21/11/2016 18:36 GMT+7

Điểm lại nội các mới của ông Trump

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục gặp gỡ các ứng viên tiềm năng để bổ sung vào nội các mới. Hai vị trí quan trọng đang được bàn tán nhiều nhất là Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại trưởng.

Ông Trump bắt tay cựu thống đốc Mitt Romney của Massachusetts ngày 20-11 - Ảnh: Reuters
Ông Trump (trái) bắt tay cựu thống đốc Mitt Romney của Massachusetts ngày 20-11 - Ảnh: Reuters

Vị tỉ phú sắp vào Nhà Trắng đã hứa sẽ sớm công bố thêm các vị trị trong nội các sau hai ngày cuối tuần rồi gặp gỡ những ứng viên. Tuyên bố từ khu nghỉ dưỡng ở New Jersey hôm 20-11, ông Trump tự tin rằng “chúng ta có một số người thực sự tuyệt vời sẽ làm việc cho đất nước... Mọi người sẽ sớm biết về họ thôi”.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử của Mỹ và phó tướng Mike Pence cũng "bóng gió" trên truyền thông rằng tướng thủy quân lục chiến James Mattis, biệt danh "Chó điên", là ứng viên “ấn tượng” cho vị trí Bộ trưởng quốc phòng và đang “cân nhắc nghiêm túc” việc giao chức lãnh đạo Bộ ngoại giao cho ứng viên tổng thống 2012 Mitt Romney, một nhân vật từng chỉ trích gay gắt ông Trump.

Ngoài ra, trong số các nhân vật đã xuất hiện tại khu nghỉ dưỡng mà ông Trump làm chủ còn có quan chức đối ngoại Kris Kobach của bang Kansas, ông vua của các công ty phá sản - tỉ phú Wilbur Ross, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh miền nam John Kelly...

Theo giới quan sát, tổng thống đắc cử Trump đang tìm kiếm những nhân vật kỳ cựu để trấn an những lo ngại về việc ông thiếu kinh nghiệm chính trường. Còn trước đó, ông cũng đã thể hiện khuynh hướng củng cố cánh hữu và đẩy mạnh những chính sách đối nội và đối ngoại gây tranh cãi của mình khi công bố các vị trí cố vấn an ninh quốc gia, tổng công tố, chiến lược gia trưởng, giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA), chánh văn phòng Nhà Trắng.

Mở rộng vòng tìm kiếm

Việc cân nhắc tướng Mattis và ông Romney cho thấy ông Trump đang mở rộng tìm kiếm ứng viên bên ngoài vòng tròn những nhân vật thân cận xung quanh mình. Sau cuộc gặp, ông Trump thậm chí lên Twitter khen ông Mattis đích thực là “vị tướng của các tướng”. Trong khi đó, bộ sậu của ông cũng không tiếc lời khen sự nghiệp quân ngũ huyền thoại của ông Mattis.

Viên tướng về hưu 66 tuổi được mô tả là một chỉ huy tác chiến đa dạng và luôn ngấu nghiến sách vở. Ông nổi tiếng với câu nói “Hãy lịch sự, chuyên nghiệp nhưng luôn có sẵn kế hoạch giết bất cứ ai mà bạn gặp”.

Ông Mattis lãnh đạo bộ tư lệnh miền trung của quân đội Mỹ từ năm 2010 đến 2013, chỉ huy các hoạt động ở nước ngoài từ khu vực Sừng châu Phi đến Trung Đông, Trung Á. Trong giai đoạn này, ông từng mâu thuẫn với tổng thống Barack Obama về các vấn đề liên quan đến mối đe dọa từ Iran và nguồn lực cho Afghanistan. Trước đó, ông cũng là chỉ huy tham gia cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và rất được lòng các binh sĩ.

Về ứng viên Ngoại trưởng Mitt Romney, ông Pence cũng khẳng định ông Trump đã có cuộc trao đổi “nồng ấm” với nhân vật từng chỉ trích ông dữ dội trong suốt quá trình tranh cử. Dù một số ứng viên như cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani cũng được cân nhắc, ông Romney có vẻ là ứng viên sáng giá nhất hiện nay.

Tuy nhiên liệu ông Romney có thể hòa nhập được với chính quyền mới của ông Trump hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Ông Romney, ứng viên tổng thống Mỹ năm 2012 của đảng Cộng hòa, nhiều lần đấu khẩu với ông Trump. Cựu thống đốc bang Massachusetts thậm chí còn là thủ lĩnh nhóm phản đối tìm cách ngăn đảng Cộng hòa đề cử ông Trump và từng gọi tân tổng thống Mỹ là “kẻ lừa đảo”.

Sau cuộc nói chuyện, ông Romney cũng không nhắc đến khả năng ông sẽ chấp nhận làm việc dưới trướng vị tỉ phú New York. Nhưng nếu ông chấp nhận, đây sẽ là một thành công của ông Trump trong việc hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử, mở đường cho nhiều chính trị gia kỳ cựu trong đảng này gia nhập chính quyền mới.

Theo CNN, ông Romney là một người có các mối quan tâm xoay quanh chính sách ngoại giao, nên nếu bổ nhiệm được ông làm Ngoại trưởng cũng sẽ giải tỏa được căng thẳng với các đồng minh vốn lo ngại về chính sách của tân tổng thống Mỹ.

Ông Romney được mô tả là một người được cộng đồng quốc tế biết đến và quan tâm đến vấn đề tự do thương mại, các đồng minh và hình ảnh của Mỹ trên trên thế giới, nên có thể bù đắp cho những kinh nghiệm đối ngoại ít ỏi của ông Trump.

Các vị trí khác

Ông Trump đã bắt đầu công bố các vị trí nội các từ cuối tuần trước mà theo giới quan sát là tín hiệu cho thấy chính quyền mới có thể theo đuổi các chính sách quân sự mạnh tay. Theo đó, thượng nghị sĩ Jeff Sessions của bang Alabama làm bộ trưởng Tư pháp và nghị sĩ Mike Pompeo của bang Kansas làm lãnh đạo CIA. Cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Michael Flynn được giao vị trí Cố vấn an ninh quốc gia và Chủ tịch Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa Reince Priebus làm chánh văn phòng Nhà Trắng.

Theo báo New York Times, ông Sessions nổi tiếng là một chính trị gia có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư và tội phạm, từng chất vấn việc cho các nghi can khủng bố hưởng các quyền mà tòa án Mỹ cho phép. Năm 1986, việc đề cử ông vào vị trí thẩm liên bang từng bị bác bỏ do có các phát ngôn và hành động phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, ông Pompeo, từng tham gia chỉ trích cựu ngoại trưởng Hillary Clinton về vụ tấn công cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Libya năm 2012, có thể giúp ông Trump thực thi các chính sách thẩm vấn bị coi là tra tấn đối với các nghi can khủng bố.

Tổng thống đắc cử Trump từng tuyên bố muốn nối lại biện pháp trấn nước để thẩm vấn từng bị chính quyền ông Obama cấm sử dụng. Năm 2014, ông Pompeo chỉ trích ông Obama về việc chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và khẳng định các quan chức tình báo là “những người yêu nước” chứ không phải kẻ tra tấn.

Tân cố vấn an ninh quốc gia Flynn cũng là một người công khai quan điểm về các mối đe dọa từ lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khi nhà chiến lược gia trưởng Stephen K. Bannon bị nhiều người cho là mang tư tưởng phân biệt chủng tộc.

Các vị trí khác vẫn còn chưa rõ ràng tuy nhiên một số nhân vật quen xuất hiện trong danh sách ứng viên bao gồm cựu thống đốc Alaska, bà Sarah Palin được cân nhắc vào vị trí bộ trưởng Nội vụ trong khi cựu lãnh đạo tập đoàn thép Nucor Dan DiMicco, một nhân vật chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thương mại của Trung Quốc, có thể trở thành đại diện thương mại Mỹ, giúp ông Trump sửa lại các thỏa thuận thương mại cũ và ngăn những thỏa thuận mới.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên