Dịu dàng là một trong những điểm sáng của điện ảnh Việt Nam góp mặt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 3- Ảnh: ĐPCC |
Thăng hoa dù không bộ phim nào đem đến cho tôi cảm giác thỏa mãn trọn vẹn như Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Bi, đừng sợ của Phan Ðăng Di trong hơn 10 năm trở lại đây...
1 Ðập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp là một bộ phim thuộc dòng phim “coming out-of-age” (có thể hiểu là những bộ phim mô tả giai đoạn trưởng thành của nhân vật), rất thường được các đạo diễn chọn cho bộ phim đầu tay của họ bởi nó chứa nhiều trải nghiệm của bản thân.
Chọn đề tài những cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn và tình thế tiến thoái lưỡng nan, Ðập cánh... mô tả nhiều hơn trạng thái bế tắc của Huyền trong hành trình cảm xúc của riêng cô...
Ðập cánh... mang đến những khuôn hình điện ảnh đầy ám ảnh về một Hà Nội quyến rũ, vừa nhếch nhác vừa thơ mộng, vừa ồn ào vừa tĩnh lặng.
Giấc mơ của Huyền về cái thai bị sẩy và chảy lênh láng ra sàn nhà những con cá con chết nhầy nhụa có lẽ là một trong những hình ảnh siêu thực ám ảnh nhất không chỉ với điện ảnh Việt Nam. Dù vậy, mạch phim từ giữa đến gần cuối, khi xuất hiện nhân vật tay doanh nhân kỳ quặc mê những cô gái điếm mang thai, cấu trúc của bộ phim chuyển hướng và phá vỡ không khí mà bộ phim xây dựng trước đó.
Dù nhân vật này có thể chỉ là một “fantasy” (sự tưởng tượng) của nhân vật (hay đạo diễn) nhưng không đem lại một hiệu quả nào đáng kể, nếu không nói những cảm giác giả tạo và lãng mạn kiểu môtip truyện ngắn của những nhà văn nữ thời thập niên 1990 bắt đầu xâm chiếm bộ phim...
2 Dịu dàng của Lê Văn Kiệt, một đạo diễn Việt kiều, có lẽ là một điểm sáng khác của điện ảnh Việt góp mặt tại HANIFF, với tôi.
Ðiểm sáng đầu tiên là dù chuyển thể từ một truyện ngắn của Nga thế kỷ 19 (Một sinh vật dịu dàng của văn hào Dostoyevski, viết năm 1876) sang bối cảnh là một tỉnh lỵ Nam bộ Việt Nam đương đại, bộ phim vẫn tạo được một không khí Việt Nam thuần chất, trừ vài câu thoại vẫn còn rất “Việt kiều” của nhân vật Thiện do Dustin Nguyễn đóng.
Ðiểm sáng tiếp theo là nhịp điệu và ngôn ngữ điện ảnh mà Kiệt tạo ra khiến người xem khó rời mắt khỏi bộ phim kể về một mối quan hệ tù hãm, ngột ngạt giữa một người đàn ông trung niên bảo thủ, cứng nhắc và một cô gái trẻ mà hình như sự tổn thương và đức tin đã giết chết cô từ bên trong, dẫn đến cách lựa chọn khó lý giải của cô ở cuối phim.
Dịu dàng có lẽ còn thiếu vài thứ để trở thành một bộ phim hay, đặc biệt là những dẫn giải về tôn giáo, đức tin hay thiếu sự chuẩn bị về tâm lý của nhân vật, nhưng bộ phim vẫn dịu dàng xâm chiếm cảm giác của người xem, đặc biệt là diễn xuất tinh tế đáng ngạc nhiên của nữ diễn viên trẻ Nguyễn Thanh Tú (vai Linh) ở bộ phim đầu tay này (mẹ ruột của cô, diễn viên Kiều Trinh cũng có một vai phụ xuất sắc).
3 Một trong hai bộ phim tôi chờ đợi nhất, Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, trái lại đem đến cho tôi những cảm giác khá thất vọng. 20 phút đầu của bộ phim khiến tôi tưởng mình tìm lại được một Mùa len trâu xuất sắc của 10 năm trước, nhưng rồi mạch phim bắt đầu trượt dần ra khỏi quỹ đạo của nó.
Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn có nhiều sáng tạo về góc máy (đặc biệt là những hình ảnh bên trong lòng nước) nhưng có lẽ do tham vọng xây dựng một kịch bản giàu thông điệp cùng với sự non tay trong pha trộn thể loại (viễn tưởng, hình sự, lãng mạn) khiến bộ phim càng về cuối càng lỏng lẻo về bố cục...
Dù còn những tiếc nuối, năm phim Việt với năm phong cách hoàn toàn khác biệt đã cho thấy một vài tín hiệu mới của điện ảnh nghệ thuật. Tín hiệu đã có, nhưng cánh cửa mở ra cho dòng phim này như vẫn còn khép kín. Ðó là một thiệt thòi không chỉ với những người làm phim mà còn với không ít khán giả trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận