13/10/2018 13:06 GMT+7

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 6: Những thông tin tối mật

YÊN BA
YÊN BA

TTO - Kể từ khi vệ tinh Sputnik được phóng vào năm 1957, nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev liên tục nói về sự vượt trội tiềm lực tên lửa hạt nhân của họ so với phương Tây. Nhưng theo lời điệp viên O.Penkovsky thì thực tế không phải vậy.

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 6: Những thông tin tối mật - Ảnh 1.

Mẫu tên lửa đạn đạo SS4 của Liên Xô mà O.Penkovsky trao cho phương Tây

Sau cuộc gặp đầu tiên, nhóm hỗn hợp tình báo Anh - Mỹ biết rằng họ đã vớ được một mỏ vàng. O.Penkovsky chắc chắn không phải là một kẻ khiêu khích do tình báo Liên Xô chủ động cài cắm mà là một điệp viên tình nguyện làm việc cho phương Tây.

Trước đấy, tình báo Anh - Mỹ chưa từng có được một điệp viên nào cỡ như O.Penkovsky. O.Penkovsky đã chứng tỏ cho thấy có khả năng tiếp cận những tài liệu tối mật mà ngay cả trong mơ, các điệp viên Anh - Mỹ cũng không tưởng tượng ra nổi.

Ấn tượng nhất mà O.Penkovsky gây ra cho các nhân viên tình báo Anh - Mỹ chính là tiết lộ về khả năng thực sự của tên lửa hạt nhân Liên Xô. Kể từ khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik vào năm 1957, nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev liên tục nói về sự vượt trội tiềm lực tên lửa hạt nhân của Liên Xô so với phương Tây.

Tháng 11-1959, N.Khrushchev tuyên bố rằng Liên bang Xô viết có "kho dự trữ tên lửa với các đầu đạn nguyên tử và hạt nhân đủ để nếu bị tấn công, có thể xóa sổ mọi kẻ thù khỏi bề mặt trái đất".

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 6: Những thông tin tối mật - Ảnh 2.

Điệp viên đại tá Oleg Penkovsky

N.Khrushchev từng tuyên bố một nhà máy của Liên Xô có thể chế tạo tới 250 tên lửa đạn đạo một năm. Nói chuyện với một nhóm phóng viên, N.Khrushchev mô tả "các tên lửa của chúng tôi được lắp ráp giống như những khoanh xúc xích được sản xuất trên dây chuyền tự động", rằng Liên Xô có số lượng vũ khí hạt nhân nhiều hơn, hiện đại hơn rất nhiều so với phương Tây.

Nhưng theo lời O.Penkovsky thì thực tế không phải như thế.

Chương trình làm việc tại Anh của đoàn đại biểu Ủy ban quốc gia về hợp tác nghiên cứu khoa học Liên Xô mà O.Penkovsky là một thành viên kéo dài từ ngày 20-4 đến 6-5-1961. Ngoài London, đoàn còn đi thăm các nhà máy ở các thành phố Leeds và Birmingham.

Tình báo Liên Xô nhân dịp này cài nhân viên của mình trong đoàn đại biểu với hi vọng tận dụng cơ hội để đánh cắp bí mật công nghệ ở các nhà máy của Anh. Nhiệm vụ cụ thể mà GRU giao cho O.Penkovsky trong chuyến đi này là thu thập thông tin về loại thép chịu được nhiệt độ cao có thể dùng trong chế tạo tên lửa.

Ban ngày, O.Penkovsky đi theo các hoạt động của đoàn, còn tối tối tách khỏi đoàn để gặp gỡ các điệp viên Anh - Mỹ. Khi đoàn rời London đi Leeds và Birmingham các điệp viên này cũng đi theo và thuê phòng cùng khách sạn với đoàn Liên Xô.

Theo giờ đã hẹn trước, O.Penkovsky xuống sảnh khách sạn, thấy G.Kisevalter từ xa. Hai người ra hiệu bằng mắt cho nhau và O.Penkovsky theo G.Kisevalter tới căn phòng nơi sẽ diễn ra các cuộc gặp gỡ.

Trong suốt chuyến đi này, O.Penkovsky đã có tổng cộng 17 cuộc gặp bí mật với các điệp viên Anh - Mỹ. Trong các cuộc gặp, O.Penkovsky đã cung cấp một lượng thông tin mật khổng lồ cho nhóm hỗn hợp.

Rất nhiều thông tin trong số đó được O.Penkovsky thu thập qua người cha đỡ đầu S.Varentsov, khi ấy đã lên đến chức vụ nguyên soái, vì thế có độ tin cậy đặc biệt.

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 6: Những thông tin tối mật - Ảnh 3.

Báo cáo của phó giám đốc CIA Richard Helms về tài liệu mật mà O.Penkovsky đã chuyển giao cho CIA

O.Penkovsky tiết lộ các vị trí thử tên lửa của Liên Xô. Ngoài các nhà khoa học Liên Xô, một số nhà khoa học Đức từng liên quan đến chương trình phát triển bom bay V-2 của phát xít Đức trước đấy cũng được phía Liên Xô trưng dụng cho chương trình phát triển tên lửa của mình.

Các nhà khoa học này cùng gia đình sống tập trung ở một thành phố nhỏ tên là Krasnogork, nằm ở ngoại vi phía tây bắc Moscow.

Về trình độ phát triển tên lửa đạn đạo của Liên Xô, theo O.Penkovsky, còn xa mới đạt tới được sự hoàn hảo như nhà lãnh đạo N.Khrushchev thường khoe khoang. Nhiều vụ thử tên lửa bị thất bại mà một trong số đó đã gây ra cái chết của nguyên soái pháo binh M.Nedelin vào ngày 24-10-1960.

Nhiên liệu mà phía Liên Xô sử dụng cho tên lửa đạn đạo mới chỉ ở dạng lỏng chứ chưa phải dạng rắn. Ngay cả tên lửa dùng để phóng vệ tinh Sputnik cũng là loại tên lửa hai tầng dùng nhiên liệu lỏng…

Những tiết lộ của O.Penkovsky về quá trình sử dụng nhiên liệu lỏng cho tên lửa của Liên Xô có một ý nghĩa tối quan trọng đối với các nhà khoa học của CIA. Nó cho phép họ đánh giá được chính xác thực trạng phát triển của hệ thống tên lửa chiến lược Xô viết, từ đó đưa ra những đối sách, khuyến nghị thích hợp cho các nhà hoạch định chính sách.

O.Penkovsky cho nhóm hỗn hợp biết địa chỉ sở chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô dưới quyền nguyên soái Kirill S.Moskalenko nằm ở thành phố nhỏ Perkhushkovo, cách Moscow khoảng 50 dặm.

Một thành phố khác cách Moscow khoảng 200 dặm về phía tây nam có tên Klintsy là nơi tập trung cất giữ các đầu đạn hạt nhân. Cơ sở tên lửa chính nhằm vào nước Anh nằm ở phía bắc Leningrad, tại thành phố có tên là Severomorsk trong vùng Murmansk. Tại đó Liên Xô bố trí một lữ đoàn tên lửa trang bị tên lửa đất đối không V-75 (SA-2).

O.Penkovsky cũng chỉ ra hàng loạt trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy tên lửa, những trung tâm chỉ huy, nhà máy sản xuất và kho tàng niêm cất các đầu đạn hạt nhân. O.Penkovsky nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Xô viết N.Khrushchev không từ bỏ ý định sử dụng "những trận mưa tên lửa để xóa sổ chủ nghĩa đế quốc".

Mặc dù vậy, N.Khrushchev chưa muốn phát động chiến tranh mà sẽ chỉ triển khai tên lửa ở nhiều nơi, trong đó có Cuba. Liên quan đến chuyện này, O.Penkovsky cho các nhân viên tình báo Anh - Mỹ biết về việc các tên lửa đất đối không SA-2s đang được gửi tới Cuba, tuy nhiên chưa có quyết định về việc triển khai tên lửa chiến lược tại đây.

Như vậy là 18 tháng trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, O.Penkovsky đã đưa ra những thông tin cảnh báo đầu tiên cho phương Tây về cuộc khủng hoảng.

Mối quan tâm hàng đầu của các điệp viên Anh - Mỹ là kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và các nước Đông Âu. O.Penkovsky cho biết Liên Xô đã triển khai các đơn vị tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ hầu hết các nước Đông Âu, ngoại trừ Albania.

Trong số các tên lửa được triển khai có R-11, mà phương Tây gọi là SS-1, loại tên lửa đạn đạo tầm trung rất uy lực. Riêng ở Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô có 4 lữ đoàn tên lửa đạn đạo, trong đó chỉ có hai lữ đoàn được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Hai đơn vị này được bố trí ở hai vị trí độc lập với nhau, người chỉ huy là thiếu tướng N.Zhdanov, chỉ huy trưởng binh chủng pháo binh. Toàn bộ các đơn vị tên lửa nằm trên lãnh thổ các nước Đông Âu nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Liên Xô.

Việc bảo vệ an ninh các kho vũ khí hạt nhân sẽ do các sư đoàn KGB đặc biệt đảm nhiệm.

_________

Kỳ tới: Tên lửa hạt nhân ngay cửa ngõ nước Mỹ

YÊN BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên