Trước đó vào tháng 12-2024, tại diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam (do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức) đã công bố Phú Yên là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) tại Việt Nam.
Điều này không chỉ nhờ những cải tiến trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng của Phú Yên, mà còn vì nơi đây có những nét riêng "níu chân" các đoàn làm phim.
Phú Yên vẫn còn nét hoang sơ, ít bị đô thị hóa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, trong năm 2024, tỉnh đã đón 6 đoàn làm phim trong và ngoài nước từ phim Ngày xưa có một chuyện tình, Kính vạn hoa, Thanh âm vượt đại dương, Cải Mả, phim tài liệu đến phim Tình yêu ở Việt Nam của đoàn làm phim Ấn Độ.
Đặc biệt sau bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình, những cảnh đẹp tại Phú Yên một lần nữa "thôi miên" du khách, nhiều người đã tìm đến địa phương để check-in các bối cảnh trong phim.
Bạn Lê Như Lụa (25 tuổi, du khách TP.HCM) cho hay: "Tôi rất thích phong cảnh Phú Yên, nhất là sau khi xem Ngày xưa có một chuyện tình. Ấn tượng nhất là cảnh những làng quê với đồng lúa trải dài".
Tại buổi ra mắt phim Ngày xưa có một chuyện tình ở Phú Yên, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ đã khảo sát rất nhiều nơi nhưng dừng lại ở Phú Yên vì có những ngôi nhà, làng quê với mái ngói đỏ, nước sơn nguyên vẹn… và nếp sống người dân phù hợp với bối cảnh những năm 1990, 2000.
"Phú Yên nên phát huy, bảo tồn lợi thế phim trường tự nhiên từ cảnh quan đến văn hóa, con người. Đó mới là thứ làm nên sự riêng biệt thu hút các nhà làm phim", đạo diễn Lê Minh nói.
Tiếp tục phát triển bộ chỉ số PAI
Ông Trần Thanh Hưng - chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Phú Yên (thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam) - lý giải sau thành công quảng bá du lịch địa phương từ bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, cuối năm 2023, ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy - đã kết nối với Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đưa sự kiện điện ảnh về tỉnh tổ chức.
Tại đây, nhiều đạo diễn đã được giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, cam kết của tỉnh hỗ trợ cho các đoàn làm phim, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác.
"Đặc biệt con người Phú Yên rất thân thiện, nhiệt tình, để lại nhiều cảm xúc cho các đoàn làm phim. Họ sẵn sàng tham gia các vai quần chúng mà không quan tâm đến cát sê, họ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ điều gì, thậm chí dọn nhà đi chỗ khác, nhường nhà đang ở cho đoàn phim làm bối cảnh", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Phú Yên cần thực hiện tốt hơn nữa các cam kết trong bộ chỉ số PAI, từ thủ tục giấy phép, phương tiện vận chuyển, truyền thông, nhân lực có hiểu biết về điện ảnh, thậm chí là cả tài lực. Trong bối cảnh mạng xã hội chi phối đến khán giả tới rạp, nhiều nhà sản xuất phim rất lo ngại về thu hồi vốn, lợi nhuận, thì những hỗ trợ này rất quan trọng.
"Lâu nay, các đoàn làm phim chủ yếu khai thác cảnh quan vùng ven biển và đồng bằng. Tuy nhiên miền Tây Phú Yên, vùng bán sơn địa và miền núi giáp với Tây Nguyên… rất tiềm năng, tôi tin các đạo diễn sẽ khai thác nhiều cảnh quan, giá trị văn hóa của các sắc tộc bản địa ở đây…
Đặc biệt Phú Yên cũng đang trong quá trình xây dựng hồ sơ để được công nhận Công viên địa chất quốc gia, hướng đến Công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận. Với danh hiệu này, các nhà làm phim nước ngoài sẽ quan tâm đến Phú Yên nhiều hơn như họ đã từng quan tâm đến cao nguyên đá Đồng Văn, hang động ở Quảng Bình, vịnh Hạ Long…", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Lê Vũ - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên - thông tin trong những năm qua, sở, địa phương luôn hỗ trợ các đoàn phim từ khảo sát, tư vấn bối cảnh, đến việc cho mượn các đạo cụ… song song hỗ trợ giá thuê các khách sạn, chi phí đi lại.
Trong năm nay, Phú Yên dự kiến tổ chức hội thảo điện ảnh đặc biệt đề ra những cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ chi phí cho các đoàn làm phim, thu hút họ đến với địa phương để quảng bá du lịch tỉnh nhà đến công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận