* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật): Cần ban giám sát chất lượng bữa ăn bán trú
Câu chuyện nghi vấn cắt xén bữa ăn của học sinh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Lào Cai tiếp tục gióng lên hồi chuông về vấn đề đảm bảo chất lượng bữa ăn đầy đủ, dinh dưỡng của học sinh, nhất là với học sinh vùng sâu, vùng xa, khó khăn.
Các vấn đề liên quan đã và đang được các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm. Nhưng chắc chắn một điều, khi nhìn vào cảnh hơn chục cháu học sinh chia nhau hai gói mì tôm, chút thức ăn quá ít ỏi thì ai cũng bức xúc, xót xa.
Thực tế chất lượng bữa ăn của học sinh thời gian qua đã có nhiều vấn đề phải bàn và báo chí, dư luận cũng nói rất nhiều. Bữa ăn học đường liên quan đến việc phát triển thể chất, tinh thần, trí lực của trẻ. Chúng ta đã thực hiện bữa ăn chuẩn theo thực đơn dinh dưỡng được thông qua nhưng công việc này hiện nay vẫn thực hiện tùy thuộc vào các trường, từng ban giám hiệu.
Vì thế, để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh theo đúng độ tuổi, cấp học, đảm bảo thực hiện bữa ăn bán trú mà phụ huynh yên tâm, ngành giáo dục và chính quyền cần có ban giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, trong đó phải kiểm tra chuẩn dinh dưỡng theo định kỳ. Đồng thời, đảm bảo xem cơm, thức ăn các trường thực hiện có đầy đủ theo quy định, số tiền mà Nhà nước hỗ trợ các em học sinh vùng sâu, vùng xa có đủ không.
Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, chính các thầy cô phải cùng ăn với học sinh và phụ huynh phải được quyền kiểm tra đột xuất bữa ăn của các con. Các phụ huynh phải tham gia lựa chọn, kiểm tra định kỳ thực phẩm đầu vào.
Với các nơi vùng sâu, vùng xa, phụ huynh không tham gia được thì chính quyền, các đoàn thể phải cùng vào hỗ trợ. Chỉ khi có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, các cấp, ngành mới mong bữa ăn của các em học sinh được đảm bảo.
* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục): Cần nhiều giải pháp tổng thể
Tôi đã có dịp trực tiếp đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 của Lào Cai. Khi chứng kiến những hình ảnh mười mấy em chung nhau hai gói mì tôm, tôi cảm thấy rất buồn, xót xa. Thực tế, câu chuyện bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, số lượng đã được báo chí, dư luận phản ánh nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi cần nhiều giải pháp tổng thể. Nhưng đầu tiên là với chi hội phụ huynh khi được thành lập ở trường học không nên chỉ quan tâm đến thu tiền, lo tổ chức ngoại khóa, thăm hỏi thầy cô mà phải quan tâm đến bữa ăn của con em mình.
Với các trường không tổ chức được chi hội phụ huynh thì cần có cơ chế thành lập ban giám sát có sự tham gia của giáo viên, ban giám hiệu, chính quyền địa phương để thường xuyên giám sát. Bên cạnh đó, với các sai phạm nếu phát hiện được phải xử lý rất nghiêm khắc để tạo tính răn đe, chứ không vẫn còn tình trạng này thì phụ huynh, xã hội đều không thể yên tâm được.
Ngoài ra, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong vấn đề này. Nếu xảy ra bất cứ vấn đề gì thì cần xử lý thật nghiêm. Không thể để các con sâu làm rầu nồi canh như thế được.
Về ý kiến lắp camera giám sát thì với các trường học ở thành phố lớn, có điều kiện thì phụ huynh có thể cùng đóng góp để lắp. Nhưng với các trường miền núi, trường vùng khó khăn thì rất khó bởi Nhà nước không thể hỗ trợ khoản này mà có thể lại phải huy động bố mẹ các em. Chưa kể ngoài lắp đặt còn đủ các chi phí để vận hành camera.
Ở đây phải nhìn nhận, không có biện pháp nào là toàn năng trong những vụ việc này. Mỗi người, mỗi thầy cô, mỗi nhà trường, mỗi phụ huynh cần nhìn nhận lại để cùng phối hợp đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất.
* Đại biểu ĐẶNG BÍCH NGỌC (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình): Nên có tổ giám sát của chính học sinh
Với vụ việc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 của Lào Cai nếu có phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh, tạo sự răn đe chung. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy cần giải pháp mạnh để hạn chế vấn đề nhức nhối trong bữa ăn bán trú của học sinh mà báo chí, dư luận nêu thời gian qua.
Trong đó, đầu tiên cần công khai, minh bạch các chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là chế độ về bữa ăn, sách vở để giáo viên, học sinh, phụ huynh, người dân được biết.
Ngoài ra, phát huy vai trò của chi hội phụ huynh nhà trường trong giám sát chặt chẽ bữa ăn cho các con. Với các trường không thành lập được chi hội phụ huynh thì cần có tổ giám sát, trong đó chính các em học sinh, giáo viên sẽ là thành viên chính trong tổ để giám sát tổ chức, xây dựng bữa ăn theo ngày, theo bữa cho các em.
Cùng với đó, ngành giáo dục, chính quyền cần tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát đột xuất việc tổ chức các bữa ăn bán trú tại các trường. Bên cạnh đó nên xây dựng các kênh giám sát giữa phòng giáo dục huyện với học sinh, giáo viên các trường mà hiệu trưởng, hiệu phó không biết để thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn của các em. Khi thực hiện tốt được các biện pháp sẽ giúp thay đổi dần vấn đề này.
Diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường"
Câu chuyện bữa ăn bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 một lần nữa đặt ra vấn đề về giám sát bữa ăn học đường. Không chỉ với học sinh vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ mà bữa ăn bán trú của học sinh do cha mẹ đóng góp cũng có nhiều vấn đề gặp phải. Làm thế nào để giám sát bữa ăn học đường, để trẻ có bữa ăn tương xứng với tiền được hỗ trợ và cha mẹ đóng góp?
Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường" mong nhận được ý kiến, câu chuyện từ bạn đọc để gợi mở giải pháp cho vấn đề nan giải này. Bài viết gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận