Phóng to |
Ông Châu Hoàn Tâm - Ảnh: Viễn Sự |
Chiều 23-5, sau ba ngày xảy ra tai nạn chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký làm 16 người thiệt mạng, ông Châu Hoàn Tâm - chủ doanh nghiệp Dìn Ký Cầu Ngang - đã chính thức lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân. Ông Tâm nói:
- Chúng tôi sẽ hỗ trợ và phối hợp tối đa với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan chức năng có hướng xử lý như thế nào chúng tôi sẽ chấp hành theo quy định của pháp luật.
Còn về quan hệ dân sự, thật lòng chúng tôi rất đau với nỗi đau của bà con gặp nạn, chúng tôi làm hết sức mình để bù đắp cho họ. Ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ mỗi nạn nhân, Dìn Ký đã chi 500 triệu đồng lo mai táng chín nạn nhân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, 180 triệu đồng cho ba nạn nhân ở Bình Dương và 32.000 USD để đưa thi hài bốn nạn nhân người Trung Quốc về nước.
Con tàu này được mua bảo hiểm với mức 30 triệu đồng/người của Petrolimex, tổng số hành khách được mua bảo hiểm là 72 người. Các khoản bồi hoàn khác, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ sau khi làm việc với gia đình và cơ quan chức năng. Chúng tôi biết sinh mạng con người dù có chi ra bao nhiêu cũng khó bù đắp nổi, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và rất mong thân nhân người gặp nạn thứ lỗi.
* Con tàu này đã hết hạn đăng kiểm ba tháng, vì sao Dìn Ký Cầu Ngang không đăng kiểm lại?
- Con tàu làm nhà hàng nổi này chúng tôi đóng mới hoàn toàn ngay tại khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang và đưa vào sử dụng hồi tháng 2-2008, máy móc thiết bị còn rất tốt, áo phao đầy đủ, hằng năm đều đăng kiểm đàng hoàng. Tôi đã có quyết định giao việc và ủy quyền toàn bộ cho anh tổng quản lý nhà hàng, nhưng anh này quên không đi đăng kiểm khi đến hạn.
* Có nhiều ý kiến cho rằng khi gió to lại đóng bít cửa, điều này góp phần làm tàu lật rất nhanh?
- Việc đóng cửa khi trời mưa to để không ảnh hưởng đến tiệc của khách là việc bất cứ nhà hàng nào cũng sẽ làm. Chúng tôi không hề nhận được khuyến cáo hay quy định nào buộc phải mở cửa ra khi có mưa to gió lớn của cơ quan đăng kiểm. Nếu có khuyến cáo hay quy định này thì chắc chắn chúng tôi đã tuân theo. Các nhân viên trên tàu chỉ mong muốn đóng cửa để mưa khỏi tạt làm ướt khách, họ chỉ muốn tốt cho khách chứ không biết rằng làm như vậy sẽ gặp nguy hiểm.
“Bình Dương xem đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý. Tỉnh sẽ tập trung xử lý vụ tai nạn, đồng thời xem xét quy định trong phân công trách nhiệm của từng ngành liên quan để tránh trường hợp khi có chuyện thì đùn đẩy trách nhiệm”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam |
- Việc này thì sai 100% rồi, nếu có tôi ở đó hoặc tổng quản lý ở đó thì chắc chắn không có chuyện này. Người giao tàu cho anh Đức lái là Lê Văn Quang, quản lý tàu, hiện công an tạm giữ anh Quang. Thông thường, chúng tôi có hai tài công có bằng lái, thay phiên nhau làm theo ca.
Nhưng trước đó một tài công bị tai nạn phải nghỉ, đến chiều 20-5 tài công còn lại vừa hết ca. Lẽ ra anh Quang phải cho tàu ngưng hoạt động nhưng lại giao cho anh Đức lái. Là chủ doanh nghiệp nhưng tôi cũng chưa gặp mặt anh Đức này lần nào. Sau khi sự việc xảy ra, tôi nghe nói anh Đức không có bằng lái tàu và rất thích lái nên đã xung phong lái. Nếu được báo cáo, tôi sẽ ngăn cấm việc này rồi. Thực tế khi trời nổi dông, anh Đức đã cố gắng điều khiển tàu về rất gần đến bến đậu, chỉ cần trời nổi dông chậm vài phút thì sự cố không xảy ra.
* Nhiều người bức xúc vì sao các nhân viên của Dìn Ký thoát nạn hoàn toàn, không cứu hành khách khi bị nạn?
- Trên tàu lúc đó có sáu nhân viên phục vụ làm việc ở hai tầng khác nhau. Ở tầng dưới tổ chức sinh nhật có kê hai dãy bàn dài, khi tàu nghiêng sang bên trái thì bàn ghế, vật dụng đổ dồn về phía này, làm mất thăng bằng và đè lên những người ngồi bên trái, làm họ không thoát ra được. Những người ngồi phía đối diện thoát được ra ngoài đã được tàu cứu hộ chúng tôi kịp vớt lên. Vả lại tàu chìm rất nhanh, trời lại tối đen nên họ chỉ kịp thoát thân ra khỏi tàu chứ không kịp cứu người. Anh Đức lái tàu thoát ra và cứu được một nhân viên nữ duy nhất của chúng tôi khi cô này đang đứng gần buồng lái.
* Thưa ông, nếu ông quản lý sâu sát hơn thì chắc chắn đã không xảy ra việc chậm đăng kiểm tàu và giao tàu cho một người không có bằng lái vận hành?
- Đây là việc ngoài ý muốn, chúng tôi đã có quyết định phân cấp quản lý bằng văn bản rất rõ ràng cho tổng quản lý và các quản lý bộ phận. Những sai sót trên là do các cá nhân được giao quyền chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi không né tránh, sẽ phối hợp tối đa với cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm.
Đình chỉ hoạt động bến du thuyền khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Sau vụ tai nạn này, tỉnh Bình Dương xem đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý. Tỉnh sẽ tập trung xử lý vụ tai nạn, đồng thời xem xét quy định trong phân công trách nhiệm của từng ngành liên quan để tránh trường hợp khi có chuyện thì đùn đẩy trách nhiệm”.
Cũng theo ông Nam, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ hoạt động bến du thuyền khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương), đồng thời buộc ngừng mọi hoạt động phục vụ du khách tại nhà hàng - khách sạn Dìn Ký trên bờ sông Sài Gòn cũng như khu vực nhà hàng nổi đang lấn ra bờ sông.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết trong ngày các bộ phận nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã vào cuộc, phối hợp cùng Công an Bình Dương điều tra vụ án.
Đại tang ở núi Đòn Gánh
Phóng to |
Em Trần Đình Quang trong nỗi đau mất cả bố, mẹ và em gái - Ảnh: V.Định |
Đêm 22-5, đoàn xe tang chở bảy trong số chín người của gia đình ông Trần Trọng Chỉnh bị nạn trong vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký về Hà Tĩnh (con gái ông Chỉnh là Trần Thị Thùy Trang và cháu Trương Trần Đức Anh được đưa về chôn ở Quảng Bình - quê chồng chị Trang). Nghĩa trang nằm bên ngọn núi Đòn Gánh (xã Kỳ Giang, Kỳ Anh) khói hương nghi ngút, người người vật vã ôm nhau khóc thảm.
Đúng 22g, bốn chiếc ôtô màu trắng chở bảy quan tài xuất hiện. Hàng chục người quấn khăn trắng trên đầu vật vã ôm lấy quan tài. Có người đã lịm ngất trong đêm.
Nghĩa trang núi Đòn Gánh có một đêm buồn thấu trời. Những ngọn nến leo lét đỏ giữa màn đêm rộng lớn, những bó hương thắp lên rồi lại tàn. Và những tiếng chồng khóc vợ, con khóc mẹ, cháu khóc bà... não lòng vang cả núi đồi. 23g30, bảy chiếc quan tài lần lượt được đặt vào lòng đất. Có người đứng lặng im, có người gục ngã xuống...
Trong vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký không ai mất mát lớn như ông Trần Trọng Chỉnh (ở xóm Tân Phan, xã Kỳ Giang). Khi nhận tin báo, ông Chỉnh đâu ngờ mình có đến chín người thân chết trên con tàu định mệnh.
Sáng 23-5, sau khi an táng những người đã khuất, ông nằm bất động trên giường, hai khóe mắt thâm quầng vì khóc thương vợ, thương con, thương cháu. Một số người hàng xóm cho biết ông Chỉnh năm nay ngoài 70 tuổi, không còn nước mắt để khóc cho vợ Đào Thị Luận, con trai Trần Đình Đồng, con dâu Nguyễn Thị Thưởng, hai con gái Trần Thị Tương và Trần Thị Thùy Trang cùng bốn đứa cháu nhỏ Trần Thị Phương Linh, Quách Thị Lan Anh, Quách Hồng Đạt, Trương Trần Đức Anh. “Từ khi con trai điện về báo tin mẹ, em, cháu chết hết thì ông Chỉnh đổ sụp xuống, không còn gì để mất nữa” - một người hàng xóm nói.
Cũng đau đớn như ông Chỉnh, em Trần Đình Quang (13 tuổi) khóc nức nở trước cái chết của bố Trần Đình Đồng, mẹ Nguyễn Thị Thưởng và em gái Trần Thị Phương Linh. Mới sáng 20-5 em còn nghe bố, mẹ điện thoại bảo tuần sau sẽ về, tối bỗng nghe tin dữ. “Con sống với ai đây?” - em Quang khóc gào rồi ngất trên tay người thân.
Chật vật trục vớt tàu Dìn Ký
Rạng sáng 23-5, thi thể nạn nhân cuối cùng của vụ tai nạn là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi) đã được tìm thấy. Chị Phạm Thị Hiền, mẹ cháu Khánh, gục xuống sàn nhà hàng nổi Dìn Ký khi hay tin này.
Thi thể cháu Khánh kẹt trong buồng máy
Sáng 23-5, anh Nguyễn Văn Lê, người trực tiếp tìm thấy thi thể cháu Khánh, kể: “Tối hôm qua tôi thức trắng đêm để trục vớt tàu, nhưng trong thâm tâm luôn chủ ý tìm kiếm thi thể cháu Khánh”. Anh Lê kể tiếp: “Đêm khuya, như có ai thôi thúc, tự nhiên một mình tôi nhảy xuống sông, lặn sâu xuống đáy tàu tìm kiếm cháu. Đến hơn 4g sáng tôi lặn vào khoang máy. Lúc này nước xâm xấp tầng 1 của tàu, tôi phát hiện cháu Khánh nằm kẹt trong đó nên đã gọi mọi người xuống hỗ trợ đưa thi thể cháu lên”. Đến 5g sáng cùng ngày, thi thể cháu Khánh đã được đưa về bến của khu du lịch Dìn Ký. Ngay sau đó, thi thể cháu Khánh được đưa về nhà xác Bệnh viện Đa khoa thị xã Thuận An để tẩn liệm.
Bên thi thể con, chị Hiền khóc than thảm thiết. Chị cố vung tay như đòi con lại: “Con ơi về với mẹ đi, mẹ đưa con đi học...”. Bé Thảo, em gái Khánh, cũng khóc ray rứt, chốc chốc choàng tay vào quan tài người anh xấu số.
Đáy tàu thủng lớn
Cùng ngày, đội cứu hộ cứu nạn tiếp tục trục vớt tàu. Do nước thủy triều lên nên chiếc tàu bị ngập hơn 0,5m so với hôm trước, phần đáy tàu bị hư hỏng khá nặng. Lúc này, đội cứu hộ đã quyết định kéo tàu vào một eo sông cách đó khoảng 100m. Khoảng 10 thợ lặn đã cật lực để gắn phao kích tàu lên khỏi mặt nước.
Đến 9g sáng, thủy triều lên nhanh, làm ba gốc cây neo tàu đều bị nghiêng ngả, đội trục vớt phải tăng cường thêm bốn sợi dây thừng loại lớn buộc vào bốn gốc cây khác. Anh Nguyễn Văn Sỹ, nhân viên cứu hộ, cho biết: “Nước triều đang lên mạnh nên không thể tiếp cận với khoang tàu bị chìm. Công đoạn hiện nay là sẽ di chuyển con tàu qua vị trí khác rồi mới tính chuyện đưa tàu lên bờ”.
Theo ban chỉ đạo trục vớt tàu Dìn Ký, đội trục vớt tàu đã sử dụng bốn chiếc phao loại 2 tấn, một phao 5 tấn và một chiếc tàu kéo loại 10 tấn để kéo kích hoạt chiếc tàu khỏi mặt nước. Trong điều kiện thuận lợi, dự kiến hôm nay (24-5) mới có thể đưa được tàu lên bờ. Nhân viên cứu hộ Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Quá trình lặn khảo sát, chúng tôi đã phát hiện một lỗ thủng lớn dưới đáy tàu có bề ngang hơn 10cm và chiều dài cả 7-8m. Đây chính là nguyên nhân khiến khoang máy của tàu vẫn đang bị chìm”.
Công tác quản lý quá buông lỏng
Ông Lê Quang Thuần - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch tỉnh Bình Dương - cho biết: “Có rất nhiều ngành quản lý khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang. Sở không cấp phép mà chỉ quản lý về mặt lưu trú, kinh doanh ăn uống”. Ông Thuần giải thích: Luật du lịch chỉ quy định khách sạn nổi cố định hoặc không cố định chứ không có khái niệm nhà hàng nổi. Vì vậy, sở không thể kiểm tra khi nhà hàng nổi đưa khách đi trên sông giống như trường hợp nhà hàng du thuyền Dìn Ký bị chìm. “Khi nhà hàng nổi làm du thuyền đưa khách trên sông thì việc kiểm tra cấp phép liên quan đến các ngành khác như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thủy, cục đường sông, đăng kiểm” - ông Thuần nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), sáng nay (24-5) đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải bắt đầu kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về an toàn tàu thủy chở khách tại TP.HCM và Bình Dương. Ông Đỗ Trung Học - trưởng phòng đường sông Cục Đăng kiểm VN - cho biết qua kiểm tra sẽ đưa ra những quy chuẩn bắt buộc tàu thủy chở khách phải thực hiện. Hiện nay tàu thủy chở khách và chở hàng có quy trình kiểm định tương đương nhau nhưng đối với tàu chở khách cần phải được kiểm soát chặt, có chế tài hành chính nhằm tránh những tai nạn thương tâm. Trong khi đó, theo ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở cũng tổ chức rà soát kiểm tra các hoạt động tàu khách nhà hàng, tàu khách du lịch và tàu cánh ngầm. Hiện nay ở TP.HCM có bảy tàu nhà hàng hoạt động trên sông Sài Gòn và hàng trăm tàu chở khách du lịch trên sông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận