07/03/2019 10:13 GMT+7

Diễn biến 'nóng' trên Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cuộc gặp giữa ngoại trưởng Philippines và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông có dấu hiệu quay trở lại những ngày qua, trong đó có những tin đồn liên quan đến đảo Thị Tứ.

Diễn biến nóng trên Biển Đông - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin trong cuộc gặp ở Manila ngày 6-3 - Ảnh: MoFA Việt Nam

Tại cuộc họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Philippines ở Manila ngày 6-3, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez Locsin và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi và chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông có dấu hiệu quay trở lại những ngày qua, trong đó có những tin đồn liên quan đến đảo Thị Tứ.

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines chiếm đóng phi pháp.

Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines?

Cùng lúc đó, không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương thông báo hai chiếc máy bay ném bom B52 Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen (đảo Guam) và tham gia các sứ mệnh huấn luyện định kỳ hôm 4-3.

Trong khi việc gửi máy bay ném bom tiếp cận các khu vực tranh chấp tại Biển Đông là hoạt động định kỳ của Mỹ, đây là lần đầu tiên không quân Mỹ triển khai oanh tạc cơ có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tương tự kể từ tháng 11 năm ngoái.

Thông tin về B52 trở nên "nóng" hơn cũng vì trong cùng khoảng thời gian này, có những tin đồn về việc Trung Quốc hành động hung hăng.

Cụ thể, ngày 5-3, trang tin tức news.com.au thuộc sở hữu của Tập đoàn truyền thông News Corp Australia đưa tin tàu cá có vũ trang của Trung Quốc, hay còn gọi là "tàu dân quân biển", đã xua đuổi ngư dân Philippines tại Thị Tứ.

Trước đó, báo Inquirer (Philippines) đưa tin thị trưởng thị trấn Kalayaan, ông Roberto del Mundo, xác nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Pag-asa (tên Philippines dùng để chỉ đảo Thị Tứ). 

Việc này tạo dư luận tại Philippines, khi nghị sĩ Gary Alejano yêu cầu chính quyền Tổng thống Duterte phản ứng với hành động của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà phân tích chính sách khu vực Đông Nam Á Anton Tsvetov nhận xét: "Tôi nghĩ toàn bộ câu chuyện này đa số được sản xuất từ bình luận của thị trưởng Kalayaan, người từng nói rằng ngư dân Philippines bị ngăn không cho tiếp cận các khu vực đánh bắt quanh đảo (Thị Tứ)".

Ngày 6-3-2019, Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra thông cáo liên quan đến việc ngư dân Philippines bị quấy rầy tại các khu vực gần Thị Tứ. 

Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana đã chỉ đạo Lực lượng vũ trang Philippines xác minh vụ việc, nhưng không có báo cáo nào từ Bộ tư lệnh phương Tây thuộc Lực lượng vũ trang Philippines xác nhận điều ông Delfin đã nói. 

Phía Lực lượng vũ trang Philippines cũng khuyến khích các ngư dân trở lại nhịp sinh hoạt và đánh bắt.

Dò phản ứng

Câu chuyện Thị Tứ mang ý nghĩa đặc biệt, vì nó xuất hiện tại một thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.

Mới tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm và gặp gỡ Tổng thống Philippines Duterte. 

Ông Pompeo trấn an Philippines rằng Mỹ sẽ tiếp ứng nếu quân đội, máy bay hay tàu Philippines bị tấn công ở Biển Đông. 

Hãng tin AP lưu ý rằng đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay Mỹ đưa ra lời trấn an công khai như vậy, bất kể Manila vốn dĩ là đồng minh lâu đời nhất của Washington tại châu Á.

Nhưng đổi lại, phía Philippines lại có những phản ứng ít nhiều khiến giới quan sát khó hiểu. 

Bộ trưởng quốc phòng Lorenzana ngày 5-3 khẳng định Mỹ có nhiều khả năng bị lôi vào một "cuộc đấu súng" ở Biển Đông hơn Philippines, nhưng Philippines cũng sẽ dính xung đột tương tự vì hiệp ước quốc phòng đã ký với Washington.

Một số tờ báo trích lời và khẳng định ông Lorenzana không muốn Philippines bị lôi vào các màn xung đột vũ trang như vậy với Trung Quốc. 

Một số khác lưu ý chuyện ông Lorenzana muốn hiệp ước với Mỹ cần được tái xem xét, làm rõ những điểm không rõ ràng vốn dĩ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn khi xuất hiện một cuộc khủng hoảng.

Đáng chú ý, từ trước đó ông Lorenzana đã đặt dấu hỏi về mức độ cam kết của Mỹ. 

Theo tờ Straits Times, Manila và Washington đã cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong tình huống có một vụ tấn công xảy ra. 

Nhưng vai trò của hiệp ước này trong tranh chấp của Philippines với Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.

Dẫu việc Trung Quốc nổ súng ở Thị Tứ là thông tin chưa chính xác, nó cũng là một gợi ý để cả Philippines lẫn Mỹ nghiên cứu phương án hỗ trợ giữa hai đồng minh này trong trường hợp hữu sự. 

Tương tự, phản ứng của Mỹ, mức độ cam kết của Mỹ cũng là điều một số đồng minh khác cần quan sát...

Không làm phức tạp tình hình

Tại cuộc gặp ở Manila ngày 6-3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez Locsin nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả. D.AN

Bắc Kinh bội hứa về quân sự hóa Biển Đông Bắc Kinh bội hứa về quân sự hóa Biển Đông

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết 'không có ý định quân sự hóa' Biển Đông. Tuy nhiên Bắc Kinh đã bội hứa khi gia tăng lắp đặt các thiết bị quân sự tinh vi tại các đảo nhân tạo trên vùng biển này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên