28/09/2018 14:58 GMT+7

Đi tù vì một tờ di chúc giả

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Vì không thực hiện bản án dân sự được tuyên từ một tờ di chúc giả, ông Nguyễn Văn Mười (ngụ xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) đã bị kết án tù.

Đi tù vì một tờ di chúc giả - Ảnh 1.

Ông Mười và vợ kể về chặng đường hơn chục năm khổ ải vì tờ di chúc bị làm giả - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Câu chuyện bắt đầu khi năm 1976 cha ruột ông Nguyễn Văn Mười được thừa kế đất đai từ người thân nên chia đều cho các con cùng canh tác, trong đó ông Mười được chia 3.900m2

Đến năm 1993, ông Mười đổi toàn bộ đất cho bà Huỳnh Thị Lãnh (nay đã chết) và lại nhận 7.712m2 đất của bà Lãnh, ông Mười phải trả thêm cho bà Lãnh 4 chỉ vàng 24K. Đến năm 1995, ông Mười, bà Lãnh đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các thửa đất mới.

Đất được chia nhưng lại bị tranh chấp

Tuy nhiên năm 2002, sau khi mẹ ông Mười chết, người anh cùng mẹ khác cha của ông Mười là Nguyễn Văn Nhì đưa ra một tờ di chúc khẳng định thửa đất 3.900m2 kia đã được mẹ là bà Huỳnh Thị Thơ di chúc cho ông Nhì. 

Ông Mười không chịu, cho rằng tờ di chúc kia là ngụy tạo, ông Nhì bèn kiện ra tòa. TAND huyện Long Mỹ (nay là thị xã Long Mỹ) xác định bản di chúc của ông Nhì cung cấp là đúng, tuyên bà Lãnh trả lại phần diện tích đất 3.900m2 cho ông Nhì. 

Bà Lãnh thi hành bản án vào năm 2005 và kiện ông Mười đòi lại phần đất đã đổi, sau đó hai cấp tòa tỉnh Hậu Giang tuyên buộc ông Mười phải trả lại toàn bộ phần đất 7.712m2 cho bà Lãnh.

Tuy nhiên, cho rằng bản di chúc do ông Nhì cung cấp là giả nên ông Mười nhất định không bàn giao thửa đất như các bản án tòa tuyên. 

Vì lý do này, tháng 1-2009, UBND xã Tân Phú lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với hành vi chiếm đất của ông Mười và ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai lần với mức tiền 35 triệu đồng, buộc ông Mười phải khôi phục tình trạng đất và bàn giao cho bà Lãnh nhưng ông Mười tiếp tục không bàn giao.

Tờ di chúc giả

Do ông Mười đưa ra nhiều nhân chứng khẳng định bản di chúc đó được tạo lập sau khi mẹ ông qua đời và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Mỹ đã đề nghị Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM trưng cầu giám định dấu vân tay trên tờ di chúc của bà Thơ. 

Ngày 19-12-2012, kết luận của cơ quan này nêu rõ: "Dấu vân tay màu đỏ dưới mục người làm tờ di chúc để lại ghi họ tên Huỳnh Thị Thơ trên tờ di chúc lập ngày 11-6-2001 với dấu vân tay của bà Huỳnh Thị Thơ trên các tài liệu làm mẫu so sánh không phải là dấu vân tay của cùng một người".

Sau khi có kết quả trưng cầu giám định, ông Nguyễn Văn Mười tiếp tục khiếu nại 2 bản án của tòa nhưng TAND tỉnh Hậu Giang không trả lời ông. 

Đồng thời, ông Mười cũng gửi đơn kèm bằng chứng đề nghị tòa án và Viện KSND tỉnh kháng nghị giám đốc thẩm để hủy các bản án buộc ông phải thi hành trước đây. 

Sau đó, viện trưởng Viện KSND huyện Long Mỹ có báo cáo kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gửi lãnh đạo Viện KSND tỉnh Hậu Giang ngày 20-2-2013. 

Báo cáo thể hiện: "Căn cứ kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM thì dấu vân tay trên tờ di chúc không phải của bà Huỳnh Thị Thơ. Như vậy phát sinh tình tiết mới được phát hiện làm thay đổi nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 34 là do tờ di chúc giả. 

Vì vậy, Viện KSND huyện Long Mỹ báo cáo đến lãnh đạo Viện KSND tỉnh Hậu Giang kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm số 34 ngày 14-4-2005 của TAND huyện Long Mỹ".

Thế nhưng vẫn không có quyết định kháng nghị, cũng không có bản án nào bị hủy. Các bản án dân sự ông Nhì kiện ông Mười, bà Lãnh kiện ông Mười vẫn có hiệu lực pháp luật. 

Đáng kinh ngạc hơn, gần một năm sau khi có kết luận giám định khẳng định bản di chúc của ông Nhì cung cấp là giả, ông Mười vẫn bị khởi tố và bị bắt tạm giam vào ngày 11-12-2013 với tội "vi phạm các quy định về sử dụng đất" (sau đó ông Mười được tại ngoại để phục vụ điều tra).

Đi tù vì một tờ di chúc giả - Ảnh 2.

Các bản án liên quan đến ông Nguyễn Văn Mười - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

4 bản án, 2 tội danh

Sau khi công an khởi tố ông Mười tội vi phạm các quy định về sử dụng đất, Viện KSND huyện Long Mỹ ra cáo trạng truy tố ông Mười ra tòa. 

Dù luật sư nêu ra nhiều bằng chứng khẳng định ông Mười không có tội, nhưng HĐXX phiên sơ thẩm ngày 11-11-2014 của TAND huyện Long Mỹ vẫn tuyên phạt ông Nguyễn Văn Mười 9 tháng tù giam, buộc phải bồi thường dân sự cho bà Lãnh số tiền 44.880.000 đồng vì thời gian chiếm giữ, canh tác ruộng đất của bà Lãnh trái phép. 

Thậm chí vợ và các con của ông Mười còn được bản án xác định rõ nếu tiếp tục bao chiếm đất thì sẽ bị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Không đồng ý, ông Mười kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Mười trình bày đã làm đơn gửi TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm bản án. 

Dù vậy, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục cho rằng thực tế bản án dân sự bà Lãnh kiện ông Mười vẫn đang có hiệu lực pháp luật, do đó ông Mười buộc phải thi hành bản án này. 

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm lại tuyên trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, cơ quan điều tra lại đổi tội danh cho ông Mười từ "vi phạm quy định về sử dụng đất" sang "không chấp hành bản án" theo điều 304 BLHS 1999.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Long Mỹ ngày 29-11-2016 lại tuyên phạt ông Mười mức án 12 tháng tù giam. Ông Mười lại kêu oan, cho rằng bản án dân sự là sai đối với ông nhưng không được HĐXX xem xét. 

Ông tiếp tục kháng cáo, đến bản án phúc thẩm ngày 26-4-2017 giảm cho ông còn 9 tháng tù giam. Do trừ đi thời gian bị bắt tạm giam nên ông Mười đã chấp hành xong hình phạt vào ngày 4-2-2018.

Từ thời điểm đó đến nay, ông Mười liên tục gửi đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và Hậu Giang đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự mà ông đã chấp hành, đồng thời tiếp tục kêu oan và đề nghị được minh oan.

Âm thầm thu hồi các quyết định xử phạt hành chính

Do cho rằng ông Mười không giao đất cho bà Lãnh theo bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nên UBND huyện Long Mỹ ban hành liên tục 2 quyết định xử phạt hành chính ông Mười với các mức phạt 15 và 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 10-2016, chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ (trước là huyện Long Mỹ) ban hành quyết định 1350 thu hồi các quyết định xử phạt hành chính đối với ông Mười: Quyết định 13 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai (ngày 4-1-2012); quyết định 1463 về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai ngày 8-7-2009 và quyết định số 709 ngày 28-3-2012 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp khác để thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Văn Mười.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mười cho biết khi ông bị xử phạt hành chính về hành vi bao chiếm đất đai thì tên ông và người thân trong gia đình bị đọc ròng rã 3 ngày trên loa phát thanh.

Đến khi chủ tịch UBND huyện Long Mỹ thu hồi các quyết định xử phạt đối với ông thì ông không hề hay biết và cũng không được bàn giao các quyết định này.

Bị bắt 2 ngày trước đám cưới con gái

"Người ta đến bắt ổng đi là trước khi đám cưới đứa con gái hai bữa, ngày cưới nó không có cha. Vợ chồng tôi khóc nói để ổng ở nhà lo cho con gái, nhưng người ta không chịu.

Con gái nó tủi thân lắm, khóc miết. Vài ngày sau, mẹ tôi đau buồn quá cũng qua đời" - bà Há, vợ ông Mười, kể.

Còn ông Mười kể: "Ra tòa, người ta nói tôi bị bắt do không chịu bàn giao đất cho bà Lãnh, vì bản án của bà Lãnh đã có hiệu lực pháp luật rồi nên tôi buộc phải thi hành bản án này.

Tôi có cự là nếu không có di chúc giả thì làm sao có bản án của bà Lãnh kiện tôi, tôi không có tội. Vậy nhưng người ta vẫn kết án và buộc tôi phải đi tù. Có cho tôi 1 tỉ đồng để vào nhà giam ở một ngày tôi cũng không thèm...".

Một nhà - hai nỗi oan sai Một nhà - hai nỗi oan sai

TTO - Giới thiệu cho bà con hàng xóm đi định cư tại Úc, vợ chồng ông Phan Chí Lộc đâu ngờ cả hai bị cáo buộc tội lừa đảo. Đằng đẵng chịu oan suốt 10 năm, có lúc bà Nguyễn Thị Hoa đã nghĩ đến chuyện tự tử.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên