Học qua dự án luôn được học sinh hứng thú tham gia. Trong ảnh: trích đoạn Truyện Kiều "Cảnh ngày xuân" của học sinh lớp 9/3 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) trong buổi sinh hoạt chuyên đề môn văn với chủ đề sân khấu hóa tác phẩm văn học và tích hợp liên môn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật" kỳ này tiếp tục với câu chuyện học những gì thiết thực cho cuộc sống cũng như bỏ phương pháp dạy và học chỉ phục vụ cho các kỳ thi. Bài viết tham gia diễn đàn gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Muốn học thật phải học chất
Học phải chất là học những gì tinh túy, quý giá thiết thực cho cuộc sống, "học như bạn phải dùng nó đến suốt đời". Sức người có hạn, không thể ôm hết kiến thức của nhân loại. Muốn học thật phải học những gì vừa sức và yêu thích. Bộ GD-ĐT cần có một chương trình chuẩn làm pháp lệnh cho tất cả các cấp học.
Cái gì vượt sức cũng mệt mỏi, lâu dần thành chán, thành ghét. Huống hồ học sinh chúng ta luôn bị quá sức, quá tải suốt 12 năm liền làm sao có thể thích học và học thật được. Chương trình học ôm đồm, kiến thức quá cao. Học trò ban D, C thi xong đem sách vở của các môn toán, lý, hóa bỏ hết như giải tỏa được gánh nặng.
Nhiều hệ lụy từ học để thi
Giáo dục nên hướng đến mục đích của việc học là "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình" như UNESCO đề xướng. Giáo dục hiện có vẻ đang chỉ một mục tiêu học để thi. Sau buổi thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia, phao thi được vứt trắng xóa trong trường, cổng trường ở một số điểm thi.
Còn một trường ở TP.HCM thì học sinh xé đề cương ôn thi xả đầy sân ngay sau khi biết môn đó không thi tốt nghiệp. Đó là hệ lụy của lối dạy và học chỉ để thi, không thi thì vứt, còn thi thì dùng gian lận để có điểm. Không phải học để hiểu biết, tìm tòi khám phá, khẳng định.
Đến khi vào đại học vẫn tiếp nối kiểu học để thi ra trường. Có vẻ như kiến thức ở đại học thừa những cái râu ria mà thiếu những điều cốt lõi, không giúp ích được bao nhiêu cho thực nghiệp. Đã có công ty nước ngoài cần tuyển dụng 200 cử nhân. Có 2.000 người đến phỏng vấn nhưng chỉ lấy được 20 người vì đa số không đạt yêu cầu.
Bỏ kiểu thi khuyến khích học vẹt
Cách đây 25 năm giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phạm Việt Hưng đã có những bài báo phân tích lối dạy toán và học toán của thời đó là một sự nguy hại đánh mất tư duy của học sinh; biến học sinh thành những thợ giải toán chứ không phải học toán để có óc suy luận, phân tích. Nhưng sau 25 năm cách dạy ấy có vẻ như chưa thay đổi nhiều.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn viết về "cô tiên toán học" hay thế, đẹp thế. Nhưng thực tế chương trình toán và cách dạy toán hiện tại đã biến "cô tiên" ấy thành nỗi ám ảnh của rất nhiều học sinh. Có học sinh nói: "Em ra trường ba năm rồi đêm nằm ngủ mơ thấy mình đang học toán cấp III, sợ hết hồn. Giật mình tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa".
Chương trình học cao siêu quá học sinh học trên lớp không thể hiểu, và không đủ thời gian để hiểu. Phải đi đến các trung tâm và lò luyện thi thiêu đốt thời gian tuổi xuân quý giá của mình.
Bởi muốn đậu đại học phải luyện. Mà đâu chỉ riêng toán, tất cả các môn liên quan đến thi đại học đều phải bước vào lò luyện. Các môn xã hội thì thầy đọc - trò chép - học thuộc. Có không ít bài thủ khoa môn văn trong các kỳ thi khi được công bố trên báo chí mới té ngửa, y chang văn mẫu. Đó là kiểu dạy học thuộc lòng sao chép như con vẹt. Lối dạy chỉ cung cấp cho học sinh đáp án để làm bài, để học thuộc không thể đào tạo ra nhân tài.
Cội rễ của nhân tài là lòng đam mê
Những năm trước đây khi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) còn tổ chức cuộc thi hóa học Hoàng gia Úc tại Việt Nam, đề thi của nước bạn được rất nhiều giáo viên khen: "Hay quá. Những gì họ ra trong đề thi gắn với thực tế. Nếu Việt Nam mình dạy theo thế này học hóa sẽ dễ và học sinh sẽ thích". Và đã có rất nhiều học sinh ở nhiều nơi tự nguyện đăng ký dự thi vì cảm thấy thú vị với cách thi và đề thi. Người ta chỉ đam mê khi có hứng thú. Cội rễ của nhân tài là lòng đam mê.
Chương trình học, cách học, cách dạy, cách thi cử phải khơi lên được ngọn lửa đam mê ấy trong mỗi học sinh. Cần những người thầy truyền cảm hứng và học sinh phải có môi trường phát triển sở trường của bản thân, được tự do sáng tạo.
Khái niệm nhân tài nên hiểu không chỉ là học giỏi các môn học chính khóa. Nhân tài còn ở các lĩnh vực hoạt động xã hội, văn hóa, thể dục thể thao... Và tất nhiên muốn có nhân tài ngoài việc nhà trường đào tạo còn phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Gia đình cần có thái độ tích cực đúng mực.
Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật" đã nhận được bài viết tham gia của các tác giả: Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa); Chung Thanh Huy, Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Tú Nguyên, Trần Xuân Tiến, Đỗ Tuân Sắc, Tương Quan, Đỗ Ngô Trần (TP.HCM); Thu Hiền (Đà Nẵng); Thanh Nguyễn (Huế); Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận