Hệ thống điện mặt trời vừa được gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thắm (Q.Tân Phú, TP.HCM) đầu tư lắp đặt trên sân thượng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trên địa bàn TP đã có 859 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời và phát hơn 1 triệu kWh điện lên hệ thống lưới điện.
Đỡ tốn tiền nhờ dùng điện mặt trời
Một tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thắm (Q.Tân Phú) sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như điều hòa, máy giặt, quạt máy... thoải mái hơn bởi gia đình này vừa đầu tư hệ thống điện mặt trời.
Cả thảy 8 tấm pin mặt trời với tổng diện tích 16m² chỉ chiếm 1/3 không gian sân thượng của nhà bà Thắm, nhưng các tấm pin này cung cấp cho gia đình 300 kWh điện/tháng.
"Nhà tôi có 7 người, hằng tháng chi trả cho ngành điện khoảng 1,5 triệu đồng. Nay nhờ lắp đặt hệ thống điện mặt trời chúng tôi tiết kiệm được nhiều hơn khi chỉ trả cho ngành điện tầm 500.000 - 700.000 đồng/tháng".
Cầm chiếc điện thoại thông minh theo dõi các chỉ số điện được ghi nhận tự động bằng phần mềm, bà Thắm cho biết mọi thông số về lượng điện sản xuất trong ngày, tháng và tổng lượng điện sản xuất của hệ thống đều được "báo cáo" mỗi ngày để gia đình kiểm soát lượng điện tiêu thụ.
Với mức đầu tư 50 triệu đồng cho hệ thống này, bà Thắm nhẩm tính trong vòng 6 năm sẽ thu hồi vốn trong khi thiết bị được bảo hành 12 năm và vòng đời lên đến 25 năm. Tuy nhiên, điều bà Thắm băn khoăn là hiện nay dù đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhiều ngày, nhưng ngành điện TP vẫn chưa có người đến lắp đồng hồ điện hai chiều cho nhà bà.
"Nhà tôi đang dùng đồng hồ cơ nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời được. Tuy nhiên, muốn đưa điện từ hệ thống này lên lưới điện TP để dùng dư thì bán cho ngành điện, nhà dân phải được lắp đồng hồ điện hai chiều" - bà Thắm nói.
Cũng theo bà Thắm, các gia đình đã lắp đồng hồ điện tử hiện nay không thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời, buộc phải thay đồng hồ điện hai chiều, nhưng việc này lại phụ thuộc vào ngành điện.
Ngoài ra, đến nay ngành điện vẫn chưa có thông báo về việc tính giá điện, tính thuế như thế nào khi người dân bán lại lượng điện dư thừa.
Hỗ trợ vay vốn lắp đặt điện mặt trời
Ông Nguyễn Đình Hiến (Q.Tân Bình) cũng tận dụng diện tích trên mái nhà để lắp đặt 12 tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy mới đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống này đã giúp gia đình tiết kiệm gần cả triệu đồng tiền điện/tháng. Ông Hiến cho biết sắp tới ông sẽ lắp thêm các tấm pin trên mái nhà do vẫn còn không gian khá rộng.
Thời điểm này, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ lắp đặt pin năng lượng mặt trời cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về bảo hiểm, vốn cho các hộ gia đình. Theo đại diện Công ty SolarBK, công ty này hợp tác với phía bảo hiểm BIC để khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời đến ngày 31-7-2019 sẽ được cung cấp gói bảo hiểm sản lượng điện.
Trong vòng 5 năm, khách hàng sẽ được bảo hiểm bằng 75% sản lượng dự kiến của hệ thống sản sinh. Ngoài ra, phía công ty còn hợp tác với Ngân hàng BIDV, khách hàng lắp đặt điện mặt trời sẽ được hỗ trợ thêm các gói vay ưu đãi từ 12-36 tháng với tỉ lệ duyệt vay lên đến 70%.
Theo nghiên cứu của SolarBK, do công nghệ phát triển nên trên cùng một diện tích đầu tư hệ thống điện mặt trời với công nghệ mới, hiệu suất của hệ thống đã tăng thêm 6,4% và sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Do đó, dù với diện tích nhỏ nhưng nhiều gia đình vẫn có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời.
Dân chờ lắp đồng hồ điện hai chiều
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, hiện nay có khoảng 10 nhà cung cấp uy tín, có năng lực để người dân có thể liên hệ lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ông Nguyễn Tấn Hưng, trưởng phòng quan hệ cộng đồng (Tổng công ty Điện lực TP), cho biết để khuyến khích khách hàng sử dụng điện mặt trời, phía công ty sẽ hỗ trợ khách hàng lắp đặt đồng hồ điện hai chiều miễn phí.
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều hộ gia đình đăng ký nên công ty chưa kịp lắp đặt cho toàn bộ các hộ gia đình trên địa bàn TP. Theo ông Hưng, khi có nhu cầu thay đổi sang đồng hồ hai chiều, khách hàng có thể liên hệ qua tổng đài chăm sóc khách hàng: 1900.54.54.54 hoặc truy cập trang web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP.
Sau khi tiến hành thử nghiệm điện, dòng điện ổn định đạt tiêu chuẩn đưa lên lưới, công ty sẽ thay thế đồng hồ hai chiều cho khách hàng. Theo ông Hưng, đã có 859 hộ lắp đặt, đăng ký bán lại điện với tổng công suất 9,53 MWp.
Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP, cho biết vướng mắc hiện nay trong việc phát triển điện mặt trời tại nhà dân là chưa thống nhất được việc thanh toán giữa bên mua và bên bán.
Hiện nay, số lượng điện các hộ dân đưa lên lưới đều được ghi nhận, giá điện cũng đã có nhưng thanh toán chưa được vì vướng thủ tục về thuế. Hiện ngành điện đang chờ hướng dẫn của Bộ Công thương, Bộ Tài chính về vấn đề này.
"Đưa điện mặt trời đến với người dân"
Sau loạt bài về phát triển năng lượng điện mặt trời trên báo Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc quan tâm đến việc đưa điện mặt trời đến nhà dân như thế nào, cách thức đầu tư, quy mô, lựa chọn sản phẩm và chi phí đầu tư, bảo trì ra sao.
Đặc biệt, nhiều bạn đọc thắc mắc về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thanh toán tiền điện giữa người dân và ngành điện khi lắp đặt điện mặt trời.
Để giải đáp tất cả những câu hỏi của bạn đọc, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty SolarBK tổ chức buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đưa điện mặt trời đến với người dân" từ 9h-11h ngày 27-12 trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn).
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, Công ty SolarBK và các kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận