21/03/2019 15:29 GMT+7

Điều tra vụ một phó chủ tịch xã phá rừng để trồng keo

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Thiếu đất sản xuất, phó chủ tịch xã Châu Phong đã phát trắng đất rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu (Nghệ An) để trồng cây keo lai.

Điều tra vụ một phó chủ tịch xã phá rừng để trồng keo - Ảnh 1.

Rừng khoanh nuôi, tái sinh ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị chặt phá năm 2017 - Ảnh: HẢI PHONG

Chiều 21-3, ông Ngô Đức Thuận - chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An - cho biết công an huyện này đã tiếp nhận hồ sơ từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu để điều tra, làm rõ việc người dân phát rừng để trồng keo, trong đó có ông Vi Văn Thanh - phó chủ tịch UBND xã Châu Phong.

Trước đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện hơn 3,7ha rừng tại tiểu khu 196, thuộc đất rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu bị chặt phá, đốt cháy.

Cơ quan chức năng xác định hai người có hành vi phá rừng này là ông Vi Văn Thanh - phó chủ tịch UBND xã Châu Phong, và ông Lê Văn Nhị, người dân trong xã. Theo biên bản, ông Thanh chặt phá gần 2,5ha với tre nứa là hơn 11.200 cây và hơn 31,6m³ gỗ; ông Nhị phá 1,25ha với tre nứa là 5.600 cây, gỗ gần 18m³.

Loại rừng mà hai người đã phá được kiểm tra xác định là rừng sản xuất, trạng thái rừng hỗn giao HG2 (rừng hỗn giao tre, nứa, gỗ tự nhiên núi đất). 

Tiếp đó, cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu đã phát hiện thêm có 6 trường hợp hộ dân lấn chiếm gần 6ha đất rừng thuộc loại đất rừng sản xuất, có trạng thái phần lớn là đất trống. Những khu vực đất rừng này đều thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu.

Ông Trần Ngọc Kiên - trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu - cho biết bước đầu ông Thanh và những hộ dân này khai nhận do thiếu đất sản xuất nên đã phá diện tích rừng trên để trồng cây keo lai.

Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, rừng giao cho dân là để quản lý, bảo vệ, không được khai thác, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, nghĩa là đã có trữ lượng gỗ. Sau này đến thời kỳ tận dụng khai thác phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền, hơn nữa phải thiết kế và được phê duyệt mới khai thác.

Vào năm 2017, huyện Quỳ Hợp cũng kỷ luật 10 cán bộ xã Nam Sơn do phát rừng để trồng keo ở khu vực rừng được Nhà nước giao quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo nghị định 163 của Chính phủ.

Yêu cầu kiểm điểm vì để dân làm đầm tôm phá rừng phòng hộ Yêu cầu kiểm điểm vì để dân làm đầm tôm phá rừng phòng hộ

TTO - UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND xã Nghi Thiết họp kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ người dân đào đầm nuôi tôm xâm lấn đến đất rừng phòng hộ.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên