26/01/2018 05:39 GMT+7

Điều ít biết khi đặt cọc mua xe hơi nhưng không được nhận xe

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Người mua xe hơi đặt cọc 100 triệu đồng mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch thì được trả lại số tiền tương đương 200 triệu đồng. Đấy là điều ít người biết.

Điều ít biết khi đặt cọc mua xe hơi nhưng không được nhận xe - Ảnh 1.

Mua ô tô dịp Tết, khách hàng cần lưu ý tiền đặt cọc và điều khoản thay đổi về giá của đại lý - Ảnh: QUẾ AN

Ngày 25-1, Bộ Công thương cho biết thời gian qua đã nhận nhiều phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng phải mua xe hơi với giá cao hơn giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc, hoặc là đại lý không có xe giao dù đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng.

Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng đang có nhu cầu mua xe hơi trong dịp Tết, Bộ Công thương khuyến cáo khi mua xe, khách hàng cần lưu ý về vấn đề đặt cọc và điều khoản thay đổi giá trong hợp đồng của đại lý.

Khi xe chưa có sẵn các đại lý bán xe sẽ yêu cầu người tiêu dùng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký và các đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015: "Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Như vậy, trong quá trình đặt cọc và ký hợp đồng đặt cọc, người tiêu dùng nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên.

Trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà người tiêu dùng đã đặt cọc. 

Nghĩa là nếu người mua xe đặt cọc 100 triệu đồng mà không có xe giao thì thì đại lý phải trả lại 200 triệu đồng.

Một điều lưu ý nữa là có tình trạng mua xe giá cao hơn so với hợp đồng đã ký khi đặt cọc. 

Thông thường, trong trường hợp này, người mua làm theo hướng dẫn của đại lý như viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. 

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng điều đó là người tiêu dùng đã chấp nhận cho các đại lý xâm hại quyền lợi chính đáng của mình.

Bộ Công thương khuyến cáo trước khi ký hợp đồng với đại lý, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người mua có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.

Thực tế hiện nay nhiều hãng xe nhập khẩu không thể đưa xe về Việt Nam trong dịp Tết do vướng phải Nghị định 116/2017 quy định về các điều kiện nhập khẩu xe hơi.

Đại diện hãng Ford Việt Nam cho biết, nhiều dòng xe nhập khẩu của hãng không thể về Việt Nam trong thời gian tới nên đã yêu cầu các đại lý không được ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng một số mẫu xe. 

Theo vị này, chưa biết đến cụ thể khi nào mới được nhập xe về vì chưa đáp ứng được thủ tục. Thậm chí dự kiến đến quý 3-2018 cũng chưa chắc xe nhập của hãng có thể đưa về Việt Nam được.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ có 80 chiếc được nhập về Việt Nam trong đó chỉ có 6 chiếc xe hơi dưới 9 chỗ trong nữa tháng đầu năm 2018.

Nếu so với nửa tháng trước từ ngày 16 đến ngày 31-12-2017 lượng xe nhập về Việt Nam cao gấp 1.000 lần.

Cụ thể, 15 ngày cuối tháng 12.2017, cả nước nhập 6.599 xe hơi nguyên chiếc các loại, trong đó riêng xe dưới 9 chỗ ngồi là 2.866 chiếc.

Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, nửa tháng đầu năm 2017 cả nước nhập 4.926 xe hơi nguyên chiếc các loại, trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi là 3.704 chiếc.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên