30/12/2020 15:00 GMT+7

Điện mặt trời mái nhà chia sẻ áp lực với ngành điện

K.H
K.H

Theo các chuyên gia, tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc lên tới 48GW, trong đó, khu vực miền Nam là 22GW nhờ lợi thế về khí hậu, khi có trung bình 1.600 - 2.700 giờ nắng trong năm và bức xạ trung bình từ 4 - 5kWh/kWp mỗi ngày.

Điện mặt trời mái nhà chia sẻ áp lực với ngành điện - Ảnh 1.

Dự án Điện năng lượng mặt trời Duy Tân - Long An tại KCN Tân Đô do Công ty CP Năng lượng TTC cùng Công ty Nhựa Duy Tân đồng thực hiện, đã chia sẻ tối thiểu 12,955,790 kWh/ năm cho nguồn tài nguyên điện quốc gia. Ảnh: P.T

Cụ thể, công suất lắp điện mặt trời mái nhà tính đến tháng 10-2020 đã đạt 2.024 MWp, tăng gần 6 lần so với số thống kê tính đến hết năm 2019 (340 MWp). Trong đó, 20% đến từ công suất lắp đặt trong tháng 10 vừa qua là 481,7MWp với hơn 8.700 hệ thống được lắp đặt mới.

Các chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện đối với lưới điện quốc gia cùng với hiệu quả kinh tế đáng kể, thấy rõ nhất ở các nhà đầu tư là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.

"Trong quá trình sản xuất, việc duy trì hoạt động liên tục cho hệ thống máy móc là một trong những điều kiện tiên quyết giúp tối ưu năng lực sản xuất cũng như tăng tuổi thọ sử dụng của hệ thống, những yếu tố mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp. 

Tất nhiên, để đảm bảo được điều này, việc sử dụng một sản lượng điện đáng kể là điều không thể tránh khỏi", một chuyên gia cho biết.

Hiểu và để san sẻ gánh nặng với mạng lưới điện quốc gia, ngày nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đã quan tâm phát triển nguồn cung điện tự có cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó, điện năng lượng mặt trời mái nhà nhận được quan tâm hàng đầu.

Tiêu biểu có thể kể đến hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà De Heus (công suất 962,37 kWp). 

Đây là dự án tiên phong trong 10 dự án năng lượng tái tạo vừa được trao chứng nhận "Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020" tại khuôn khổ Diễn đàn "Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam" do VCCI tổ chức tháng 10 vừa qua.

Gần nhất, có thể kể đến các dự án vừa được Công ty CP Năng lượng TTC (TTC Energy) đồng loạt khánh thành và đưa vào vận hành. Có thể kể đến như dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà Duy Tân (Long An) mà đơn vị này hợp tác cùng Công ty Nhựa Duy Tân thực hiện, hay dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà Juki được đơn vị này đồng hợp tác với Công ty TNHH Juki (Việt Nam).

Theo đại diện TTC Energy, dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà Duy Tân với tổng công suất là 9,932 kWp, hứa hẹn sẽ chia sẻ tối thiểu gần 13 triệu kWh/ năm với nguồn tài nguyên điện quốc gia, đồng thời giảm phát thải gần 10 ngàn tấn CO2 mỗi năm. 

"Bên cạnh đó, với công suất 968 kWp, dự án Điện năng lượng mặt trời mái nhà Juki khi đi vào hoạt động sẻ đóng góp ít nhất là 1,27 triệu kWh/ năm cho mạng lưới điện quốc gia, tương đương 863 tấn CO2 mỗi năm", vị này nói.

Điện mặt trời mái nhà chia sẻ áp lực với ngành điện - Ảnh 2.

Tháng 12-2020, Công ty CP Năng lượng TTC chính thức bàn giao và đưa vào vận hành hệ thống Điện năng lượng mặt trời mái nhà Duy Tân - Long An. Ảnh: P.T

Năm 2020 được đánh giá là năm sôi động của thị trường Điện năng lượng mặt trời mái nhà tại Việt Nam, khi nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ lần lượt được ban hành, kích thích cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc đầu tư và vận hành hệ thống Điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, thời hạn để người dân lắp điện mặt trời hưởng giá bán ưu đãi 1.943 đồng/kWh chỉ kéo dài đến ngày 31-12 đã vô tình tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hiệu suất thấp "tung hoành".

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg chính là đòn bẩy cho việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nhưng yếu tố mang vai trò quyết định chính là lợi ích về kinh tế và môi trường mà loại hình điện năng lượng tái tạo này mang lại cho người sử dụng nói riêng và quốc gia nói chung.

Vì vậy, để sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, tránh mọi rủi ro trong quá trình lắp đặt và vận hành hệ thống, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác.

Với dòng đời hệ thống trung bình 25 năm, đối tác tư vấn, cung cấp thiết bị và thi công lắp đặt cần đảm bảo đủ kinh nghiệm vận hành và năng lực đồng hành trong suốt vòng đời hệ thống, uy tín được bảo chứng bằng số năm hoạt động trên thị trường.

Theo các chuyên gia, hiện có nhiều đối tác uy tín trong thị trường Điện năng lượng mặt trời mái nhà. Có thể kể đến như TTC Energy (thành viên của Tập đoàn TTC), một tập đoàn tư nhân đa ngành với hơn 41 năm hoạt động, đã nhận được nhiều sự tin tưởng từ khách hàng và thị trường.

K.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên