Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hậu quả của bệnh thành tích nguy hiểm với xã hội và đất nước là điều ai cũng thấy. Nhưng việc đổ lỗi cho ngành giáo dục, cho lãnh đạo ngành, cho thầy cô trực tiếp giảng dạy là chưa thỏa đáng.
Tôi còn nhớ năm học 2006 - 2007, lúc đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích". Kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm đi. Thậm chí có trường không có học sinh nào tốt nghiệp.
Rồi sau đó mọi việc đều trở lại như cũ. Hai, ba năm trở lại đây, tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiệm cận mức 100%. Đến nỗi nhiều người đã đề xuất bỏ kỳ thi này (nhưng không thể vì Luật giáo dục đã quy định). Số lượng học sinh giỏi ở mọi cấp học cao đến nỗi số học sinh khá, trung bình trở nên hàng hiếm.
Nguyên nhân gốc rễ chính là bệnh thành tích. Nhưng đó không chỉ xuất phát từ ngành giáo dục. Nếu dạy thật, học thật, thi cử thật, kết quả sẽ thấp hơn những con số đẹp kia. Và sẽ có những buổi họp dài để rút kinh nghiệm, sẽ có những chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền hoặc những cú điện thoại liên tục từ phụ huynh. Có ai chấp nhận thực tế đâu.
Khi giám đốc sở GD-ĐT bị phê bình, các trưởng phòng GD-ĐT sẽ bị phê bình tiếp theo, kế đó là các hiệu trưởng, rồi đến giáo viên. Phải làm sao cho con cháu chúng ta giỏi. Đúng thôi. Nhưng phải rất giỏi và giỏi rất nhanh.
Thế là giáo viên phải làm đẹp các con số để làm vừa lòng tất cả. Thầy cô nào làm khác sẽ trở nên lập dị, sẽ trở thành "khuyết tật" trong mắt đa số, kể cả học sinh.
Chắc chắn không thể trị được bệnh thành tích nếu chỉ xem đó là trách nhiệm duy nhất của ngành giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận