31/05/2013 10:03 GMT+7

Điêu đứng vì khô hạn, nhiễm mặn sớm

TẤN VŨ - HỮU KHÁ
TẤN VŨ - HỮU KHÁ

TT - Nguy cơ một vụ mùa trắng tay đang rình rập nông dân miền Trung do đồng ruộng bị khô hạn và các dòng sông nhiễm mặn sớm.

LoGMtmeU.jpgPhóng to
Trạm bơm Tứ Câu (Quảng Nam) ngừng hoạt động làm kênh dẫn nước cạn trơ đáy - Ảnh: Tấn Vũ

Dù đã đến vụ đổ ải (đổ nước cho mềm đất rồi gieo lúa) nhưng hàng ngàn hecta ruộng lúa của nông dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn trơ ra vì thiếu nước. Hàng loạt trạm bơm đứng máy vì nước nhiễm mặn.

Vỡ kế hoạch gieo sạ

Thủy điện xả nước vẫn không đủ “giải khát”

Từ ngày 15-5 đến nay, hai nhà máy thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 xả nước gấp đôi lưu lượng yêu cầu trong nhiều ngày liên tục, kết hợp với trời mưa nhưng vẫn không đủ “giải khát” cho hạ du tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong cơn hạn nặng. Tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, do độ mặn trên sông Cầu Đỏ từ ngày 15-5 đến nay vẫn khá lớn, từ 500-1.200mg/lít, nên Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vẫn phải bơm nước từ thượng lưu đập dâng An Trạch về để sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân TP. Theo Dawaco, tính từ đầu năm 2013 đến nay có 115 ngày nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn gần như liên tục.

HẢI THƯ

Trên những cánh đồng như Khái Tây (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam)... hàng ngàn nông dân ngồi chờ nước với nỗi lo kế hoạch gieo sạ bị đổ vỡ. Sáng 30-5, ngồi trên cánh đồng Khái Tây đang “chết khát”, nông dân Lê Văn Long buồn bã nói: “Theo lịch thời vụ như mọi năm thì thời điểm này chúng tôi đã gieo sạ được nửa tháng. Vậy mà năm nay mặn “ăn” quá sâu vào sông nên các trạm bơm không thể bơm nước lên đồng.

Đất đã cày xong, lúa, phân đã chuẩn bị sẵn nhưng nông dân mỏi mòn ngồi chờ nước. Bây giờ chỉ trông chờ vào việc ngăn sông chặn mặn nhưng không biết bao giờ mới xong, nước mới về đồng”.

Theo ông Long, nếu như mọi năm ao hồ trong các khu dân cư có nước, nông dân tranh thủ thuê máy bơm ra đồng để gieo sạ khi nước sông nhiễm mặn. Còn năm nay nước trong ao hồ cũng đã “vét” sạch để tưới cho vụ đông xuân nên giờ không còn giọt nào.

Trạm bơm Tứ Câu (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn), nơi tưới tiêu cho hơn 230ha lúa của nông dân xã Điện Ngọc và hàng chục hecta ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã dừng hoạt động nhiều ngày nay. Hàng loạt kênh mương nội đồng từ nhà máy nối với các cánh đồng đều trơ đáy.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, phụ trách trạm bơm Tứ Câu, cho biết chưa bao giờ mặn xâm nhập sớm như hiện nay. Những năm trước các cánh đồng ở Điện Ngọc giờ này lúa đã lên xanh. Nhưng năm nay cánh đồng mênh mông chỉ là những luống cày khô khốc. Có những thửa ruộng người dân chưa cày ải, nứt nẻ trên những đám rạ cháy. “Mặn nhiễm sớm quá. Nồng độ mặn từ đầu tháng đến nay trung bình 3-4‰ nên không thể nào bơm đổ ải được” - ông Hồng nói.

Trạm bơm Cẩm Sa thuộc xã Điện Nam Bắc (Điện Bàn) cũng trong tình cảnh tương tự. Tình trạng mặn xâm nhập sớm khiến 86ha ruộng của người dân nơi này không thể đổ ải. Nếu như các dòng sông bị nước mặn tấn công thì ngược lại ở các huyện vùng cao Quảng Nam nước thiếu vì các ao hồ cạn kiệt. Ông Đinh Thương, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, cho biết đến nay toàn huyện có 1.600ha lúa gieo sạ, còn hơn 800ha đất ruộng bị thiếu nước do các hồ chứa bị cạn.

Ngăn sông đẩy mặn

Theo lịch trình gieo sạ của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, từ 15 đến 31-5 tất cả cánh đồng bắt đầu đổ ải. Tuy nhiên, những ngày qua hàng trăm hecta ruộng lúa vẫn nằm trơ dưới nắng chờ nước về. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết chính quyền đang tích cực đôn đốc đơn vị thi công đắp đê ngăn sông Vĩnh Điện để chống mặn. Ứng phó với tình hình nhiễm mặn ở hạ du sông Thu Bồn, chính quyền tỉnh chi 2 tỉ đồng để ngăn sông nhập mặn. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành sau một tháng thi công, tuy nhiên đến nay mặn đã xâm nhập sớm khiến tiến độ công trình không kịp như mong đợi.

Ông Nguyễn Đình Hải - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam - cho biết hơn 10 ngày qua mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ vượt mức cho phép rất nhiều lần khiến tình hình trở nên căng thẳng. Ông Hải nói: “Theo kế hoạch thì đến ngày 31-5 phải tổ chức gieo sạ xong 230ha đất canh tác lúa ở nhiều nơi trên địa bàn xã Điện Ngọc. Tuy nhiên, do mặn thường xuyên xâm nhập, giờ này vẫn chưa có 1ha đất nào được xuống giống vì không có nước để đổ ải. Tình hình bây giờ căng lắm. Nếu mặn vẫn giữ ở nồng độ cao thì hàng loạt diện tích đất sản xuất lúa của nông dân Điện Ngọc phải bỏ hoang trong vụ hè thu 2013 này”.

Quảng Ngãi: 1.500ha đất bị ảnh hưởng

Ngày 30-5, trong thời điểm gieo sạ vụ lúa hè thu nhưng nhiều nông dân Quảng Ngãi phải tập trung chống xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Mậu Văn - phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi - cho biết theo thống kê của sở, thời điểm này toàn tỉnh còn khoảng 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa bị xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Đức Phổ.

Để ngăn mặn, địa phương và người dân ở những nơi có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng đã huy động đắp đập bồi chống nước mặn xâm nhập. Ông Nguyễn Mậu Văn nói hiện sở đang đánh giá lại mức độ xâm nhập mặn và đề nghị trung ương hỗ trợ 50 tỉ đồng để chống hạn và xâm nhập mặn vụ hè thu này. UBND tỉnh cũng đang trình Bộ NN&PTNT phê duyệt tuyến đê biển chiều dài 87km, với nhu cầu vốn khoảng 7.800 tỉ đồng để căn cơ ngăn chặn được tình trạng xâm nhập mặn.

VÕ MINH

TẤN VŨ - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên