14/10/2018 18:54 GMT+7

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 7: Tên lửa hạt nhân ngay cửa ngõ nước Mỹ

YÊN BA
YÊN BA

TTO - Từ ngày 14 đến 20-5-1962, nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev thực hiện chuyến thăm chính thức Bulgaria, một đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu. Cùng đi với N.Khrushchev có Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Rodion Malinovsky.

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 7: Tên lửa hạt nhân ngay cửa ngõ nước Mỹ - Ảnh 1.

Máy bay do thám U-2 của Mỹ dùng do thám Cuba

Trong một buổi đi dạo bên bờ biển Đen, nguyên soái R.Malinovsky chỉ tay sang bờ bên kia, phía Thổ Nhĩ Kỳ, và nói: "Chỉ trong vài phút là những tên lửa hạt nhân của Mỹ bố trí tại các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắn tới Matxcơva, Kiev hay Minsk và phá hủy các thành phố của chúng ta".

N.Khrushchev ngay lập tức đặt câu hỏi: "Vậy tại sao chúng ta không làm điều tương tự, bố trí tên lửa hạt nhân ở ngay sát nách của Mỹ là Cuba?".

Ngày 20-5-1962, N.Khrushchev thông báo với Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko về ý định triển khai các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba, cách bờ biển nước Mỹ chỉ khoảng 90 dặm ở nơi gần nhất.

Việc triển khai tên lửa này nhằm hai mục đích: bảo vệ Cuba khỏi những cuộc xâm lược trong tương lai và thiết lập một sự cân bằng về sức mạnh để ngăn ngừa Mỹ mở rộng các hoạt động ở vùng Caribê.

Ngày 8-6-1962, sau khi một đoàn đại biểu Liên Xô đi thăm Cuba quay về Matxcơva, N.Khrushchev thông báo cho Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao biết về kế hoạch lắp đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba.

Liên Xô sẽ triển khai tổng cộng 40 tên lửa hạt nhân ở Cuba, gồm các loại tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 và R-14 và sẽ xúc tiến xây dựng một căn cứ tàu ngầm ở Cuba. Khoảng 50.000 quân nhân Xô viết sẽ trú đóng tại đó.

Chiến dịch này mang mật danh Anadyr, tên một con sông ở Siberia, được xếp vào dạng tuyệt mật.

Ngày 18-9-1962, tướng Matvei Zakharov, tổng tham mưu trưởng quân đội và đô đốc Vitaly Fokin, phó tư lệnh hải quân Xô viết, gửi một bức điện tối mật trực tiếp cho nhà lãnh đạo N.Khrushchev, thông báo về kế hoạch của hải quân đưa tàu sang Cuba.

Lực lượng này bao gồm một lữ đoàn tàu ngầm phóng lôi và một sư đoàn tàu ngầm có trang bị tên lửa, ban ngày sẽ lặn sâu và chỉ nổi lên vào ban đêm. Sau đó một tuần lễ, họ gửi tiếp bức điện thứ hai báo cáo 114 tàu đã tới Cuba và có kế hoạch gửi tiếp 35 chiếc khác.

Hai chỉ huy quân đội Xô viết cũng thông báo rằng hiện hải quân đã có kế hoạch trang bị cho bốn tàu ngầm phóng lôi các đầu đạn hạt nhân và ngày 7-10, tàu vận tải Aleksandrovsk, được một tàu ngầm hạt nhân dự án 627 hộ tống, cũng cập cảng Cuba.

Trước đó, ngày 29-8, Liên Xô thông báo số lượng tàu biển cập cảng Cuba trong năm 1962 đã nhiều gấp đôi năm 1961.

Ngày 1-9, một hiệp định cung cấp vũ khí và các trang thiết bị cho Cuba đã được ký kết. Khi được hỏi về những động thái này tại một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ J.Kennedy trả lời rằng "Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì cần thiết" để ngăn ngừa hành vi hiếu chiến của Cuba. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cho rằng: "Các bằng chứng về việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Cuba cho thấy không có dấu hiệu của hệ thống vũ khí tiến công".

Hầu hết các thành viên trong nội các của Tổng thống J.Kennedy đều nghĩ như thế, chỉ trừ một người, giám đốc CIA John McCone - người mới thay thế Allen Dulles.

Ngày 10-8-1962, John McCone gửi một giác thư cho tổng thống, nói rằng ông ta tin là những tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ được triển khai ở Cuba.

Sở dĩ John McCone đoan chắc điều này vì đã xem kỹ các bức ảnh do máy bay do thám U-2 của Mỹ vừa chụp được trên không phận Cuba và đem so sánh chúng với những tài liệu mật về hệ thống tên lửa tầm trung mà O.Penkovsky đã cung cấp.

Các bức ảnh cho thấy những hợp phần của bệ phóng tên lửa đất đối không.

McCone suy luận: "Đó là các tên lửa tiến công chiến lược của Liên Xô được lắp đặt tại Cuba".

Ngày 14-10, thiếu tá Richard Heyser thực hiện chuyến bay U-2, sử dụng hệ thống máy ảnh có độ phân giải cao chụp ảnh vùng lãnh thổ phía tây Cuba.

Trung tâm phân tích ảnh quốc gia của CIA xem xét kỹ những bức ảnh và bàng hoàng nhận ra hình dáng một quả tên lửa có chiều dài lớn hơn nhiều so với những tên lửa đất đối không thông thường, xuất hiện trên một bãi phóng tên lửa ở San Cristobal.

Trước đấy, chưa từng có bất kỳ hình ảnh tương tự nào được phát hiện trên lãnh thổ Cuba.

Đối chiếu với những bức không ảnh do thiếu tá R.Heyser chụp trên chuyến bay U-2 ngày 14-10, các chuyên viên phân tích của CIA khẳng định dứt khoát rằng tại Cuba, Liên Xô đã lắp đặt loại tên lửa đạn đạo SS-4.

Sáng 16-10-1962, những bức ảnh cùng kết luận chắc chắn của CIA về việc Liên Xô đã lắp đặt tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Cuba được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ J.Kennedy.

Ba ngày sau, 19-10-1962, CIA làm một bản phân tích kỹ càng về những dấu vết của tên lửa đạn đạo SS-4 do Liên Xô triển khai ở Cuba, dựa chủ yếu vào các tài liệu mật do O.Penkovsky cung cấp.

Các tài liệu này giúp CIA ước tính được thời gian cần thiết để có thể hoàn thành việc lắp đặt các tên lửa SS-4 trên đất Cuba. Những đánh giá này được gửi trực tiếp cho J.Kennedy, giúp tổng thống Mỹ có thời gian đưa ra các quyết định triển khai quân đội để đối phó với Liên Xô.

Những tài liệu mật do O.Penkovsky cung cấp có giá trị mang tính xoay chuyển tình hình và phần nào đó cả tiến trình lịch sử, bởi nó được sử dụng đúng lúc nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ phải đưa ra các quyết định mang tính trọng đại.

Vào 7 giờ tối 22-10-1962 theo giờ Washington, cách 8 múi giờ đang là buổi trưa theo giờ Matxcơva, Tổng thống J.Kennedy có bài phát biểu với nhân dân Mỹ về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Cũng trong buổi trưa tháng 10 lạnh lẽo ấy ở Matxcơva, O.Penkovsky vừa từ một tiệm ăn ra và gặp lại người bạn bên KGB Sergei Nasedkin...

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 7: Tên lửa hạt nhân ngay cửa ngõ nước Mỹ - Ảnh 2.

Không ảnh do U-2 chụp tháng 10-1962 cho thấy có bệ phóng tên lửa đạn đạo ở Cuba

Sách đen

CIA có một tập hồ sơ được gọi bằng tiếng lóng là "Sách đen", trong đó lưu trữ tất cả thông tin thu thập được về các hệ thống vũ khí của Liên Xô, kể cả những bức ảnh chụp xe tên lửa mà Liên Xô thường cho diễu hành trên quảng trường Đỏ vào Ngày quốc tế lao động hằng năm.

Trong cuộc gặp ở London trước đó vào năm 1961, O.Penkovsky đã giúp các điệp viên Anh - Mỹ nhận diện rất kỹ về các tên lửa đạn đạo này, trong đó có loại tên lửa R-12 mà NATO gọi là SS-4.

Các tài liệu mật do O.Penkovsky chụp ảnh bằng chiếc máy Minox và chuyển giao cho phương Tây cũng mô tả chính xác loại tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng này.

_______________________

Kỳ tới: Theo dõi và bắt giữ

Điệp viên - Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ 6: Những thông tin tối mật Điệp viên - Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ 6: Những thông tin tối mật

TTO - Kể từ khi vệ tinh Sputnik được phóng vào năm 1957, nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev liên tục nói về sự vượt trội tiềm lực tên lửa hạt nhân của họ so với phương Tây. Nhưng theo lời điệp viên O.Penkovsky thì thực tế không phải vậy.


YÊN BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên