Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa - Ảnh: Hữu Khoa |
Sau quá trình thẩm vấn, xem xét chứng cứ, tranh tụng công khai, hội đồng xét xử quyết định đề xuất tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, cho người bị buộc tội được tại ngoại và trả hồ sơ cho cơ quan kiểm sát để điều tra bổ sung.
Vụ án hình sự liên quan đến một hoa hậu thu hút sự chú ý của dư luận trong mấy ngày qua. Sau quá trình thẩm vấn, xem xét chứng cứ, tranh tụng công khai, hội đồng xét xử quyết định đề xuất tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, cho người bị buộc tội được tại ngoại và trả hồ sơ cho cơ quan kiểm sát để điều tra bổ sung.
Không bàn luận về nội dung sự việc, qua theo dõi diễn tiến của vụ án tại tòa án, có thể ghi nhận rất nhiều điểm mới về thủ tục tố tụng hình sự, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp tích cực theo hướng hội nhập.
Đáng chú ý là việc người bị cáo buộc vào một tội danh đã sử dụng quyền im lặng như một cách tự bảo vệ. Lâu nay, im lặng vốn bị coi là biểu hiện của thái độ thiếu thành khẩn trong khai báo.
Trong điều kiện có khoảng cách lớn giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong khung hình phạt được luật định để áp dụng cho một tội danh, thái độ này có thể là căn cứ để tòa án tuyên mức hình phạt cao trong phạm vi cho phép, như một cách trừng phạt người bị án mà ngoan cố, không chịu hợp tác.
Trong khi đó, im lặng thật sự là một quyền mà người bị tình nghi, bị buộc tội được phép sử dụng như một đối sách trước những cáo buộc trong điều kiện không có phương tiện gì khác để phản bác.
Hiến pháp đã minh định rằng người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Đây được hiểu là việc hiến định nguyên tắc suy đoán vô tội có lợi cho người bị tình nghi, bị cáo buộc về mặt hình sự mà chưa bị kết án nhằm mục đích ngăn ngừa việc xử phạt oan, sai.
Ngoài quyền im lặng, người bị cáo buộc còn có quyền phản bác việc chứng minh đó bằng cách cung cấp chứng cứ ngược lại. Việc đối chứng phải được thực hiện một cách sòng phẳng trong tất cả các giai đoạn tố tụng.
Trong trường hợp có sự tham gia của luật sư vào hoạt động tố tụng trong vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội thì cần tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận cho luật sư có những quyền rộng rãi trong việc thu thập chứng cứ cho phép bảo vệ thân chủ của mình trước những cáo buộc.
Trong tranh tụng trước tòa án, luật sư phải được đặt ở vị thế đối trọng với cơ quan công tố và tiếng nói của cả hai bên phải được thẩm phán lắng nghe như nhau, không phân biệt bên trọng, bên khinh.
Điều quan trọng, theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội là một khi không có chứng cứ buộc tội thì nghi can phải được tuyên trắng án.
Nói khác đi, sự suy đoán vô tội trong trường hợp này là chính thức và không thể đảo ngược nếu không có chứng cứ mới.
Về mặt lý thuyết, đối với toàn xã hội, đó phải được coi là sự vô tội hoàn hảo, chắc chắn, không nghi ngờ, không tì vết.
Nó cho phép người thụ hưởng trở lại với cuộc sống, làm việc, giao tiếp trong những điều kiện bình thường, cho dù thật ra ai cũng hiểu chẳng có sự đổ vỡ nào có thể được khắc phục trọn vẹn.
Vụ án còn chưa ngã ngũ, nhưng với những gì diễn ra tại các phiên thẩm vấn và tranh tụng công khai trước hội đồng xét xử trong mấy ngày qua, có thể tin vào một kết cục phù hợp với lẽ công bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận