Đồ họa: NGỌC THÀNH
Malaysia thêm 106 ca mới
Bộ Y tế Malaysia ghi nhận thêm 106 ca COVID-19 trong ngày 24-3, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 1.624 ca, bao gồm 15 ca tử vong. Bộ cho biết 43 ca mới có liên quan đến một buổi lễ tôn giáo tụ tập đông người hồi tháng 2. Hiện Malaysia vẫn có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á.
Philippines ghi nhận 90 ca mới, 2 ca tử vong
Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 90 ca COVID-19 mới trong ngày 24-3, mức tăng lớn nhất hàng ngày tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 552. Bộ cũng báo cáo thêm 2 ca tử vong, nâng số ca tử vong vì virus corona của nước này lên 35 ca, theo Reuters.
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất trong một ngày
Bộ Y tế Indonesia ngày 24-3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 107 ca nhiễm mới, số lượng ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 686 ca.
Có thêm 7 người chết trong ngày 24-3, nâng tổng ca tử vong vì COVID-19 lên 55 ca và 33 người đã hồi phục, theo Reuters.
Lào ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên
Trong cuộc họp báo trưa ngày 24-3, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã ghi nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên, theo Tân Hoa xã. Cả hai người nhiễm virus corona chủng mới đều là công dân Lào, bao gồm một nữ hướng dẫn viên du lịch và một nhân viên khách sạn.
Hành khách đeo khẩu trang và ngồi cách nhau một ghế theo khuyến cáo y tế về phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế Thái Lan khi đi phương tiện giao thông công cộng ở Bangkok - Ảnh: REUTERS
Tây Ban Nha tăng 20% số ca nhiễm
Chính phủ Tây Ban Nha thông báo số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng mạnh lên 39.673 ca ngày 24-3 so với 33.089 ca của ngày hôm trước, tương đương mức tăng gần 20%. Trong khi số ca tử vong sau một đêm tăng hơn 500 từ 2.182 lên 2.686 ca.
Iran đã có gần 2.000 ca tử vong
Bộ Y tế Iran ngày 24-3 cho biết Iran ghi nhận thêm 122 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì virus corona chủng mới lên 1.934 người. Số người dương tính với virus corona trong 24 giờ qua ở Iran là 1.762 người, nâng số ca COVID-19 toàn quốc lên 24.811 ca.
Nam Phi vượt mốc 500 ca
Nam Phi xác nhận số ca nhiễm virus corona ở nước này đã tăng thành 554 ca trong ngày 24-3 so với 402 ca của ngày trước đó trong bối cảnh doanh nghiệp đang lập kế hoạch trước thời hạn phong tỏa toàn quốc vào nửa đêm ngày 26-3.
Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố sẽ phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày khi cho rằng nền kinh tế tiên tiến nhất châu Phi phải tăng cường phản ứng để ngăn sự lây lan của dịch COVID-19, theo Reuters.
Thái sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ 26-3
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo trong cuộc họp báo ngày 24-3 rằng Thái Lan sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp một tháng, bắt đầu từ 26-3 để ứng phó với dịch COVID-19.
Hãng tin Reuters cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp có nghĩa là thủ tướng sẽ có quyền hành pháp để tuyên bố các biện pháp tiếp theo trong cuộc chiến với virus corona, bao gồm trao thêm quyền cho các quan chức và cho phép thiết lập các trạm kiểm soát để hạn chế sự đi lại của mọi người.
Thủ tướng Prayuth cho biết ông sẽ công bố chi tiết các biện pháp sau. Thái đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 106 ca nhiễm mới trong ngày 24-3, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 827 ca.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Malaysia tăng cường xét nghiệm, chuẩn bị cho "kịch bản tồi tệ nhất"
Quan chức Noor Hisham Abdullah của Bộ Y tế Malaysia ngày 24-3 cho biết nước này đang tăng cường xét nghiệm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong tư thế chuẩn bị ứng phó với "kịch bản tồi tệ nhất".
Theo Reuters, hiện nay Malaysia có số ca COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. Số ca nhiễm ở nước này đã tăng gấp 6 lần chỉ trong 10 ngày, lên mức 1.518 ca và chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật trong khu vực châu Á.
Hai phần ba số ca nhiễm ở nước này liên quan đến một buổi lễ tôn giáo tập trung hơn 16.000 người tại một nhà thờ gần thủ đô Kuala Lumpur vào tháng 2. Sự kiện tôn giáo này thậm chí cũng liên quan đến hơn 100 ca COVID-19 trên khắp Đông Nam Á khi nhiều người ở các quốc gia trong khu vực đã đến tham dự.
Quan chức Noor Hisham cho biết, đến cuối tuần này, Malaysia sẽ tăng gấp đôi các ca xét nghiệm hằng ngày lên 7.000 ca trước khi thành 16.500 ca trong tuần đầu tiên của tháng 4.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất nhưng hi vọng về một kết quả tốt nhất. Một khi năng lực xét nghiệm đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô rà soát, phát hiện, cách ly và điều trị", ông Noor Hisham nói thêm.
Dữ liệu từ Bộ Y tế cho thấy Malaysia đã thực hiện 17.923 xét nghiệm cho đến ngày 23-3.
Indonesia lập 4 bộ tư lệnh đối phó với COVID-19
Quân đội Indonesia (TNI) đã thành lập 4 bộ tư lệnh với vai trò là các tiểu đơn vị của "Lực lượng đặc nhiệm" chuyên trách xử lý dịch bệnh COVID-19, theo TTXVN. Tư lệnh Bộ chỉ huy phòng thủ khu vực chung Indonesia, Phó Đô đốc Yudo Margona ngày 23-3 cho biết 4 bộ tư lệnh này được triển khai tại Làng vận động viên ở Kemayoran (Jakarta), đảo Natuna và Galang (quần đảo Riau) và đảo Sebaru (thuộc quần đảo Seribu, Jakarta).
Ngoài ra, TNI cũng đã điều máy bay vận tải đến Trung Quốc để vận chuyển các vật tư y tế cần thiết. Đây là một trong những nỗ lực của TNI nhằm góp phần đẩy lùi dịch COVID-19 ở Indonesia.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Chính phủ Anh được trao thêm quyền hạn trong chống dịch
Hạ viện Anh đêm 23-3 đã thông qua dự luật khẩn cấp mới trao thêm quyền hạn cho chính phủ nước này trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Việc dự luật chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được thông qua chỉ trong 1 ngày cho thấy Anh đang khẩn trương ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi ở nước này, theo đài BBC.
Theo dự luật vừa được thông qua, cảnh sát sẽ có quyền đóng cửa các sự kiện và buộc mọi người về nhà, sử dụng quyền hạn can thiệp vào cuộc sống ở Anh mà vốn chưa từng được áp dụng kể từ Thế chiến II.
Các nhân viên y tế, cảnh sát và di trú được phép bắt người không tuân theo hướng dẫn y tế. Cảnh sát và nhân viên công vụ có quyền cưỡng chế việc thực thi các hạn chế về y tế công cộng và phạt 1.000 bảng Anh (1.155 USD) với những người vi phạm.
Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế cửa hàng, xe buýt, đóng cửa trường học, quán bar
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-3 đã giới hạn giờ mở cửa của các cửa hàng tạp hóa cũng như số khách hàng của cửa hàng và số hành khách trên xe buýt, một phần các biện pháp tăng cường nhằm chống lại sự lây lan của virus corona chủng mới sau khi số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên 37 ca.
Theo Reuters, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cửa hàng tạp hóa, siêu thị sẽ được phép mở cửa từ 9 giờ đến 21 giờ hàng ngày, với tối đa là một khách hàng trên mỗi 10 mét vuông của cửa hàng.
Hãng tin Reuters cho biết trước đó Ankara đã đóng cửa trường học, quán cà phê và quán bar, cấm các buổi cầu nguyện tập trung đông người và hoãn vô thời hạn các giải đấu thể thao trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạm ngừng các chuyến bay đến nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số ca nhiễm đã tăng thêm 293 vào ngày 23-3, nâng tổng số ca cả nước lên 1.529 người và 37 ca tử vong.
Đài Loan đã trên 200 ca nhiễm
Chính quyền Đài Loan ngày 24-3 thông báo hòn đảo có thêm 20 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 215 ca. Tất cả các ca nhiễm mới đều nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm các bệnh nhân đã du lịch đến Anh, Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
FDA Mỹ phê chuẩn bộ kit xét nghiệm của Biomerieux
Biomerieux, một công ty chăm sóc sức khỏe chuyên về chẩn đoán của Pháp, ngày 24-3 cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê chuẩn bộ kit xét nghiệm virus corona là biofire của công ty.
Biomerieux cho biết họ đang tìm cách tăng quy mô cung cấp bộ kit thử COVID-19 biofire tại nhiều bang ở Mỹ, theo Reuters.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận