 mg/ngày. Để đáp ứng nhu cầu này, khẩu phần ăn của bà mẹ phải chú trọng tới các thực phẩm giàu sắt và phải uống thêm viên sắt hàng ngày.

Sắt trong thực phẩm ở 2 loại, dạng sắt heme hoặc không heme. Dạng heme có trong thức ăn nguồn gốc động vật, trừ trứng (như phoscidin) và sữa (như lactoferrin). Sắt heme có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi hấp thu sắt không heme phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt.

Vitamin C (Acid ascorbic), protid động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt không heme. Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như Phytate ở trong gạo và các loại ngũ cốc. Chất ức chế khác là Tanin trong một số loại rau, trà và cà phê. Vì vậy, hàm lượng sắt của thực phẩm không nhất thiết phản ánh sự đầy đủ sắt trong chế độ ăn. Nhu cầu sắt phụ thuộc vào lượng sắt có thể hấp thu được trong khẩu phần.

Cùng với sắt, acid folic hay còn gọi là Folat (dạng có trong các thực phẩm) cũng rất quan trọng đối với phụ nữ có thai. Folat là thuật ngữ khoa học dùng chỉ một  loại vitamin thuộc nhóm B, còn được gọi là vitamin B9. Biểu hiện lâm sàng của thiếu folat gồm mệt mỏi, khó tập trung, cáu gắt, đau đầu, hồi hộp và thở ngắn, thở gấp... Thiếu folat giai đoạn sớm sau thụ thai có thể gây ra các khuyết tật ống thần kinh ngay từ thời kỳ bào thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng liều bổ sung folat khi mang thai (khoảng 400-600 mcg/ngày) có thể ngăn ngừa được các khuyết tật này.

Gần đây, nhiều nghiên cứu chú ý tới vai trò của canxi và vitamin D đối với sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Một số nghiên cứu cho thấy thiếu canxi có liên quan đến tiền sản giật và hiện tượng tăng huyết áp trong thai kỳ.

Ngoài ra, hiện tượng thiếu canxi, vitamin D kéo dài suốt thai kỳ làm giảm chất lượng khung xương của mẹ, gây nên các hiện tượng đau, nhức các khớp xương, giảm mật độ xương, xốp xương.

Bên cạnh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ, thiếu hụt canxi và vitamin D còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ngay từ trong bào thai. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy ở những bà mẹ có khẩu phần canxi dưới 600 mg/ngày và hàm lượng vitamin D < 50nmol/l thì chiều dài và cân nặng con thấp hơn so với con của các bà mẹ có khẩu phần canxi tốt hơn.

Theo khuyến nghị hiện nay của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu canxi trong thai kỳ là 1200 mg/ngày. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy khẩu phần canxi của phụ nữ tuổi sinh đẻ hiện nay còn rất nghèo nàn, khoảng 500 mg/ngày. Để đáp ứng đủ khẩu phần canxi theo như khuyến nghị, bà mẹ cần phải tăng cường sử dụng các thực phẩm nguồn gốc động vật giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa. Sử dụng kết hợp với các thực phẩm giàu canxi nguồn gốc thực vật như đậu nành, vừng, các loại rau như rau muống, rau đay, rau giền, mùng tơi…

Bên cạnh đó bà mẹ nên tránh thói quen che kín cơ thể khi ra ngoài, nên để một phần cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa từ tiền vitamin D thành vitamin D dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.

Như vậy dinh dưỡng tốt trong thai kỳ không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ ngay từ khi còn trong bào thai cũng như quá trình nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ sau này.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên